Nông nghiệp công nghệ cao vướng rào cản: Nút thắt từ vốn vay

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 08/08/2014 13:14 PM (GMT+7)
Ngoài đất đai và chính sách đầu tư, vốn là một trong những “nút thắt” lớn cần được tháo gỡ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) hiện nay.
Bình luận 0

Giàu mới làm được nông nghiệp công nghệ cao

Những mô hình sản xuất NNCNC thời gian qua của một số doanh nghiệp đã cho thấy, nếu được đầu tư đúng hướng, chọn mô hình phù hợp, thì nông nghiệp sẽ là “mảnh đất vàng”. Ông Lê Văn Cường – Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP cho biết, tại Lâm Đồng nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNC trong trồng hoa, rau mà đã có nhiều nông dân, doanh nghiệp (DN) trở nên giàu có, với khoảng 2.800ha nhà kính, trong đó có khoảng 1.000ha cho doanh thu 1 – 2,5 tỷ đồng/ha/năm. Bản thân Công ty Đà Lạt GAP cũng là đơn vị đầu tiên của cả nước áp dụng công nghệ sản xuất giống trên giá thể và thu được hiệu quả rất cao. Ví dụ, với cây rau bó xôi, nếu gieo giống trên giá thể thì thời gian sinh trưởng rút ngắn chỉ còn một nửa (30 – 35 ngày), sâu bệnh không đủ thời gian để gây hại nên không cần dùng đến thuốc BVTV, nhờ đó rau luôn đảm bảo an toàn. Tương tự, việc trồng cà chua trên giá thể trong nhà kính với hệ thống bón phân, tưới nước tự động đã góp phần tăng năng suất cà chua lên 240 – 280 tấn/ha/vụ 9 tháng.

“Tuy nhiên, hầu hết DN ở đây cũng chỉ có quy mô vốn vừa và nhỏ, diện tích đất hạn chế, trong khi đầu tư cho 1ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động... cần ít nhất 10 – 15 tỷ đồng” – ông Cường cho biết.

Có mặt tại khu nhà kính áp dụng công nghệ trồng khoai tây khí canh của Trung tâm Ứng dụng KHKT tỉnh Nam Định (trụ sở tại xã Mỹ Xá, TP.Nam Định), ông Vũ Xuân Trung – Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm đang triển khai Dự án “Ứng dụng KHKT xây dựng mô hình sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tại Nam Định” bằng công nghệ khí canh, quy mô dự án gồm nhiều giai đoạn, với diện tích sử dụng hơn 10ha. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị mới sản xuất được 144m2 khoai tây khí canh trong khu nhà lưới rộng hơn 400m2. Qua sản xuất thử, công nghệ này cho năng suất rất cao, hơn 30 củ giống/cây, nhưng để nhân rộng thì cần rất nhiều vốn, thời gian đầu tư lâu dài. “Trung bình 1m2 nhà lưới hết hơn 1 triệu đồng, cộng với thiết bị bên trong thì tổng đầu tư cho 1m2 phải trên 10 triệu đồng. Trong khi năm 2013, trung tâm mới thu được hơn 100 triệu đồng tiền bán củ giống và cây giống, tức phải nhiều năm sau mới thu hồi đủ vốn, đó là chưa tính chi phí rủi ro” – ông Trung phân tích.

Ngay cả những “đại gia” lớn như Tổng Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), cũng cho rằng NNCNC là một lĩnh vực đầy rủi ro, nếu không có vốn đủ lớn thì rất khó thành công. Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk từng chia sẻ: “Với lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, rất cần nguồn vốn lớn và lâu dài. Nếu chỉ dựa vào vốn đi vay để nuôi thì sẽ rất nguy hiểm, bởi thường phải sau 3 năm mới bắt đầu có lãi, trong khi lãi vay ngân hàng thì biến động thất thường, thời hạn cho vay ngắn”.

Cơ cấu lại chính sách tín dụng

Theo đề án phát triển NNCNC của Bộ NNPTNT, đến năm 2020 mỗi tỉnh có ít nhất 10 DN, 10 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1-2 khu NNCNC. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nếu không có sự đột phá của Nhà nước về chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ DN thì mục tiêu trên rất khó khả thi. Ông Nguyễn Đình Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt cho biết: “Mỗi món vay ngân hàng chỉ được vay kỳ hạn khoảng 6 tháng thì rất khó cho DN. Chúng tôi buộc phải đầu tư từng phần, điều này làm DN mất đi không ít cơ hội kinh doanh. Vì vậy, Nhà nước cần hình thành quỹ hỗ trợ đầu tư cho DN vay cả trong ngắn hạn và dài hạn”. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì biện pháp trước mắt có thể thực hiện ngay để giải quyết vốn cho nông nghiệp nói chung, chính là tăng khả năng tiếp cận vốn thông qua cơ chế cho vay đơn giản, rõ ràng. Theo ông Sơn, Nhà nước cần sớm xây dựng một cơ chế bảo lãnh tín dụng thông thoáng hơn. Thay vì phải cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như hiện nay thì có thể tạo điều kiện cho nông dân, DN được thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay như nhà kính, cây trồng, vật nuôi...

Bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế cho vay đặc thù đối với dự án NNCNC, tức là cho phép được thực hiện cấp tín dụng theo nhu cầu của dự án, cho vay trọn gói mà không theo từng giai đoạn. Ngoài ra, bà Hương cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nới lỏng điều kiện phát hành trái phiếu theo Nghị định 90/2011/NĐ-CP đối với các DN làm NNCNC. “Nghị định này quy định DN chỉ được phát hành trái phiếu khi năm liền kề trước khi phát hành phải có lãi. Điều này gây khó khăn cho các dự án NNCNC, vì đặc thù của các dự án này là cần vốn nhiều, quy mô lớn, thời gian thực hiện kéo dài và phải chịu lỗ trong 2-3 năm đầu” – bà Hương nói.

   Đã có 4 DN được  vay hơn 411 tỷ đồng

 Nhà nước đã có chủ trương cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các mô hình ứng dụng khoa học và CNC trong nông nghiệp. Agribank sẽ là ngân hàng chủ lực, đi đầu trong lĩnh vực này. Hiện Agribank đã ký hợp đồng nguyên tắc cấp tín dụng trị giá hơn 411 tỷ đồng cho 3 DN ở An Giang và 1 DN tỉnh Lâm Đồng. Mức lãi suất cho vay tối đa ngắn hạn là 7%/năm; trung hạn là 10%/năm; dài hạn là 10,5%/năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem