Nông nghiệp khó khăn nhất trong nhiều năm: Thay đổi từ... chai nước sốt

Thuận Hải Thứ năm, ngày 09/07/2015 10:17 AM (GMT+7)
Một trong những giải pháp để phục hồi đà tăng trưởng của nông nghiệp, đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất- kinh doanh, nhất là bảo quản, chế biến thuận lợi hơn.  Bản thân doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi, từ  việc tìm nguyên liệu của chai nước sốt, đến chế biến tại các nhà máy xay xát gạo, kể cả thay đổi... tư duy. 
Bình luận 0

Chính sách nhiều nhưng chưa tới

Trao đổi với NTNN, nhiều ý kiến cho rằng, những yếu kém, sụt giảm trong nông nghiệp hiện nay, một phần do sự chậm chạp trong thay đổi tư duy sản xuất, tiêu thụ nông sản. Bà Nguyễn Phúc Ánh – Giám đốc DN tư nhân Tấn Tài III (huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết: “Trong khi nhu cầu sử dụng gạo trong nước cũng như các hợp đồng xuất khẩu gạo ngày càng “hẻo” thì sản lượng lúa mỗi năm vẫn tăng cao. Do đó, giá bán không thể tăng mà liên tục sụt giảm, do lượng cung luôn vượt quá cầu. Trong khi đó, dù đã có chủ trương chuyển đổi một phần diện tích từ trồng lúa sang trồng màu, nhưng chính sách này đến nay vẫn chưa được nhiều nông dân hưởng ứng”.

img
 Bà Lê Hà Mộng Ngọc – Giám đốc Công ty Nấm Việt (TP.HCM) tự tìm cách chế biến các loại nấm của trang trại mình thành  sản phẩm ăn liền, phục vụ người tiêu dùng.Ảnh:  T.H
Bà Ánh cũng cho biết, đi thực tế thấy nông dân không mấy hào hứng, vì trồng bắp ra chưa chắc bán được. Hay như đối với lúa, nhà nước khuyến khích trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao nhưng khi thu hoạch, giá bán cũng ngang ngửa với lúa chất lượng thấp thì thiệt thòi cho nông dân quá. “Nhà nước khuyến khích khâu sản xuất thì cũng phải tính tới đường ra cho nông dân chứ”- bà Ánh trăn trở.

 

Theo ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến, thương mại Thuận Phước, phản ứng của DN cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan trước biến động thị trường hiện nay còn khá chậm. “Đơn cử như như trong vấn đề điều chỉnh tỷ giá khi đồng USD tăng giá mạnh hồi cuối quý I vừa qua. Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD chậm khiến hoạt động xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn khi giá bán ra cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng giảm nhiều”- ông Lĩnh nói.

Ngược lại, ngay khi đồng USD tăng giá cao, ngân hàng các nước khu vực EU hay Ấn Độ… phản ứng rất nhanh, họ điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ từ 15 – 25%, tạo điều kiện cho sản phẩm tôm, cá của nước này giảm giá mạnh, sức cạnh tranh tăng cao. DN cũng không lo phải đối mặt với chênh lệch tỉ giá quá lớn khi thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế.

Công nghiệp phụ trợ yếu

Nói về những giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nông sản, ông Lê Văn Quang- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, Nhà nước cần tập trung giải quyết những yếu kém trong ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ chế biến, xuất khẩu thủy sản. “Công nghiệp phụ trợ là khâu còn yếu nhất trong chuỗi giá trị thủy sản Việt Nam hiện nay. Trong khi những nhà máy sơ chế, chế biến thủy sản nhiều vô kể thì số nhà máy sản xuất các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm giá trị gia tăng lại không bao nhiêu”- ông Quang nói.

Theo ông Quang, nhiều đơn hàng chỉ cho phép DN chuẩn bị, chế biến trong vòng 1 tháng nhưng do không thể tìm được các loại nước sốt, gia vị trong nước nên phải nhập khẩu. “Sang tháng sau, đối tác họ muốn đổi khẩu vị, họ yêu cầu loại nước sốt khác, mình lại tất bật đi kiếm, đi nhập về, rồi lại tốn thời gian, chi phí cho kiểm định chất lượng này nọ, rất mất thời gian, cũng dễ mất bạn hàng nữa”- ông Quang nói.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vĩnh Hoàn đề xuất, cần có chính sách miễn thuế sử dụng đất cho DN sản xuất con giống thủy sản. Đồng thời, có nguồn kinh phí lâu dài cho nghiên cứu, lai tạo giống chứ không phải chỉ là những dự án ngắn hạn như hiện nay. Hơn nữa, để giải quyết vấn đề mấu chốt nữa của ngành thủy sản, ông Quang đề nghị phải có chính sách phát triển nguồn giống chất lượng cao, bằng cách hợp tác với cơ quan nước ngoài, hoặc “mua đứt” một DN giống nước ngoài về con giống. Từ đó, tạo ra nguồn giống chất lượng, đảm bảo, phục vụ nuôi trồng trong nước.

Hay như trong ngành lúa gạo, muốn bán gạo vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật,… phải kiểm tra, kiểm soát đến hơn 600 chỉ tiêu về kháng sinh, hóa chất các loại. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có thể kiểm tra được 30% trong số các chỉ tiêu này, số còn lại, DN phải đưa gạo sang nước ngoài kiểm định, vì chênh lệch giữa kết quả kiểm định trong nước và nước ngoài khá cao, đối tác không chấp nhận.

“Muốn xuất khẩu gạo vào Mỹ phải đưa mẫu sang Thái Lan kiểm định, chi phí là 8 triệu đồng/mẫu, thời gian chuyển đi chuyển về mất hơn 1 tuần, trong khi Thái Lan họ làm trong nước, chỉ vài tiếng đồng hồ là xong. Do đó, việc xây một trung tâm kiểm định chất lượng gạo theo chuẩn quốc tế là rất cần thiết”- ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám Vinafood II chia sẻ.

Doanh nghiệp chỉ cần đất?

Tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp cho thấy, đến nay chúng ta vẫn chưa có chính sách tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho cho các công đoạn sau thu hoạch như phơi lúa, chế biến lúa, sấy lúa, kho chứa lúa”.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị, bổ sung đất xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến như: Sấy lúa, đất chế biến lúa gạo, đất kho chứa lúa, để các quỹ đất này được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và bảo vệ; miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển NNNT


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem