Sản xuất nông nghiệp gặp khó vì giống: Có lợi thế, vẫn lệ thuộc

Thuận Hải (thực hiện) Thứ tư, ngày 03/09/2014 06:48 AM (GMT+7)
GS - TS Bùi  Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam cho rằng, nếu không có chính sách phát triển hợp lý, Việt Nam sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào nước ngoài trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. 
Bình luận 0

Ông Bửu cho biết: Trên thế giới hiện nay, công nghệ hạt giống đang nằm trong tay của 6 “đại gia” (the Big Six), là những doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần lớn trên thị trường. 6 “đại gia” này gồm BASF, Bayer, Dow Agrosciences, DuPont, Monsanto, Syngenta.

Mỗi năm, 6 DN này đạt doanh số kinh doanh hạt giống trên thế giới xấp xỉ 50 tỷ USD, trong khi tổng doanh số toàn cầu ở mức 70 tỷ USD. Tại Việt Nam, các tập đoàn tư nhân trên cũng đang có ảnh hưởng rất mạnh đến sản xuất giống ngô lai.

Việt Nam phải nhập khẩu hàng năm khoảng 60 triệu USD về hạt giống rau. Cùng với các loại giống hoa, bắp, lúa lai…, giá trị nhập khẩu toàn ngành trồng trọt xấp xỉ 500 triệu USD.

img

GS - TS Bùi  Chí Bửu

Nói vậy nghĩa là Việt Nam đang gần như lệ thuộc vào các ông lớn trên về giống cây trồng?

- Phải nói rõ rằng, lợi thế lớn nhất của Việt Nam hiện nay là chúng ta có nguồn ngân hàng gene rất lớn. Nếu bảo tồn và phát huy được nguồn tài nguyên sẵn có này sẽ tạo điều kiện để phát triển ngành giống trong thời gian tới.

Ngược lại, nếu nguồn gene và vấn đề đa dạng sinh học không được quan tâm đúng mức, trong tương lai, Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nước ngoài trong sản xuất, thương mại giống cây trồng. Hiện nay, mức đầu tư cho bảo tồn, phát triển nguồn gene trong nước rất thấp, chỉ khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Nhưng nếu nhập khẩu mà đem về được những giống mới, năng suất cao, đem lại hiệu quả sản xuất cho nông dân thì vẫn có thể chấp nhận được?

- Vấn đề cần nhấn mạnh là, một khi giống của các DN ngoại được thương mại hóa, bên cạnh bỏ tiền mua giống cho sản xuất, nông dân trong nước còn phải trả phí bản quyền cho DN, là đơn vị lai tạo ra giống. Hơn nữa, là một nước nông nghiệp, ngành công nghệ hạt giống của Việt Nam phải làm sao để không bị lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài.

Nói vậy không có ý nghĩa là phải quốc hữu hóa hoặc tạo hệ thống thương nghiệp có kiểm soát gắt gao, mà là cần phải có nguồn vốn đầu tư làm cho hệ thống công nghệ hạt giống trở nên vững chắc, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.

Vậy, Việt Nam cần phải làm gì để hạn chế tình trạng phụ thuộc vào “hàng xóm” nêu trên?

- Có thể lấy một số nước trong khu vực có ngành giống phát triển tốt, như Thái Lan làm bài học. Thái Lan được xếp hạng nhất ASEAN, hạng 3 châu Á và hạng 12 của thế giới về xuất khẩu hạt giống, với kim ngạch 130 triệu USD/năm...

Để làm được điều này, Thái Lan hỗ trợ cho sản xuất giống và kinh doanh giống bằng các dự án như Seed Hub… Ngoài ra, Thái Lan đang tiến hành tập hợp các nhóm công ty kinh doanh hạt giống nhằm tăng cường hiệu quả của công nghiệp giống thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP).

Xin cảm ơn Giáo sư!

Việt Nam là thị trường “béo bở” của các DN nước ngoài. Mới đây nhất, một DN có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình (Pan Pacific) đã mua 4,63 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Giống cây trồng T.Ư (Vinaseed), trở thành đơn vị nắm quyền điều hành một doanh nghiệp lớn về sản xuất, thương mại giống cây trồng của Việt Nam.
Ông Ngô Văn Giáo - Chủ tịch Hiệp hội thương mại Giống cây trồng Việt Nam:Cần có 2 chiến lược song song

Trước hết, kiềm chế bớt nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực này. Chúng ta vừa có lợi về kinh tế (DN kinh doanh đóng thuế) và giải quyết được thêm công ăn việc làm cho lao động, nhưng để tránh bị lệ thuộc, nhà nước phải có chính sách “nội địa hóa” sản xuất.

Phải quy định đối với các giống lai F1 (sau khi đã được công nhận) các công ty này chỉ được nhập khẩu trong 2-3 năm đầu, sau đó phải sản xuất tại chỗ, để qua đó chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Nội địa hóa sản xuất còn giúp chi phí giá thành giống hạ rất nhiều, lợi cho nông dân.

Thứ hai, Nhà nước cần có những chính sách, chiến lược dài hạn để thúc đẩy phát triển trong nước, tạo ra các hàng lang pháp lý phát triển thông thoáng, nhiều ưu đãi về vốn, thuế, đất đai... và xã hội hóa để kích thích mọi nguồn lực xã hội đầu tư vào. Đặc biệt, phải có những chính sách khuyến khích xuất khẩu, để từ đó ngoại tệ không còn chảy ra nước ngoài như hiện nay nữa mà chảy về cho đất nước khi xuất khẩu tốt.
Song Anh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem