11 gia tộc giàu nhất nước Mỹ năm 2015

Hoài Thu (Zing.vn) Chủ nhật, ngày 02/08/2015 17:00 PM (GMT+7)
Theo Forbes, tài sản của các gia đình này bao gồm cổ phần trong công ty nhà nước, tư nhân, bất động sản, tiền mặt và thậm chí là cả các khoản nợ.
Bình luận 0

11. Gia đình Dú Pont - Tài sản: 14,5 tỷ USD

img

Du Pont là một trong những gia tộc lớn giàu có lâu đời nhất tại Mỹ, với khoảng 3.500 thành viên. Eleuthere Irenee du Pont đặt nền móng cho đế chế Du Pont từ năm 1802 với việc thành lập công ty sản xuất thuốc súng tại Mỹ. Tới năm 1803, Napoleon ký hợp đồng thoả thuận cho phép Du Pont bí mật hỗ trợ tài chính. Năm 1803, gia tộc này mua lại bang Louisiana.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, gia đình Du Pont cung cấp 40% lượng thuốc nổ cho cả hai bên. Tới Chiến tranh thế giới thứ hai, chính họ đã cung cấp plutonium cho Mỹ chế tạo những quả bom nguyên tử đầu tiên. Nhiều tin đồn rằng gia đình Du Pont được Chính phủ Mỹ cho phép trồng và sản xuất cần sa tại những cánh đồng bí mật. Đổi lại, họ sẽ bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất túi nylon của Mỹ.

Hiện nay, Tập đoàn Du Pont là nhà sản xuất hạt giống biến đổi gene lớn thứ 2 thế giới. Họ thậm chí còn gây quỹ thành lập một "kho Noah" bao gồm hạt giống của tất cả các loại cây trên Trái Đất nhằm bảo vệ nguồn gene trong trường hợp có thảm hoạ toàn cầu diễn ra.

10. Gia đình Duncan - Tài sản: 22,4 tỷ USD

img

Dan Duncan sinh ra trong một gia đình nghèo tại bang Texas, bố mẹ mất năm ông mới 7 tuổi và từ đó ông được bà nội nuôi nấng. Sau này, Duncan phất lên nhờ vào ngành công nghiệp dầu mỏ.

Ông mất năm 2010 ở tuổi 77, để lại khối tài sản trị giá gần10 tỷ USD cho 4 người con là Randa Duncan Williams, Milane Frantz, Dannine Duncan Avara và Scott Duncan, với cổ phần của mỗi người ngang nhau. Con trưởng Randa hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty.

9. Gia đình Johnson (Edward) - Tài sản: 26 tỷ USD

img

Gia đình Johnson sở hữu 49% cổ phần của Fidelity, công ty quản lý quỹ tương hỗ lớn thứ hai tại Mỹ (chỉ sau Vanguard), quản lý 1,8 nghìn tỷ USD.

Công ty này được thành lập năm 1946 bởi Edward C. Johnson II và có trụ sở ở Boston. Từ năm 1977, con trai của Edward C. Johnson II là Edward "Ned" Johnson III nắm quyền điều hành cho đến năm 2014.

Tuy nhiên, Johnson III vẫn là Chủ tịch hội đồng quản trị. Con gái của Ned Abigail thay thế ông đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành Fidelity vào tháng 5/2014. Con trai của Ned là Edward Johnson IV đang điều hành một công ty bất động sản gia đình.

8. Gia đình Johnson (S.C.) - Tài sản: 28,8 tỷ USD

img

Có trụ sở tại bang Wisconsin, công ty này chuyên sản xuất các loại hóa chất tẩy rửa dùng cho gia đình trên khắp thế giới như Ziploc, Windex, Glade và Shout. Người sáng lập S.C. Johnson khởi nghiệp từ năm 1886 với một công ty chuyên về ván sàn gỗ. 2 năm sau đó, ông tiếp tục cho ra đời một loại sáp đánh sàn để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Sau khi Johnson mất, quyền sở hữu bị hai người con của ông là Herbert Fisk Jr. và Henrietta Johnson Louis chia theo tỷ lệ 60:40. Theo đó, Herbert Fisk Johnson là người được tiếp quản việc điều hành công ty. Hiện nay, công ty nằm dưới quyền điều hành của tiến sĩ Herbert Fisk Johnson III, chắt nhà sáng lập S.C. Johnson.

7. Gia đình Pritzker - Tài sản: 30 tỷ USD

img

Gia đình đầy quyền lực tại Chicago này nổi tiếng nhất nhờ với khách sạn Hyatt. Tuy nhiên, trong những năm 2000, nội bộ xảy ra nhiều tranh chấp khiến tài sản bị chia chác.

Hiện tại, mỗi "phe" lại đi theo một hướng khác nhau, bao gồm đầu tư, khách sạn và thậm chí là cả sản xuất phim. Liesel Pritzker Simmons, người đã từng đâm đơn kiện cha cô và cả gia đình Pritzker vào năm 2003, là một nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng. Hiện 11 thành viên trong gia đình này đều là tỷ phú.

6. Gia đình Hearst - Tài sản: 32 tỷ USD

img

Bộ phim Citizen Kane của nhà sản xuất Orson Welles phần lớn được dựa trên câu chuyện về ông trùm xuất bản William Randolph Hearst, người kế nghiệp điều hành tờ The San Francisco Examiner từ cha vào năm 1887.

Con trai của ông, William Randolph Hearst Jr., là nhà báo từng đoạt giải Pulitzer. Cháu trai ông, William R. Hearst III, hiện là chủ tịch của đế chế truyền thông Hearst, bao gồm 49 tờ báo, gần 340 tạp chí phát hành trên toàn cầu và cổ phần đầu tư vào nhiều kênh truyền hình cáp khác nhau như ESPN, Lifetime và A & E.

Trong hai năm dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành Steven Swartz, Tập đoàn Hearst vẫn tiếp tục phát triển và lập kỷ lục về doanh thu trên toàn Bắc Mỹ ở mức 10 tỷ USD. Cùng lúc đó, tập đoàn này còn chú trọng đầu tư vào các phương tiện truyền thông triển vọng như Vice và BuzzFeed.

5. Gia đình Cox - Tài sản: 34,5 tỷ USD

img

Tài sản của gia đình Cox được gây dựng từ khi James M. Cox mua lại tờ Dayton Evening News vào năm 1898. Công ty này sau đó mở rộng sang các lĩnh vực truyền hình, phát thanh và nhiều ngành khác nữa. Tháng 6 vừa qua, Cox đã công bố một thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD để mua lại DealerTrack, một hãng sản xuất phần mềm cho các đại lý xe hơi.

Thông qua các doanh nghiệp nhỏ, gia đình này còn nắm quyền sở hữu trang AutoTrader.com, công ty tư vấn xe hơi Kelley Blue Book và tổ chức đấu giá Manheim. Khối gia tài được phân chia cho con gái của James Cox là Anne Cox Chambers, cùng các cháu của ông là James Kennedy và Blair Parry-Okeden.

4. Gia đình Cargill-Macmillan - Tài sản: 45 tỷ USD

img

Gia tộc Cargill MacMillan có tới 14 tỷ phú, lập kỷ lục số lượng người giàu là họ hàng của nhau. Cùng với một số anh chị em họ khác, họ sở hữu 88% cổ phần của Cargill, công ty tư nhân lớn nhất nước Mỹ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp. Cargill chuyên bán các loại thực phẩm, chế biến nông sản, buôn bán hàng hóa, cung cấp nguyên liệu và dịch vụ quản lý rủi ro tài chính.

Năm 1865, W.W. Cargill, con trai của một thuyền trưởng người Scotland, đã thành lập công ty chuyên cung cấp dịch vụ lưu trữ ngũ cốc. Vào cuối thế kỷ 19, ông trở nên giàu có khi hệ thốngđường sắt mở rộng về phía Tây và biến vùng Đại bình nguyên trở thành "vựa" bánh mì nước Mỹ. Sau đó, con rể của Cargill tiếp quản công ty vào năm 1909.

Năm 1995, Whitney MacMillan, thành viên cuối cùng trong gia đình giữ chức Giám đốc điều hành, cũng đã rời khỏi vị trí này. Hiện tại, chỉ 6 thành viên có ghế trong Hội đồng quản trị gồm 17 người của công ty. Mỗi năm, gia đình này để ra khoảng 80% thu nhập ròng của công ty cho các hoạt động tái đầu tư.

3. Gia đình Mars - Tài sản: 80 tỷ USD

img

Forrest Jr, Jacqueline và John sở hữu 100% cổ phần của Mars, công ty sản xuất kẹo lớn nhất thế giới với doanh số thường niên khoảng 33 tỷ USD. Hiện nay, 3 người có ghế trong ban quản trị nhưng không thực hiện một công việc thường nhật cụ thể nào. Công ty hiện giờ là do bố của ba anh em, ông Forrest Sr, để lại.

Trước đó, ông nội của ba anh em nhà Mars đã bắt đầu bán kẹo trong căn bếp của ông tại Tacoma, Washington vào năm 1911. Bố của họ gia nhập công ty vào năm 1929, cùng khoảng thời gian công ty phát minh ra kẹo nuga mạch nha (được bao bọc bằng loại mứt làm từ mật ong hoặc trong caramen cứng, dễ vỡ) mà về sau đã trở thành cơ sở để sản xuất các sản phẩm như Milky Way và Snickers.

Sau này, Mars còn sáng tạo ra loại kẹo M&M với hơn 400 triệu sản phẩm được sản xuất mỗi ngày tại Mỹ. Công ty này cũng sản xuất gạo mang nhãn hiệu Uncle Ben và là chủ sở hữu của hai thương hiệu thực phẩm dành cho thú cưng là Pedigree và Whiskas.

2. Gia đình Koch - Tài sản: 86 tỷ USD

img

Mua lại Koch Industries vào năm 1983, hai anh em Charles và David đã mở rộng công ty này trở thành công ty tư nhân lớn thứ hai trên toàn quốc (chỉ sau Cargill) với doanh thu lên đến hơn 100 tỷ USD. Cả hai anh em đều được vào top 10 người giàu nhất nước Mỹ.

Nhiều người tin rằng Charles và David sẽ là những người chi nhiều tiền nhất trong cuộc bầu cử năm 2016 cho các tổ chức theo chủ nghĩa bảo thủ của họ. Phát biểu với tờ USA Today vào tháng 4 vừa qua, Charles cho biết ông cùng với 450 môn đệ giàu có của mình dự tính chi ra khoảng 300 triệu USD cho các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong vòng 2 năm tới.

1. Gia đình Walton - Tài sản: 49 tỷ USD

img

Gia đình 6 người Walton đang nắm quyền kiểm soát hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart với gần 54% cổ phần. Tháng 6 vừa qua, khi Rob Walton rời khỏi vị trí Chủ tịch tập đoàn mà ông đã nắm giữ trong suốt 23 năm, ngay lập tức, con rể của ông, Greg Penner, trở thành người kế nhiệm chức vụ này.

Mặc dù thường xuyên bị vướng vào nhiều tranh cãi như vụ bê bối hối lộ tại Mexico hay những chỉ trích về việc trả lương cho nhân viên trong những năm qua nhưng doanh số bán hàng của Walmart vẫn không hề sụt giảm. Tính từ đầu năm tới nay, doanh thu của tập đoàn này đạt 486 tỷ USD.

Kể từ khi được thành lập vào năm 1962 tại một thị trấn nhỏ vùng Arkansas bởi Sam Walton và James "Bud", công ty đã trải qua một chặng đường rất dài. Giờ đây, khối tài sản kếch xù mà hai nhà sáng lập để lại thuộc sở hữu của 3 người con ruột và con dâu của Sam cùng hai cô con gái của Bud.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem