Bà Lương Thị Cẩm Tú chi 200 tỷ gom cổ phiếu EIB, chuẩn bị biến động lớn tại Eximbank?

Nguyễn Ngân Thứ tư, ngày 11/07/2018 15:12 PM (GMT+7)
Bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT Eximbank vừa đăng ký mua 14 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1,139% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành, theo phương thức khớp lệnh trên sàn hoặc thông qua giao dịch thỏa thuận.
Bình luận 0

Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 5.7 đến ngày 3.8. Với mức giá cổ phiếu 14.000 đồng/cổ phiếu tính đến ngày 11.7, ước tính bà Tú sẽ phải chi ra gần 200 tỷ đồng để mua gom số cổ phiếu trên.

Hiện cá nhân bà Tú chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu EIB nào. Mục đích mua vào được cho biết là phục vụ cho hoạt động đầu tư. Thống kê cho thấy từ đầu tháng 5 đến nay, chỉ có khoảng gần 10,7 triệu cổ phiếu EIB được trao tay.

Bà Tú là nhân sự cấp cao vừa trúng cử vào Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 trong kì ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua. Được biết, trong số 4 hồ sơ ứng cử vào HĐQT Eximbank thời điểm đó, chỉ có duy nhất hồ sơ của bà Tú được chấp thuận. Bởi ngay sát ngày tổ chức ĐHĐCĐ, 3 ứng viên còn lại đã có đơn đề nghị xin không tiếp tục tham gia ứng cử làm thành viên HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.

img

Bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT Eximbank dự tính chi 200 tỷ đồng gom cổ phiếu EIB

Bà Lương Thị Cẩm Tú là nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), vừa rút khỏi HĐQT và từ nhiệm ở NamABank vào đầu tháng 3 để kịp tham gia đại hội Eximbank vào cuối tháng 4.

Bà Lương Thị Cẩm Tú là cử nhân ngành quản trị kinh doanh loại ưu năm 2002, sau đó lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Griggs (Mỹ) và có 17 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí trọng yếu trong các tổ chức kinh tế lớn và uy tín như: Phó tổng giám đốc thường trực - phụ trách kinh doanh Nam A Bank; Giám đốc khu vực kiêm Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của MHB; Giám đốc chi nhánh Sacombank; Thành viên HĐQT Công ty Đường Ninh Hòa...

Thực tế, không chỉ có gương mặt mới của HĐQT thâu tóm thêm cổ phiếu, ban điều hành của Eximbank gần đây cũng có nhiều sự biến động.

Đầu tháng 4.2018, ông Nguyễn Cảnh Vinh được HĐQT Eximbank bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc thường trực, xuất hiện thường xuyên hơn với công chúng. Trước đó, ông Vinh giữ vai trò Tổng Giám đốc của ngân hàng SEABank.

Theo chân ông Vinh, ông Nguyễn Hướng Vinh cũng rời ghế Phó Tổng Giám đốc SeABank về giữ chúc vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối công nghệ của Eximbank vào đầu tháng 6.

Chưa hết, chiếc ghế nóng của Eximbank dự kiến cũng sắp đổi ngôi trong thời gian tới, khi ông Lê Văn Quyết, CEO cũng úp mở tương lai của mình. “Tôi được HĐQT tin tưởng bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Eximbank cách đây 2 năm với nhiệm vụ là từng bước cải tổ, đưa Eximbank thoát khỏi khó khăn và trở lại top các ngân hàng hàng đầu. Hợp đồng 2 năm đến nay đã kết thúc, tôi tự thấy đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Nay nếu HĐQT Eximbank có thể lựa chọn người thích hợp hơn cho vị trí tổng giám đốc thì đó cũng là điều tốt cho ngân hàng", ông Quyết nói tại ĐHĐCĐ hồi tháng 4 vừa qua.

Eximbank từng là ngân hàng có tiếng nói trên thị trường, với vị thế là ngân hàng tư nhân thuộc tốp đầu, nhưng đã nhanh chóng bị bỏ xa, suy giảm thị phần ở mọi mảng hoạt động.

Báo cáo tài chính quý I.2018 của Eximbank với kết quả lợi nhuận sau thuế tăng mạnh gấp 3,25 lần lên 444,5 tỷ đồng. Đóng góp chính vào lợi nhuận là khoản lãi từ góp vốn, mua cổ phần tăng đột biến là động lực tăng trưởng chính của lợi nhuận quý này với hơn 520 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu đóng góp từ đợt bán cổ phiếu STB của Sacombank. Tổng số tiền thu được từ đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác trên báo cáo về dòng tiền là 1.736 tỷ đồng.

Trong khi đó, các nguồn thu nhập khác lại đi ngang, thậm chí giảm. Thu nhập chính đóng góp vào lợi nhuận của Eximbank là thu nhập lãi thuần giảm 3% cùng kỳ, còn 667 tỷ đồng. Chi phí hoạt động và dự phòng đều tăng. Phần lớn các khoản thu giảm, chi phí tăng, do đó ghi nhận khoản lãi đột biến từ bán cổ phần chính là “cứu cánh” cho lợi nhuận quý này của Eximbank.

Cùng với đó, tăng trưởng huy động tiền gửi và cho vay khách hàng đều giảm so với thời điểm đầu năm, lần lượt là 4% và 0,6%. Huy động từ tiền gửi khách hàng và phát hành trái phiếu giảm 7.709 tỷ đồng, xấp xỉ 112.830 tỷ đồng.

Cùng với đó, từ đầu năm tới giờ, Eximbank bị rơi vào khủng hoảng truyền thông khi liên tiếp bị dính mất tiền của khách hàng. Đáng chú ý nhất là vụ mất tiền của nữ đại gia thủy sản từ đầu năm tới nay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem