Bình Định quyết từ chối nhận chìm 300.000m3 vật chất nạo vét cảng Quy Nhơn!

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 07/10/2019 16:16 PM (GMT+7)
Đề xuất nhận chìm 300.000m3 vật chất nạo vét cảng Quy Nhơn xuống biển của Cục Hàng hải Việt Nam đã bị tỉnh Bình Định quyết định từ chối vì lo ngại ảnh hưởng môi trường.
Bình luận 0

Ngày 7/10, lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Bình Định cho biết, Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị chức năng của tỉnh này đã thống nhất phương án tận dụng vật chất khi nạo vét luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn để san lấp nền Dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại do Công ty CP Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, vật chất nạo vét dưới luồng ra vào cảng Quy Nhơn đa phần là bùn thải, bùn đất và các chất phù sa ở cửa biển đầm Thị Nại đổ ra. Nhưng việc nhận chìm ngoài biển có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường biển nên Sở TNMT, cùng các đơn vị chức năng của tỉnh Bình Định đã kiên quyết yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu tìm điểm đổ thải trên bờ. Công tác nạo vét được dự kiến thực hiện trong năm 2019 nếu thời tiết tốt.

img

Trước đây, khi dòng chảy thay đổi bèo rác thải tấp vào bờ biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định phải tốn rất nhiều kinh phí để dọn dẹp. Ảnh: Dũ Tuấn.

Trước đó, Dân Việt đã từng thông tin, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định Lê Văn Tùng xác nhận, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định đề xuất vị trí đổ chất nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn. Theo đề xuất của Cục Hàng hải, khối lượng nạo vét ở luồng cảng Quy Nhơn dự kiến khoảng 300.000m3. Đơn vị này đưa ra 3 phương án đổ chất nạo vét, trong đó có phương án nhận chìm vật chất nạo vét ra khu vực biển.

UBND tỉnh Bình Định giao Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam để thống nhất trình tự thủ tục, cách thức triển khai.

Một đại diện Chi cục Biển và Hải đảo (thuộc Sở TNMT tỉnh Bình Định) cho rằng, việc nạo vét thông luồng hàng hải Quy Nhơn là việc làm thường xuyên của Cục Hàng hải Việt Nam. Bởi, luồng lạch hàng năm đều bị bồi lấp nên không đảm bảo về độ sâu của luồng hàng hải để các tàu thuyền ra vào.

img

Thiên nhiên bồi đắp tạo nên bãi biển Quy Nhơn rất giống hình hài "vầng trăng khuyết" nên thơ, thu hút đông người dân và du khách. Ảnh: Dũ Tuấn.

Trong khi đó, nhiều người dân địa phương đưa ra ý kiến lo ngại rằng, việc nhận chìm bùn, cát sẽ tác động tiêu cực đến nhiều vấn đề, nơi sinh trưởng của các loại thủy hải sản tầng đáy và môi trường biển khu vực. Vùng biển Quy Nhơn là nơi sinh sống của rất nhiều loài tôm, cá... vì vậy khi thay đổi môi trường sẽ gây hại đến nguồn lợi thủy sản.

Đối với môi trường du lịch, đổ bùn ở khu vực xa bờ có tác động rất lớn, khiến biển Quy Nhơn thiếu đi độ trong. Vì bùn thường ở khu vực ven biển cửa sông nếu đưa ra xa, biển Quy Nhơn chắc chắn sẽ đục liên tục, cảnh quan ảnh hưởng nghiêm trọng. Độ trong của biển là giá trị đặc biệt, tài nguyên vô giá mà vùng đất Bình Định nắm giữ. Vì vậy, người dân yêu cầu cần cân nhắc kỹ việc nhận chìm bùn, cát và không nên “làm liều” khi đánh đổi giá trị tài nguyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem