Bộ GTVT muốn quản xe công nghệ như taxi, CEO Grab phản ứng thế nào?

L.Uyên Thứ ba, ngày 16/04/2019 13:00 PM (GMT+7)
Công ty TNHH Grab Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ rõ những bất cập tại dự thảo Nghị định mới thay Nghị định 86/2014 về Kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô.
Bình luận 0

Xe công nghệ phải gắn mào như taxi

Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành dự thảo lần 8 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, đã có một số điểm mới so với dự thảo lần trước.

img

Theo dự thảo Nghị định mới, dù ở trường hợp nào, các xe công nghệ đều phải gắn mào khi hoạt động. (Ảnh IT)

Theo đó, Bộ GTVT quy định taxi được phân chia thành 2 loại, có đồng hồ tính tiền và sử dụng phần mềm để tính tiền. Với xe gắn đồng hồ thì phải xuất hóa đơn cho khách theo hành trình. Cả 2 loại taxi này là phải có phù hiệu “TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ “TAXI” gắn cố định trước nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20 cm.

Dự thảo mà Bộ GTVT xây dựng cũng quy định cụ thể hơn về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, xe này phải niêm yết chữ “XE HỢP ĐỒNG” ở trên kính trước và kính phía sau xe theo quy định. Ngoài ra, “XE HỢP ĐỒNG” cũng phải có bảng điện tử gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20 cm và phải được bật sáng khi tham gia giao thông.

Đối chiếu quy định trong dự thảo này thì các hãng gọi xe công nghệ hiện nay như Go Viet, Grab, FastGo… đều phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải. Nếu các doanh nghiệp này hoạt động như taxi sẽ áp dụng quy định như taxi, còn nếu hoạt động như xe hợp đồng sẽ phải áp dụng quy định như vậy. Dù ở trường hợp nào, các xe này đều phải gắn mào khi hoạt động.

Phản ứng từ doanh nghiệp

Trong văn bản góp ý của Grab do ông Lim Yen Hock, CEO Grab Việt Nam ký gửi đến Bộ GTVT đã chỉ ra rằng nếu áp dụng 4 nội dung như dự thảo mới nhất của Bộ GTVT sẽ gây bất hợp lý, cản trở hoạt động doanh nghiệp và đi ngược với mục tiêu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

img

Đại diện Grab cho rằng nếu áp dụng 4 nội dung như dự thảo mới nhất của Bộ GTVT sẽ gây bất hợp lý, cản trở hoạt động doanh nghiệp và đi ngược với mục tiêu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Đáng chú ý, ông Lim Yen Hock cho rằng việc áp dụng quy định gắn hộp đèn cho cả taxi và xe hợp đồng (như dự thảo ) là không cần thiết. Theo lý giải, nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, thì tất cả phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “xe taxi” hoặc “xe hợp đồng” trên kính trước của xe như quy định pháp luật.

Còn nếu nhằm mục đích nhận diện xe cho hành khách thì cũng không cần thiết vì thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối.

Bên cạnh đó, các xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như đối với loại taxi bằng hình thức “vẫy xe”. Ngoài ra việc này còn làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ông Lim Yen Hock cũng không đồng tình dự thảo phân chia hoạt động kinh doanh vận tải thành các công đoạn khác nhau.” Điều này dẫn đến khả năng một đơn vị dù chỉ thực hiện một công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải, nhưng vẫn phải xin phép kinh doanh và tuân thủ toàn bộ các điều kiện kinh doanh vận tải”, CEO Grab Việt Nam nêu rõ.

Ngoài ra, Grab cũng đề xuất quy định rõ điều kiện kinh doanh đối với đơn vị thực hiện từng công đoạn cụ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải. Dựa trên những điều kiện kinh doanh như trên, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải phù hợp với đơn vị thực hiện theo từng công đoạn tương ứng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem