Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Ngành GTVT hoàn thành gần hết các nhiệm vụ

Thế Anh Thứ tư, ngày 01/01/2020 17:58 PM (GMT+7)
Ngành giao thông vận tải đã khép lại một năm 2019 với nhiều khó khăn, nhiều dự án đã được khởi công, nhưng cũng có nhiều dự án chưa thể đi vào hoạt động khai thác theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, ngành GTVT đã hoàn thành tốt gần như tất cả các nhiệm vụ được giao.
Bình luận 0

Để đánh giá về kết quả hoạt động giao thông vận tải trong năm 2019 và có những bước đi được dự báo là rất khó khăn trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã có buổi trao đổi với PV Dân Việt về những vấn đề này.

Thưa Bộ trưởng! năm 2019 đã khép lại, ông đánh giá thế nào về kết quả hoạt động của một năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2019, dù còn gặp nhiều thách thức, nhưng được sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo bộ GTVT và sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…, ngành GTVT đã hoàn thành tốt gần như tất cả các nhiệm vụ được giao.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Năm 2019, Bộ GTVT đã hoàn thành 100% kế hoạch. Trong đó, việc xây dựng hệ thống văn bản này vừa không tốn nhiều kinh phí mà lại thu được những tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội và trong năm qua. Về an toàn giao thông cũng là một trong những điểm sáng của ngành giao thông trong năm 2019 vì đã đạt được mục tiêu kéo giảm cả 3 tiêu chí đặc biệt là số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông 11 tháng đầu năm 219 thì đều vượt kế hoạch trên 5% so với nghị quyết của Chính Phủ.

Bộ GTVT cũng đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực xây dựng khi cơ bản thực hiện được những công trình trọng điểm Quốc gia như dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Xây dựng sân bay quốc tế Long Thành; Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam...

Hiện nay, nhiều dự án giao thông trọng điểm vẫn còn chậm tiến độ, vậy nguyên nhân do đâu thưa ông!

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Những dự án vẫn chưa hoàn thành chủ yếu là các dự án, công tác chuẩn bị kéo dài thời gian trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Vì thế, về tiến độ gặp nhiều khó khăn nhất định. Cùng với đó là việc giải ngân giao thông chưa được tốt do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng. Các dự án đường sắt trên cao còn tình trạng đội vốn, chậm tiến độ. Một số dự án BOT vẫn còn là điểm nóng chưa thể giải quyết…

Trong năm 2020 ngành giao thông sẽ có nhiều thuận lợi hơn, theo chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Chủ tịch Quốc hội trong năm 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là sẽ tập trung vào khâu điều chỉnh thể chế. Chúng tôi rất kỳ vọng sớm có một Luật thay thế cho nhiều Luật, một Nghị định thay thế cho nhiều Nghị định để tránh sự chồng chéo. Nếu chúng ta thực hiện được việc này thì chắc chắn hoạt động của các lĩnh vực giao thông vận tải sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và chúng tôi xem đây là bước đột phá so với thời gian vừa qua.

img

Ngành hàng không vẫn còn xảy ra sự cố.

Năm 2019 vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường sắt và một số sự cố hàng không, Bộ trưởng có kế hoạch chấn chỉnh như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Về đường sắt, dự án nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh với kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ xem xét, kỳ vọng sẽ cải thiện năng lực chạy tàu của ngành đường sắt cũng như nâng cao an toàn chạy tàu. Dự án sẽ có nhiều công trình nâng cấp các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt, qua đó hạn chế được các vụ va chạm giữa phương tiện đường bộ với đường sắt. Bên cạnh đó, dự án sẽ đầu tư thêm nhiều thiết bị cảnh báo tự động thông qua hệ thống đèn hiệu, hệ thống loa… trên hệ thống đường sắt.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang nghiên cứu xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự án nếu được xây dựng sẽ đảm bảo gần như tuyệt đối các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đường sắt, phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương có đường sắt chạy qua nhằm hạn chế, không để phát sinh thêm các điểm giao cắt mới với đường sắt, tăng cường trách nhiệm đối với địa phương.

Về lĩnh vực hàng không, xảy ra một số vụ liên quan đến việc uy hiếp an toàn bay. Đây là thực trạng sử dụng thiết bị bay như flycam, Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng nghiên cứu các giải pháp quản lý chặt những phương tiện này nhằm đảm bảo an toàn bay cho các tàu bay. Đối với sự cố kỹ thuật hàng không Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu, đơn vị quản lý chuyên ngành. Trong đó có Cục Hàng không Việt Nam đề ra các giải pháp cho vấn đề này.

Bộ GTVT cũng sẽ có giải pháp tăng cường năng lực của đội ngũ kỹ thuật các hãng hàng không. Theo nguyên tắc, trước mỗi chuyến bay, đội ngũ kỹ thuật của mỗi hãng bay có trách nhiệm kiểm tra toàn diện xem có đảm bảo tiêu chuẩn để được bay hay không. Qua đó, đội ngũ kỹ thuật có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo an toàn bay. Nếu trình độ của đội ngũ này cao sẽ hạn chế được mức thấp nhất những sơ suất về mặt kỹ thuật.

Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến các hãng hàng không, cụ thể như phi công để xảy ra vi phạm thì các hãng hàng không sẽ bị xử lý trước tiên. Cục Hàng không Việt Nam sẽ tăng cường kiểm tra quy trình, kiểm tra thực tế năng lực kỹ thuật để giảm nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn bay… Sự xuất hiện của nhiều hãng hàng không đem lại nhiều lợi ích cho người dân như chất lượng dịch vụ sẽ được nâng lên, giá vé sẽ giảm…

Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn việc thiếu hụt nguồn nhân lực hàng không, áp lực cho hạ tầng ngành hàng không. Do đó, Bộ GTVT yêu cầu mỗi một hãng hàng không khi đưa một tàu bay mới vào khai thác phải đảm bảo đủ đội ngũ phi công, cán bộ kỹ thuật, chỉ khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu này mới cấp phép cho máy bay hoạt động.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem