Buýt nhanh nghìn tỷ: Giám đốc Sở GTVT nói “đã không dự báo hết được!”

Thứ năm, ngày 30/06/2016 06:30 AM (GMT+7)
"Hiện nay dự án này gặp khó khăn, nhất là phương án chạy. 10 năm trở lại đây lưu lượng giao thông tại khu vực này đã tăng gấp 3-4 lần. Chúng tôi đã không dự báo hết được”, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT thừa nhận.
Bình luận 0

Dự án tuyến bus nhanh BRT của Hà Nội dài 14,7 km từ Yên Nghĩa – Kim Mã, với tổng vốn đầu tư 53 triệu USD (hơn 1000 tỷ đồng) đang được Sở GTVT rà soát lại những tồn tại, hạn chế để có thể cho chạy thí điểm vào cuối quý III, năm nay. 

Đó là thông tin được Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cung cấp tại cuộc họp báo chiều ngày 29.6.

Trước hàng loạt tồn tại của tuyến bus nhanh BRT từ bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã như: thiết kế làn đường riêng đi vào hạ tầng giao thông chung đang quá tải, xây dựng lộ tuyến trùng với tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh đang thi công… Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã thừa nhận quy hoạch của tuyến bus ban đầu đã không lường được lưu lượng giao thông trên tuyến bus nhanh này tăng đột biến trong những năm qua.

img

Không có làn đường riêng khiến dự án BRT có nguy cơ "không biết về đâu?"

Lý giải về vấn đề này, ông Viện cho hay: Loại hình bus BRT hiện là hình thức giao thông tiến bộ của thế giới, nhiều nước đang triển khai và coi trọng. Đây là hình thức vận tải công cộng nhanh, lưu lượng lớn trong khi chưa đủ nguồn vốn làm đường sắt trên cao, hay tàu điện ngầm. “Với 14,7 km từ bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã, đầu tư cho BRT chỉ hết khoảng 53 triệu USD, nhưng đầu tư đường sắt trên cao hết khoảng 500 triệu đô, tàu điện ngầm thì hết 1 tỷ USD”, ông Viện dẫn chứng.

Dẫn bối cảnh vào năm 2007, khi Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ cho Hà Nội làm bus BRT thì Hà Nội chưa thực hiện hợp nhất. Thời điểm đó, phương tiện giao thông của Hà Nội hạn chế, lưu lượng giao thông tại tuyến đường trên cũng chưa cao, thời điểm này đầu tư tuyến bus nhanh là phù hợp. “Tuy nhiện hiện nay dự án này gặp khó khăn, nhất là phương án chạy. 10 năm trở lại đây lưu lượng giao thông tại khu vực này đã tăng gấp 3-4 lần. Chúng tôi đã không dự báo hết được”, ông Viện thừa nhận.

Đồng thời ông Viện thông tin: “Hiện Hà Nội đang cùng với phía WB đánh giá lại toàn bộ lại những hạn chế, bất cập của tuyến bus này. Trước đó UBND TP Hà Nội đã có báo cáo với Thành uỷ, đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng vừa họp với phía WB về tuyến bus trên. Và chúng tôi dự định lùi thời hạn thí điểm đến tháng 9-2016”, ông Viện nói. Ông Viện cũng cho hay, đại diện WB cũng nói việc rút kinh nghiệm làm thí điểm bus nhanh BRT Hà Nội, cũng là bài học cho việc triển khai các dự án bus nhanh tại TPHCM và Đà Nẵng tới đây.

Tuyến bus nhanh Yên Nghĩa – Hà Đông thuộc dự án "Phát triển giao thông đô thị Hà Nội" có tổng mức đầu tư 53 triệu đô, dài 14,7 km qua các trục đường: Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài-trục phía bắc Hà Đông - Lê Trọng Tấn - Trần Phú - Ba La - Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông).

Hiện dự án đã xây dựng hoàn thiện hệ thống 21 nhà chờ (12 nhà chờ 4m và 9 nhà chờ 5m), 01 trạm chung chuyển bến xe Kim Mã, 01 trạm đầu cuối Yên Nghĩa, 04 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ và 01 trạm sửa chữa, bảo dưỡng trong bến xe Yên Nghĩa. Tuyến sẽ sử dụng loại xe buýt 12m. 

Theo thiết kế tuyến bus này sẽ đạt tốc độ 22km/giờ.

Theo kế hoạch cuối năm 2015 sẽ đưa vào sử dụng). Và mới đây kế hoạch chạy thí điểm cũng phải lùi lại 2 tháng, vào cuối tháng 9-2016 (theo kế hoạch sẽ chạy thí điểm trong tháng 7-2016).    

Trọng Phú (Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem