Đừng để nền kinh tế lại rơi vào vòng xoáy khủng hoảng vì nhóm lợi ích

Trần Giang Thứ năm, ngày 05/05/2016 09:51 AM (GMT+7)
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, trả lời phỏng vấn phóng viên Dân Việt xung quanh kiến nghị lùi thực hiện Thông tư 36 (sửa đổi) liên quan đến cho vay bất động sản (BĐS).
Bình luận 0

img

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Trong kiến nghị vừa gửi đến tân Thống đốc, Hiệp hội ngân hàng cho rằng việc thực hiện Thông tư 36 sửa đổi trong thời điểm này sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất theo hướng tăng lên, vì họ phải tăng lãi suất huy động để cơ cấu lại nguồn vốn. Ông bình luận gì về quan điểm này?

- Tôi không bị thuyết phục bởi những lập luận như thế. Đó là những lời “dọa dẫm” không có căn cứ, khôi hài. Lãi suất chịu tác động bởi nhiều yếu tố quan trọng hơn là việc NHNN điều chỉnh hệ số rủi ro đối với cho vay BĐS.

Ngân hàng có thể tăng lãi suất đối với cho vay BĐS để bù đắp vào hệ số rủi ro vừa được điều chỉnh tăng, nhưng không nhất thiết tăng lãi suất đối với các khu vực cho vay khác.

Ví dụ, với tổng vốn để cho vay là 100 đồng, ngân hàng quyết định phân bổ vốn theo hướng 30 đồng cho vay BĐS, 70 đồng cho vay các lĩnh vực khác. Nếu chúng ta có những chính sách không kiểm soát hoạt động cho vay BĐS, các ngân hàng sẽ có thiên hướng đổ vốn vào cho vay BĐS. Bởi cùng hệ số rủi ro là 150%, cho vay BĐS sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho vay các ngành khác, nên các ngân hàng mới cảm thấy “ăn nên, làm ra” bằng cho vay BĐS.

Khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay BĐS sẽ chèn ép các khu vực khác trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Các doanh nghiệp khu vực khác phải trả mức lãi suất cao hơn thì ngân hàng mới cho vay. Điều này hoàn toàn bất lợi cho các khu vực khác.

Nói như vậy, việc lãi suất cho vay đang cao như hiện nay có một phần nguyên nhân từ việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay BĐS và “ép giá” lãi suất với các lĩnh vực kinh doanh khác? Vậy việc siết cho vay BĐS có giúp cho lãi suất cho vay giảm xuống không, thưa ông?

-Việc NHNN điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay BĐS lên 250% để đạt 2 mục đích. Thứ nhất là phản ánh chi phí rủi ro vào trong giá vốn của ngân hàng. Thứ hai là hạn chế sự chênh lệch về phân bổ vốn, tức hạn chế việc ngân hàng đổ tiền nhiều vào BĐS.

Hai mục tiêu này rất quan trọng, bởi khi giá vốn BĐS được phản ánh đầy đủ thì các ngân hàng sẽ giảm cho vay đầu cơ BĐS xuống. Việc giảm cho vay đầu cơ BĐS sẽ giúp NHNN đạt được hai mục tiêu: Giảm hoạt động cho vay rủi ro và điều tiết dòng vốn chảy sang những khu vực kinh tế khác.

Khi dòng vốn được điều tiết sang khu vực kinh tế khác thì việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khu vực này sẽ dễ dàng hơn. Như vậy mặt bằng lãi suất cho vay ở những lĩnh vực kinh tế khác sẽ giảm xuống.

Tôi đồng ý lãi suất cho vay BĐS sẽ cao sau khi điều chỉnh hệ số rủi ro vì các ngân hàng sẽ phải bù đắp rủi ro. Nhưng không thể lấy mặt bằng lãi suất cho vay BĐS để “dọa dẫm” rằng mặt bằng lãi suất khu vực khác sẽ tăng. Không thể lấy mặt bằng lãi suất cho vay BĐS để đại diện cho mặt bằng lãi suất của cả nền kinh tế vì BĐS chỉ là một phần của nền kinh tế.

Kiến nghị gửi tân Thống đốc cũng cho rằng những sửa đổi của Thông tư 36 có thể làm cho quá trình xử lý nợ xấu chậm lại, vì hiện nay chúng ta cần “kích” thị trường BĐS lên để xử lý tài sản đảm bảo của nợ xấu. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

-Đây là giải pháp sai lầm, càng đổ thêm dầu vào lửa. Chúng ta phải hiểu, dòng tiền để xử lý nợ xấu phải từ nền kinh tế thực mà ra, chứ không thể từ kinh doanh BĐS mà có được.

Không thể đánh đồng hai khái niệm nền kinh tế thực và nền kinh tế tiền tệ. Nền kinh tế tiền tệ không sáng tạo ra vật chất, của cải cho xã hội mà phải từ nền kinh tế thực để sáng tạo ra của cải vật chất, là nguồn gốc của dòng tiền.

Khi ngân hàng xử lý nợ xấu phải nhìn thấy bản chất dòng tiền được tạo ra từ đâu để hoàn trả lại cho những khoản nợ sau đó. Điều đó có nghĩa chúng ta phải ưu tiên vốn cho khu vực sản xuất để tăng sản lượng lên mới có của cải vật chất, dòng tiền bền vững để thanh toán khoản nợ của chúng ta.

Không phải tiếp tục đổ tiền vào BĐS để tăng giá bán đi và thu nợ, không thể làm như thế được. Muốn có tiền xử lý nợ xấu, chúng ta phải điều tiết dòng vốn đổ vào khu vực sản xuất mới tạo ra thu nhập để trả nợ. Chúng ta phải chấp nhận dài hạn chứ không thể một sớm một chiều để xử lý nợ xấu được.

Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất của NHNN về những thay đổi của Thông tư 36. Việc trì hoãn một chính sách nói chung và Thông tư 36 nói riêng đều phát ra một tín hiệu không tốt cho một cam kết cải cách.

Điều đó cho thấy áp lực của nhóm lợi ích rất lớn, cản trở những chính sách cải cách cần thiết. Việc trì hoãn như vậy phát ra những tiền lệ xấu về khả năng chúng ta phải lùi hay trì hoãn những cải cách sau này. Thị trường sẽ cho rằng hôm nay chúng ta có thể lùi được chính sách này thì tương lai có khả năng lùi hoặc trì hoãn những chính sách khác.

(TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem