Cổ phiếu dệt may "ăn mừng" ngắn hạn, dài hạn khó lập đỉnh dù có EVFTA?

Lê Thúy Thứ sáu, ngày 05/07/2019 11:15 AM (GMT+7)
Không thể phủ nhận những cơ hội vàng về xuất khẩu mà EVFTA mang lại cho dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, trong dài hạn, cổ phiếu của dệt may có thể vẫn duy trì được tăng trưởng nhưng sẽ không còn “phong độ đỉnh cao” như trước đó.
Bình luận 0

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức được ký vào ngày 30/06/2019 với kỳ vọng thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong thập kỉ tới cũng như mở ra cánh cửa cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Thống kê cho thấy, Mỹ và EU tiếp tục dẫn đầu trong năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu trong năm lần lượt tăng 11,7% và 13,2%. Đây cũng là hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua, với giá trị xuất khẩu dệt may năm 2018 lần lượt đạt gần 14 tỷ USD và 5,9 tỷ USD. Đây được cho là những ngành lập tức được hưởng lợi sau khi hiệp định này được thông qua.

img

Với dệt may, EU cam kết xóa bỏ 42,5% số dòng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam (chủ yếu là thuế đối với nguyên liệu dệt) ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại (chủ yếu là thuế đối với sản phẩm dệt may cuối cùng) sẽ giảm dần xuống 0% trong vòng 3-7 năm từ mức khởi điểm 12%.

Phân hóa cổ phiếu

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Vn-Index "mắc kẹt" quanh vùng 900 – 1.000 điểm nhưng bức tranh cổ phiếu ngành dệt may khởi sắc hơn hẳn một phần được lý giải là nhờ hiệu ứng EVFTA. Thậm chí, có những cổ phiếu dệt may phát huy được đà tăng trưởng từ năm 2018.

Cổ phiếu STK đã đạt mức tăng tới 65% từ mức giá 15.300 đồng/cp hồi đầu năm lên 25.300 đồng/cp (phiên 4/7). Thậm chí, có thời điểm STK vươn lên mức giá 25.600 đồng/cp.

TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG tăng 32,5% từ mức giá 15.900 đồng/cp lên gần 22.000 đồng/ cp; TCM tăng 37,8%, hiện đang giao dịch tại mức giá 28.400 đồng/cp; FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân tăng 45,5%; hầu hết các cổ phiếu còn lại cũng đều ghi nhận mức tăng khoảng 20%.

Thực tế, nhóm cổ phiếu dệt may đã có diễn biến tích cực trước khi thông tin EVFTA chính thức được ký kết. Các mã TCM, TNG, GMC, GIL, STK… đều có chuỗi thời gian tăng giá ấn tượng trong quý I/2019, thậm chí nhiều cổ phiếu đạt mức giá cao kỷ lục vào tháng 3/2019, sau đó hạ nhiệt và giao dịch có phần trầm hơn trong quý II và bắt đầu sôi động trong phiên giao dịch đầu quý III.

img

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại sau khi EVFTA chính thức được ký kết vào ngày 30.6 vừa qua, cổ phiếu ngành dệt may dường như đang có sự phân hóa.

So với trước thời điểm ký kết EVFTA, một số mà cổ phiếu dệt may như TNG, MSH, GMC, STK … nổi sóng và bật tăng mạnh. Nếu xét về giá trị tuyệt đối, MSH của May Sông Hồng đã tăng tới 2.500 đồng/cp so với thời điểm trước khi EVFTA được ký kết. Một trường hợp khác STK của CTCP Sợi Thế Kỷ cũng tăng tới gần 2.000 đồng/cp, TNG và TCM tăng lần lượt 1.700 đ/cp và 1.400 đ/cp.

Tính tương đối, STK và TNG đã bật mạnh tới 8% trong những ngày gần đây; MSH cũng tăng trưởng tới 4% giá trị cố phiếu. Cùng với đó, khối lượng giao dịch mỗi phiên cũng gia tăng đảng kể so với trước.

Trong nhóm cổ phiếu có diễn biến tích cực này TNG hiện có tỷ trọng xuất khẩu sang EU chiếm trên 50%, May Sài Gòn (41%), May Sông Hồng (30%). May Thành Công (3,64%) – tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với Hàn Quốc (31%) và Nhật Bản (18%). Tuy nhiên, May Thành Công lại có điểm mạnh khi sở hữu chuỗi sản xuất khá hoàn thiện, bao gồm bốn khâu sợi, dệt, nhuộm và may. Đây là ưu thế không có nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam có được.

Tuy nhiên, bên cạnh những cổ phiếu có sóng lớn và tích cực vẫn còn những cổ phiếu dệt may không có phản ứng tích cực đối với EVFTA.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, Mã: VGT) là một ví dụ điển hình. Dù sở hữu chuỗi sản xuất trải rộng tại các khâu sợi, dệt, nhuộm và may. Đây là điểm hỗ trợ giúp Vinatex đạt lợi thế cạnh tranh trong quá trình đón đầu ưu đãi thuế quan từ EVFTA song cổ phiếu của Vinatex giảm mạnh trong những phiên gần đây với mức giảm lên tới 3% giá trị.

Một doanh nghiệp khác là May Việt Tiến (Upcom – VGG) có tỷ trọng xuất khẩu lên tới 14% song vẫn giảm tới 4% so với thời điểm 30/6.

Không còn “phong độ đỉnh cao” ?

Nhìn nhận về cổ phiếu dệt may với EVFTA, công ty chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, EVFTA sẽ có tác động tích cực đến dệt may Việt Nam trong dài hạn bởi 42,5% dòng thuế áp dụng đối với dệt may Việt Nam sẽ giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại sẽ giảm về 0% sau 3- 7 năm, giúp dệt may Việt Nam cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Bangladesh và Campuchia, hiện đang được hưởng thuế GSP 0%.

Tuy nhiên, ngắn hạn, BSC cho rằng, tác động tích cực của Hiệp sẽ chưa đáng kể do các DN và đối tác đặt hàng cần thời gian để tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển các dự án dệt nhuộm nhằm đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định trong đó có quy tắc xuất xứ "từ vải trở đi" (có tính nguồn gốc xuất xứ cộng gộp từnước thứ 3 đã có cam kết thương mại tự do với cảViệt Nam và EU, VD: Hàn Quốc).

img

Bên cạnh đó, BSC cũng lưu ý trong ngắn hạn, khả năng cạnh tranh của dệt may Việt Nam tại thị trường EU có thể được cải thiện nhờ những yếu tố ngoài hiệp định như: Campuchia bị đưa ra khỏi diện hưởng thuế ưu đãi GSP do không đảm bảo được các vấn đề nhân quyền và lợi ích của lao động và trường hợp mức lương ở Bangladesh tăng mạnh. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ phía các doanh nghiệp trong nước và các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, hiệp định EVFTA đối với ngành dệt may sẽ là một cú hích đối với các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn qua EU.

Về dài hạn, việc hiệp định được phê chuẩn sẽ là một tín hiệu tích cực đến ngành, có thể tác động ngắn hạn đến tâm lý và kỳ vọng của các NĐT trên TTCK.

Một số chuyên gia kinh tế thì cho rằng, trong dài hạn, có thể cổ phiếu của dệt may vẫn có thể vẫn duy trì được tăng trưởng nhưng sẽ không còn “phong độ đỉnh cao” như trước đó. 

Đánh giá từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng chỉ ra rằng, dù EVFTA có lỏng hơn so với CPTPP nhưng vẫn đặt ra nhiều thách thức. Để có thể được giảm thuế theo quy định tại hiệp định, các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ tại Việt Nam hoặc EU.

Ngoài ra, về xuất khẩu, nhóm sản phẩm dệt may được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam hiện ít gia công (sản phẩm may mặc) hoặc ít xuất khẩu vào EU (nguyên liệu dệt may). Đó là thách thức hiện hữu với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dệt may đều nhìn nhận khá tích cực khi Hiệp định EVFTA chính thức được ký kết, song cơ hội đến với mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp chưa lượng hóa được lợi thế từ EVFTA mang lại, cũng như tác động của Hiệp định đến biến động giá cổ phiếu trên sàn, mà chỉ đang nỗ lực để phát huy tốt nhất khi cơ hội đến.

Cũng phải nói thêm rằng, hiện tại nhóm cổ phiếu dệt may của Việt Nam đang duy trì P/E bình quân dưới 10. Trong khi đó, hệ số tiềm năng phải ở mức 10 - 15 lần mới phù hợp. Điều này cho thấy, dư địa tốt để đầu tư vào nhóm cổ phiếu này còn khá lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem