Cổ phiếu nông nghiệp: Cổ phiếu của “nữ hoàng” ngành thủy sản tăng mạnh

Ngân Nguyễn Thứ năm, ngày 02/03/2017 19:52 PM (GMT+7)
Cổ phiếu VHC của bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn, “nữ hoàng” ngành thuỷ sản, liên tiếp tăng mạnh nhờ thông tin tích cực về giá cá tra tiếp tục tăng thêm 1.000 – 3.000 đồng. Cùng với đó là dự báo nhu cầu xuất khẩu cá tra trong năm 2017 tăng mạnh đã đẩy giá cổ phiếu này tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay.
Bình luận 0

img

bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn, “nữ hoàng” ngành thuỷ sản

Hôm nay, ngày 2.3, VN-Index đóng cửa có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 2,01 điểm (-0,28%) về còn 707,5 điểm. Trong khi HNX-Index giảm nhẹ 0,01% về còn 86,61 điểm.

Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 15% so với phiên hôm qua, trong khi trên HNX tăng hơn 70% chủ yếu nhờ giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu VCS với giá trị trên 400 tỷ đồng. Nhiều khả năng công ty CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A đã hoàn tất việc mua toàn bộ 2,5 triệu cổ phiếu VCS trong phiên hôm nay, nếu chỉ tính kênh khớp lệnh thì GTGD của HNX giảm 11%.

Khối ngoại giao dịch trái chiều trên hai sàn khi mua ròng trên HOSE 124,58 tỷ đồng chủ yếu nhờ giá trị mua ròng ở HPG và bán ròng trên HNX 2,3 tỷ đồng sau 6 phiên mua liên tiếp. Các cổ phiếu được mua ròng là HPG (+143,4 tỷ đồng), VJC (+26 tỷ đồng), KBC (+15 tỷ đồng), NNB (+7,3 tỷ đồng)… Ngược lại, nhóm bán ròng có VIC (-19 tỷ đồng), BID (-13,7 tỷ đồng), DXG (-13,7 tỷ đồng), VCB (-13 tỷ đồng).

img

Riêng nhóm cổ phiếu nông nghiệp, hôm nay nhóm cổ phiếu phân bón bao gồm DPM (-1,7%), DCM (-1,4%), LAS (-0,7%), BFC (-1,5%) đồng loạt giảm mạnh. Đặc biệt là cổ phiếu DCM gặp áp lực chốt lời sau đợt tăng giá mạnh kể từ cuối tháng 1 trước thông tin thay đổi chính sách thuế VAT. Định giá khá cao so với triển vọng khiến nhà đầu tư thận trọng hơn ở nhóm cổ phiếu này.

Còn cổ phiếu của Bầu Đức là HAG (-2,9%), HNG (-0,7%) tiếp tục giảm điểm với áp lực bán ra mạnh. Thanh khoản ở hai mã cổ phiếu này khá cao, chốt phiên HAG và HNG khớp tương ứng 6 triệu cổ phiếu và ~1 triệu cổ phiếu.

Riêng cổ phiếu VHC tăng mạnh (+4,5%), tiếp nối đà tăng của phiên hôm trước nhờ thông tin dự báo nhu cầu xuất khẩu tăng. Thông tin vĩ mô hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu của “nữ hoàng” ngành thuỷ sản là giá cá tra tiếp tục nhích lên kéo theo nhu cầu mua cá giống tăng vọt. 

Cụ thể, ngày 28.2, giá cá tra ở khu vực ĐBSCL được các doanh nghiệp thu mua từ 23.000 đồng – 26.000 đồng, tùy theo loại, tăng từ 1.000 đồng – 3.000 đồng so với trước Tết Nguyên đán. Đây được xem là đợt tăng giá có chu kỳ kéo dài lâu nhất (khoảng 3 tháng liền) trong gần 10 năm qua ở khu vực ĐBSCL.

Theo lý giải của các chuyên gia trong ngành, giá cá tra tăng hiện nay là do có nhiều tín hiệu tốt từ thị trường trên thế giới. Trong khi đó, lượng cá nuôi trong dân hiện nay còn không nhiều. Các nhà máy thiếu nguyên liệu chỉ hoạt động khoảng 40 – 60% công suất.

img

Từ đầu năm đến nay giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng cao từ 18.000 đồng một kg lên 20.000 đồng hồi giữa tháng 1 và hiện là 27.000 đồng một kg do nguồn cung giảm, các doanh nghiệp đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu. Cũng chính vì nhu cầu cá tra nguyên liệu tăng cao nên cá tra bột hay còn gọi là cá tra giống cũng rơi vào tình trạng sốt giá. Theo một số chuyên gia, hiện nay các trại sản xuất cá tra giống trong vùng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu tăng cục bộ hiện nay từ 30-50%.

Theo VCCI Chi nhánh Cần Thơ, năm 2017 sẽ là năm chứng kiến sự gia tăng khoảng 20% nhu cầu xuất khẩu cá tra ở hầu hết các thị trường truyền thống cũng như tiềm năng. Dự báo, năm 2017, diện tích nuôi cá tra thương phẩm đạt 5.000-5.500ha, sản lượng trên 1,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD. Vì vậy, nhu cầu cá tra giống sẽ tiếp tục tăng.

Nửa đầu tháng 1.2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đột ngột giảm mạnh 22,7%, đạt 9,55 triệu USD, thấp hơn giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc và EU. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ XK như giai đoạn này, Mỹ sẽ không còn là thị trường XK cá tra dẫn đầu của Việt Nam nữa mà có nhiều khả năng thay thế bằng thị trường Trung Quốc - Hong Kong.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng Hai năm nay ước đạt 462 nghìn tấn với giá trị đạt 104 triệu USD. Tổng khối lượng xuất khẩu gạo trong hai tháng đầu năm ước đạt 799 nghìn tấn, trị giá 248 triệu USD, giảm 17,2% về khối lượng và giảm 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Reuters, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tuần qua tăng lên 350 – 355 USD/tấn, từ mức 345 – 350 USD/tấn một tuần trước đó. Giá gạo xuất khẩu tăng trong bối cảnh một số thương gia tích cực gom hàng để thực hiện những hợp đồng đã ký với thời hạn giao trong tháng Hai, trong khi nguồn cung trên thị trường đang khan hiếm. Bộ Nông nghiệp và giới thương nhân dự báo giá lúa gạo sẽ chững lại khi thu hoạch chính vụ Đông Xuân vào cuối tháng 2/2017 diễn ra. 

img

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo bán đấu giá gần 2 triệu cp CTCP Lâm Đặc sản Xuất khẩu Quảng Nam (FRC) với giá khởi điểm 12,700 đồng/cp. Thời gian diễn ra đấu giá dự kiến vào ngày 31.03.2017. Được biết, hoạt động kinh doanh chính của CTCP Lâm Đặc sản Xuất khẩu Quảng Nam chủ yếu là khai thác, chế biến gỗ và lâm đặc sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; thiết kế, trồng rừng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, khai thác rừng trồng,... với tổng vốn điều lệ thực góp là 30 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem