Đại án OceanBank: Nước mắt của giám đốc chi nhánh ngày ra toà

Trần Giang Thứ ba, ngày 29/08/2017 13:00 PM (GMT+7)
“Lên xe ô tô ra Hà Nội theo trát của Tòa trong mưa gió bão bùng, như tiễn đưa một người đàn bà đã 37 năm vì sự nghiệp ngân hàng mà cuối đời… nghiệt ngã và cay đắng quá”, nguyên một giám đốc chi nhánh OceanBank đã nghỉ hưu chia sẻ.
Bình luận 0

Hội đồng xét xử Toà án nhân dân TP.Hà Nội đã bước sang ngày làm việc thứ hai để xem xét tội trạng của Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) cùng các đồng phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại OceanBank.

Nước mắt ngày ra toà

Trong phần làm thủ tục, nhiều bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh của OceanBank bị xét xử trong vụ án đã khóc nức nở trước tòa. Lần ra toà này đã thiếu một người là Nguyễn Viết Hiền (nguyên Giám đốc OceanBank - Phòng giao dịch Âu Cơ) vì đang mặc bệnh ung thư, phải nằm điều trị trong bệnh viện.

Trong đại án xảy ra tại OceanBank, có 34 bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng này trên cả nước bị truy tố vì biết việc chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm là trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới thực hiện.

Ba năm, kể từ ngày OceanBank bị mua lại 0 đồng, những con người này thường gặp nhau ở một khách sạn trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội để phối hợp với cơ quan điều tra về những vấn đề liên quan đến huy động vượt trần lãi suất.

img

Nữ giám đốc chi nhánh OceanBank khóc khi làm thủ tục trong phiên toà xử đại án OceanBank (Ảnh: Internet)

Do đây là chủ trương được Hà Văn Thắm chỉ đạo trên toàn hệ thống nên số người bị khởi tố rất nhiều, tuy nhiên, có 227 người do số tiền thiệt hại dưới 1 triệu đồng đã được miễn giảm, còn lại 34 người đang phải đối mặt với án hình sự.

34 cán bộ này đã gắn bó với Oceanbank nhiều năm, có những người đi theo Hà Văn Thắm từ ngày OceanBank mới được chuyển đổi lên ngân hàng thành thị, cũng có người mới làm được vài năm, nhưng đa phần họ là nhưng người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng.

Họ nghĩ rằng cứ làm việc, cống hiến như một nghề để nuôi gia đình, con cái chứ đâu nghĩ rằng đến một ngày họ bị cuốn vào vòng lao lý bởi cuộc chơi của những cổ đông lớn, bởi "quyết định chi ngoài lãi suất để giữ ổn định thanh khoản cho OceanBank".

Họ đều hiểu OceanBank là một ngân hàng mới được chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn lên thành thị, mạng lưới chi nhánh chưa nhiều, uy tín chưa cao nên việc lệ thuộc vào khách hàng lớn và chi lãi ngoài là điều khó tránh khỏi.

Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế lúc bấy giờ lạm phát cao, khoảng 18,58% (theo Tổng cục thống kê), trong khi trần lãi suất khi ấy NHNN quy định là 14%/năm, trong khi giá USD trên chợ đen nhảy múa từng giờ, giá vàng cũng tăng từng ngày, lãi suất cũng tăng từng ngày từng giờ, nếu không huy động vượt trần các ngân hàng sẽ rất khó có thể huy động được tiền gửi trên thị trường 1.

37 năm vì sự nghiệp ngân hàng mà cuối đời… nghiệt ngã quá

Thời điểm đó, hình ảnh nhân viên ngân hàng này chở khách đến ngân hàng khác rút tiền rồi đem về chi nhánh mình là chuyện bình thường, diễn ra như cơm bữa. Ví như Techcombank huy động với lãi suất 17%/năm trong 3 ngày nhân kỷ niệm thành lập ngân hàng khiến nhiều chi nhánh ngân hàng ấm ức nhìn khách rút tiền chạy sang Techcombank.

Hay HDBank, DongABank… cũng huy động vượt trần lãi suất và bị Ngân hàng Nhà nước phát hiện và xử phải hành chính theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 7.9.2011 của Thống đốc NHNN.

Đặc biệt ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (nay đã sáp nhập vào BIDV) cũng huy động vượt trần lãi suất đã bị chuyển sang Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) để điều tra nhưng cuối cùng vẫn xử phạt hành chính.

“Rất nhiều ngân hàng bị bắt vì chi ngoài lãi suất trước Oceanbank nhưng tại sao chỉ mỗi Oceanbank bị xử lý hình sự liên quan đến hành vi này”, một trong 34 giám đốc chi nhánh OceanBank tâm tư.

Lần đi này, nữ bị cáo không khỏi quyến luyến, nghĩ đến việc phải xa hai đứa nhỏ mà rơi nước mắt. “Ngày tựu trường, trẻ mới vào tiểu học mà không đưa con đến trường được”, nữ bị cáo chia sẻ.

Họ, 34 nguyên giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch chỉ là những người làm công ăn lương, theo chỉ đạo của Hội sở và nếu họ không làm như vậy, OceanBank sẽ bị rơi vào khủng hoảng thanh khoản. Quan trọng hơn, hệ lụy sai phạm hệ thống, các nhân viên ngân hàng chỉ là nạn nhân của hệ thống sai này.

img

Ảnh: Internet

Hơn nữa, theo nguyên tắc thứ 5 trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” của Thủ tướng Chính phủ, có nói áp dụng biện pháp xử lý hành chính, khắc phục hậu quả dân sự; hành chính trước khi áp dụng các biện pháp xử lý hình sự.

Quan trọng, trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, nhiều người đã nỗ lực, phối hợp để khắc phục hậu quả gây ra khi thực hiện chi lãi ngoài.

Theo kết quả điều tra, xác minh tại Hội sở OceanBank xác định trong thời gian từ 2010 đến ngày 31.11.2014, tổng số tiền OceanBank đã sử dụng để chi lãi ngoài là 1.576 tỷ đồng để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi. 34 bị can là giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch đã tiếp nhận chủ trương từ Hội sở và thực hiện chi lãi ngoài khi huy động vốn.

Hành vi của các bị can này đã làm trái quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn bằng VND và USD theo từng thời kỳ. Số tiền chi sai nói trên đã bị hạch toán trái quy định của Nhà nước, cụ thể là hạch toán vào tài khoản chi trả lãi khôgn có hoá đơn chứng từ hợp lệ. Các bị can này phải chịu trách nhiệm hình sự về toàn bộ số tiền do đơn vị mình phụ trách đã chi sai nguyên tắc.

Hành vi nêu trên của các bị can phạm tội “Cố ý làm trái quy định của  Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3, Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Kết luận này của Cơ quan điều tra khiến họ không khỏi tâm tư. Không biết còn bao nhiêu gia đình ly tán, bao nhiêu người tiếp tục gặp nhau tại một khách sạn trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội để theo toà…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem