Dấu ấn cựu Phó Chủ tịch HN Phí Thái Bình tại dự án PVV-Vinapharm

Nguyễn Cảnh Thứ bảy, ngày 03/06/2017 07:01 AM (GMT+7)
Được Vinaconex PVC và Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) lên kế hoạch đầu tư từ 2010, dự án trên khu đất thuê 2.670m2 ở đường Nguyễn Huy Tưởng đã trải qua đủ thăng trầm suốt 7 năm qua. Đặc biệt, không nhiều người biết rằng quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án đã diễn ra trong thời kỳ ông Phí Thái Bình đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Bình luận 0

img

Tháng 7.2010, người Vinaconex - PVC và Vinapharm bước đầu cụ thể hóa tham vọng triển khai dự án trên khu đất công nghiệp thuê từ 1999

Chuyển đổi công năng nhanh chóng

Tháng 7.2010, Vinaconex PVC và Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) ký hợp tác kinh doanh, cùng đầu tư vốn xây dựng “Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư cao cấp 60B Nguyễn Huy Tưởng” (quận Thanh Xuân). Dự án có tổng giá trị đầu tư 370 tỷ đồng, diện tích 2.670m2, dự kiến khởi công xây dựng vào quý I.2011 và hoàn thành sau 30 tháng.

Theo thỏa thuận liên danh 686 ngày 2.7.2010 giữa 2 bên, dự án nằm trên khu đất rộng 2.670m2 - đang được Vinapharm quản lý và sử dụng, hạ tầng chưa được triển khai và một phần diện tích còn lại được sử dụng làm nhà kho. Vinapharm ủy quyền cho Vinaconex – PVC dùng tư cách pháp nhân của Vinaconex – PVC làm chủ đầu tư trong toàn bộ các công việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác vận hành Dự án khi hoàn thành.

Văn bản 5039 được ký vào ngày 17.6.2011. Chỉ 3 ngày sau, chiều 20.6, kỳ họp thứ nhất HĐND TP Hà Nội khóa XIV nhiệm kỳ 2011-2016 đã bầu ra 6 Phó Chủ tịch UBND nhiệm kỳ mới. Trong 6 người trúng cử Phó chủ tịch UBND nhiệm kỳ 2011-2016, không có ông Phí Thái Bình.

Như vậy, Vinapharm góp vốn vào dự án bằng quyền sử dụng đất (đang thuê 50 năm với TP Hà Nội theo hợp đồng ký từ năm 1999). Ngược lại, Vinaconex – PVC (tư cách chủ đầu tư) đảm đương việc thu xếp vốn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất từ khi được chuyển đổi, xây dựng dự án đúng tiến độ…

Một trong những yếu tố tiên quyết để dự án được "khai sinh" là việc chuyển đổi công năng mục đích sử dụng đất. Điều này, PVV Vinapharm Tower đã mau mắn đạt được chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Tháng 6.2011 – chỉ sau chưa đầy 1 năm kể từ lúc 2 bên ký thỏa thuận hợp tác, UBND TP Hà Nội chấp thuận đề xuất Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư PVV – Vinapharm.

img

Tham vọng của Vinapharm và Vinaconex PVC dần thành hiện thực sau khi hàng nghìn m2 đất tại quận Thanh Xuân nhận được "giấy thông hành".

Văn bản 5039/UBND-KH&ĐT do ông Phí Thái Bình - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ngày 17.6.2011 nêu rõ: “Chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng khu đất 60B Nguyễn Huy Tưởng, Q.Thanh Xuân từ đất công nghiệp sang đất xây dựng công trình hỗn hợp có chức năng: thương mại, văn phòng và chung cư cao tầng…”.

Đầu xuôi, đuôi lọt?

Sau khi nhận được "giấy thông hành" ở dạng chủ trương cho khu đất gần 2.700m2, PVV-Vinapharm gần như không gặp khó khăn trên con đường hợp thức hóa pháp lý dự án.

Tháng 5.2015, UBND TP Hà Nội cho phép Vinapharm chuyển mục đích sử dụng đất 60B Nguyễn Huy Tưởng để hợp tác Vinaconex PVC thực hiện dự án. Có thể nói, văn bản 2191/QĐ-UBND ngày 15.5.2015 đã chính thức "khoác áo mới" cho 2.670m2 đất công nghiệp mà Vinapharm thuê từ năm 1999.

img

Sau biến cố Chủ tịch Vinaconex PVC bị bắt vào tháng 9.2016, dự án... bất ngờ rơi vào tầm ngắm thanh tra như hiện tại.

Đáng chú ý, trong danh sách dự án đề nghị tham khảo thanh tra mới đây, chỉ văn bản 2191 được nhắc tới trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất (không có văn bản 5039 do nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình ký).

Tháng 9.2016, chủ tịch HĐQT của Vinaconex – PVC bị khởi tố và tạm giam vì liên quan đến khoản thua lỗ 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và các đơn vị thành viên. Trước niềm tin thị trường chao đảo, PVV trấn an: tất cả các hợp đồng, dự án, hoạt động kinh doanh của PVV không bị ảnh hưởng.

Theo thỏa thuận hợp tác, Vinapharm sẽ… hết trách nhiệm sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan tới khu đất, bàn giao khu đất “sạch” cho Vinaconex – PVC triển khai dự án. Vinaconex – PVC với tư cách là chủ đầu tư (đại diện liên danh), trong quá trình thực hiện Thỏa thuận nếu vi phạm dẫn đến việc Nhà nước thu hồi khu đất Dự án thì phải chịu phạt.

Văn bản chấp thuận chủ trương dự án (do nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình ký) nêu rõ thời gian và tiến độ thực hiện dự án: “khởi công quý III.2011-hoàn thành quý IV.2013”.

Tới đầu năm 2015, dự án mới rậm rịch động thổ sau khi được quận Thanh Xuân chấp thuận đầu tư (vào cuối tháng 12.2014). Tháng 10 cùng năm, dự án được Sở Xây dựng cấp GPXD. Bên cạnh lý do thủ tục hành chính, tình hình bết bát của Vinaconex PVC cũng được cho là nguyên nhân khiến dự án chậm triển khai.

Lũy kế cả năm 2011, doanh thu của DN giảm 9,1% so cùng kỳ 2010 (lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 1 tỷ đồng). Tại mốc 30.6.2012, Vinaconex PVC lỗ ròng 21,6 tỷ đồng. Vinaconex PVC tiếp tục lỗ trong năm 2013 lẫn 9 tháng đầu 2014 và cơn lốc thoái vốn của nhiều cổ đông lớn đã khởi phát từ đây. 

Bằng Quyết định 2191, khu đất mà Vinapharm thuê từ năm 1999 với Hà Nội đã được thanh lý hợp đồng thuê. Đồng thời, hơn 1.300m2 đất trong tổng số 2670m2 (để xây công trình nhà ở, thương mại như hiện nay) mặc nhiên được chuyển sang hình thức Nhà nước giao đất thu tiền sử dụng đất. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm (kể từ ngày ký quyết định – tức năm 2015). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem