Đầu tư vào Gia Lai: Nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ

Quốc Dinh - Đăng Nhật Chủ nhật, ngày 18/12/2016 11:14 AM (GMT+7)
Sáng 18.12, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016 với chủ đề “Gia Lai - Tiềm Năng - Hợp tác - Phát triển”, đã diễn ra tại TP Pleiku. Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Hội nghị.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. 

Tham dự Hội nghị có đại diện Chính phủ; các bộ, ban, ngành Trung ương; các lãnh sự quán; hiệp hội doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, cùng hơn 300 đại biểu đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hội nghị lần này nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, có nhu cầu đầu tư các lĩnh vực, danh mục mà UBND tỉnh Gia Lai đã đề xuất. Đồng thời, giới thiệu định hướng những chủ trương, chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và báo chí trong và ngoài tỉnh. Hội nghị cũng là dịp để địa phương công bố “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Để tạo bước đột phá trong việc xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã phê duyệt, bổ sung danh sách 62 danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Trong năm 2016, riêng về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đã có một số doanh nghiệp đề xuất UBND tỉnh Gia Lai xây dựng dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong số này có thể kể đến dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển rau sạch tại TP. Pleiku” của Công ty TNHH một thành viên Đệ nhất Việt Hàn; đặc biệt là dự án “Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” của Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) tại huyện Đak Đoa với quy mô 83,7 ha. Dự án với tổng kinh phí đầu tư lên đến 350 tỷ đồng này khi hoàn thành sẽ triển khai hoạt động nhân giống cây trồng bằng kỹ thuật cấy mô, nghiên cứu ứng dụng và sản xuất các chế phẩm vi sinh vật cung cấp cho thị trường giống và sản phẩm cây hoa, cây ăn quả đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực phấn đấu của tỉnh Gia Lai. Từ năm 2011- 2015, tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả khả quan và đã có bước phát triển mới khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 7,05%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2016, mặc dù do ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, giá một số nông sản xuống thấp nhưng Gia Lai vẫn đạt được mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2016 (theo giá so sánh 2010) tăng 7,48% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu đạt trên 400 triệu USD. Các nhà đầu tư đã ký kết đầu tư trên 3.500 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 3.541 tỷ đồng, vượt 11,2% dự toán Trung ương giao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được những kết quả khích lệ, đã giảm được 2,7% hộ nghèo. Xây dựng NTM được 9 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới cả tỉnh lên 30 xã. Hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng, củng cố. Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và ổn định.

img

Trao chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai đã có trên 30 dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư và đang xúc tiến triển khai các bước để được quyết định đầu tư với tổng số vốn khoảng trên 20.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Gia Lai cần có sự đột phá trong tư duy phát triển. Định vị chính xác vị trí, vai trò, các tiềm năng, lợi thế của mình và đặt trong không gian kinh tế mới đang được tạo ra từ quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, từ những cải cách mạnh mẽ trong môi trường đầu tư kinh doanh và quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng. Gia Lai cần xây dựng dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, với tầm nhìn dài hạn có tính đột phá - táo bạo, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh cũng như đặc thù riêng của tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng những chính sách chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu gắn kết linh hoạt với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030. Đồng thời, có sự điều chỉnh hợp lý theo từng giai đoạn, nhất là quy hoạch phát triển theo ngành - lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm, quy hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch, đính hướng phát triển trúng và đúng để thu hút đầu tư có hiệu quả cao nhất. Gia Lai cũng cần xác định tầm nhìn đưa tỉnh trở thành địa phương có trình độ phát triển khá, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào Ngân sách Trung ương tiến tới tự cân bằng thu chi ngân sách.

Gia Lai cần đẩy mạnh xây dựng mối liên kết với các địa phương (theo hình thức tỉnh kết nghĩa) của một số nước đối tác trọng điểm cùng chia sẻ lợi ích hợp tác - phát triển với Gia Lai theo từng lĩnh vực và ngành nghề cụ thể. Lấy trọng tâm là nông nghiệp và năng lượng tái tạo. Đồng thời, xác định đúng đối tượng, đúng thời điểm để xúc tiến đầu tư. Trong đó, ngoài việc tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư, chúng ta cần tăng cường tiếp cận với các nguồn lực trung gian như Ngân hàng, các Quỹ đầu tư, các Công ty tư vấn đầu tư - tư vấn luật… những đối tượng định hình chiến lược kinh doanh, chuỗi giá trị và có tác động rất lớn đến việc ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư.

Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức hai Hội thảo “Tiềm năng và Phát triển du lịch tỉnh Gia Lai”, “Triển vọng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Gia Lai”. Tại đây, các đại biểu đã trình bày hơn 33 tham luận nhằm giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh và các lĩnh vực mà tỉnh Gia Lai cần đầu tư, cũng như để nhà đầu tư hiểu rõ các lĩnh vực mà họ có hứng thú tìm hiểu đầu tư.

Nhân dịp này, tỉnh Gia Lai trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Gia Lai với các nhà đầu tư với 09 dự án, tổng vốn hơn 11.200 tỷ đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem