DN giải thưởng báo cáo thường niên tốt nhất chưa chắc đã minh bạch nhất

L.T Thứ năm, ngày 04/04/2019 14:36 PM (GMT+7)
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về “Tình hình công bố thông tin của các doanh nghiệp trên TTCK”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI nhấn mạnh, các doanh nghiệp có giải thưởng báo cáo thường niên tốt nhất chưa chắc đã là doanh nghiệp minh bạch nhất.
Bình luận 0

Sáng nay 4.4, NDH đã tổ chức tọa đàm về “Tình hình công bố thông tin của các doanh nghiệp trên TTCK”

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đều nhấn mạnh, việc công bố thông tin (CBTT) của các doanh nghiệp trên TTCK đã được cải thiện đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, việc thực hành CBTT vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến cho chất lượng của CBTT còn thấp.

Năm 2018, UBCK ban hành gần 400 quyết định xử phạt, hơn 50% là vi phạm CBTT. Con số này là minh chứng cho thấy, CBTT vẫn đang là vấn đề quan ngại của thị trường.

Chất lượng CBTT thấp vì tính tuân thủ CBTT chưa cao

Dưới góc độ của công ty kiểm toán nằm trong nhóm “big four” về kiểm toán, ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho rằng, tính tuân thủ tự giác của các doanh nghiệp Việt Nam trong CBTT chưa cao so với mặt bằng chung. Một số doanh nghiệp lập các báo cáo vì quy định như thế, “thay vì nghĩ thấu đáo là nhà đầu tư cần có những gì, trách nhiệm là người được ủy thác tài sản của các nhà đầu tư phải báo cáo như thế nào?”

img 

Các diễn giả tham gia tọa đàm "Tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp trên TTCK"

Điều này, theo ông Trần Đình Cường, xuất phát từ tính tự giác của người lập báo cáo tài chính và những lỗ hổng từ về pháp lý trong CBTT của doanh nghiệp. Những lỗ hổng này nhiều khi kiểm toán cũng khó lòng phát hiện ra.

“Chủ doanh nghiệp không làm công tâm và trách nhiệm dẫn đến việc cung cấp thông tin không kịp thời. Chưa kể có những trường hợp vì mục đích không trong sáng, các chủ doanh nghiệp cố tình gian lận. Trong những trường hợp như vậy, rất khó cho các đơn vị kiểm toán phát hiện vì kiểm toán chỉ dựa trên chứng từ tài liệu. Nếu chúng được làm giả tinh vi và đúng chỗ thì chúng tôi cũng không thể đưa ra là tin cậy hay không đáng tin cậy”, ông Cường quan ngại.

img 

Ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam

Ngoài ra, các quy định về CBTT rất chặt chẽ nhưng dù chặt chẽ đến đâu vẫn có lỗ hổng. Trên thực tế, không có quy định nào ngay lập tức hạn chế được tất cả hành vi sai trái. Bên cạnh đó, quy định của Việt Nam không đồng nhất, Ủy ban chứng khoán có thể quy định thế này nhưng Bộ Tư pháp có thể hiểu theo cách khác.

Chính vì vậy, ông Trần Đình Cường cho rằng, điều quan trọng là tính tự giác và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Với cách làm như hiện tại, nếu chuyển sang theo thông lệ quốc tế thì việc CBTT doanh nghiệp còn khó khó hơn rất nhiều.

Còn đứng trên tư cách là người quan sát thị trường, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện quản trị công chứng Úc (CMA Australia) nhận thấy, việc CBTT tài chính trên thị trường có khá nhiều bất cập. Từ việc công bố, chất lượng thông tin đến chính bản thân hệ thống về chuẩn mực kế toán.

img 

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện quản trị công chứng Úc (CMA Australia)

Xét về chuẩn mực kế toán, theo ông Phan Lê Thành Long, Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia đang đi đường riêng, không theo chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp niêm yết gặp hạn chế trong việc công bố thông tin tài chính. Chất lượng báo tài chính theo đó có thể bị ảnh hưởng.

Theo một con số thống kê không chính thức, thị trường chứng khoán Mỹ hàng năm có trung bình 300 trường hợp bị Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) yêu cầu phải trình bày lại báo cáo tài chính. Ở Việt Nam chưa có trường hợp nào như vậy vì rất khó để cơ quan quản lý giám sát chất lượng công bố.

Với CBTT phi tài chính là báo cáo thường niên hoặc báo cáo bất thường. Báo cáo thường niên gồm thông tin tài chính và phi tài chính nhưng hướng tới chuyện làm cho doanh nghiệp đẹp hơn. Vì vậy, tính minh bạch, độc lập chưa cao.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh, chuyên gia về Quản trị công ty của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thừa nhận một thực tế, các doanh nghiệp đưa lên số liệu, báo cáo hấp dẫn, hoặc là thuê designer làm báo cáo “đẹp” nhưng chất lượng thông tin không phản ánh đúng thực trạng, khiến nhà đầu tư quan ngại.

Từ thực tế này, bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh đặt câu hỏi, “Những người trong ban điều hành, cổ đông lớn có thể trực tiếp tham gia hoạt động quản lý công ty và họ là người lập báo cáo tài chính. Trên thực tế, những cổ đông nhỏ lẻ cũng bỏ tiền vào công ty nhưng họ không tham gia vào quá trình quản lý. Họ phải làm sao để giám sát hoạt động hay sức khỏe tài chính của doanh nghiệp?”.

Thế nào là báo cáo tốt, CBTT chất lượng?

Nêu quan điểm của mình về báo cáo tài chính tốt, CBTT chất lượng, ông Trần Duy Hưng chia sẻ, cách đây khoảng 10 năm các doanh nghiệp làm vài tờ báo cáo cho đầy đủ. Đến nay, báo cáo thường niên rất đẹp, nhiều quyển còn được đầu tư đắt tiền hơn chuẩn mực quốc tế.

Thế nhưng, hỏi rằng thực sự có ý nghĩa hay không thì theo ông Hưng là “không chắc”. Ông Trần Duy Hưng cho rằng, điều này chỉ có ý nghĩa nâng cao mặt bằng số lượng của doanh nghiệp, mặt bằng chung của thị trường.

img 

Ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI

Ông Hưng bộc bạch, “Các doanh nghiệp có giải thưởng báo cáo thường niên tốt nhất có phải là doanh nghiệp minh bạch nhất không? Chưa chắc. Vì rất nhiều doanh nghiệp đoạt giải nhưng sau đó vài năm sau lại thấy có vấn đề. Khi có vấn đề thì bộc lộ, quay lại rất cả.”

Vậy, thế nào là báo cáo thường niên tốt nhất?

Theo vị lãnh đạo SSI, thứ nhất là báo cáo phản ánh trung thực nhất hiện trạng của công ty đó tại thời điểm ra báo cáo. Đó mới là báo cáo thường niên tốt nhất chứ không phải báo cáo đạt tiêu chuẩn về đẹp, đạt tiêu chuẩn về báo cáo kiểm toán thế này thế kia.

“Mọi người kiểm tra lại các báo cáo được giải sau kiểm toán các yếu tố loại trừ rất là nhiều. Nếu loại trừ rất là nhiều thì làm sao đoạt giải được? Đấy chỉ là yếu tố tài chính chứ phi tài chính lại còn là câu chuyện khác nữa.

Từ nay đến khi chúng ta nâng cấp, nâng tầm được báo cáo thường niên của doanh nghiệp, chất lượng của CBTT, thì chúng ta vẫn phải sống chung với rất nhiều những cái không lành mạnh”, Ông Hưng nhấn mạnh.  

" Ở Việt Nam vẫn còn khá xa với thông lệ quốc tế, tất cả các bên từ Uỷ ban Chứng khoán, công ty niêm yết, đến truyền thông cần khắt khe hơn. Tất cả chúng ta cần quyết tâm xây dựng thị trường lành mạnh, không có bên nào chịu trách nhiệm đầu tiên hay cuối cùng ở đây cả", ông Trần Đình Cường khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem