Doanh nghiệp cần làm gì để ứng phó thiên tai?

Khánh Thư Thứ năm, ngày 02/07/2015 15:33 PM (GMT+7)
Giờ đây không còn là vấn đề doanh nghiệp cần tham gia vào việc chuẩn bị ứng phó với thiên tai nữa mà làm thế nào để họ hợp tác tốt nhất trong mô hình hợp tác chiến lược này. Đối với doanh nghiệp điều đó có nghĩa là được đóng góp kiến thức chuyên môn, công nghệ, mạng lưới và khả năng đổi mới…
Bình luận 0

Nhận định trên được đưa ra tại Diễn đàn “Phòng chống và ứng phó thảm họa thiên tai” tổ chức bởi Quỹ Prudence – Prudential  châu Á và  CSR Châu Á (Tổ chức Hỗ trợ Cộng đồng Châu Á) diễn ra ngày 2.7 tại Hà Nội với mục tiêu nhằm giảm thiểu các tổn thất và thiệt hại cũng như chi phí khắc phục thiên tai.

img
 Bão lũ làm ảnh hưởng đến hệ thống điện. (Ảnh minh họa)

Thu hút hơn 100 đại biểu từ khắp châu Á Thái Bình Dương tham dự, diễn đàn tập trung vào quá trình chuẩn bị, ứng phó với thiên tai và giải pháp hợp tác chiến lược tối ưu giữa chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức nhân đạo cộng đồng. Diễn đàn cũng giúp gia tăng nhận thức. đồng thời cho thấy vai trò và sự đóng góp ngày càng tăng của các doanh nghiệp trong chuẩn bị và ứng phó thiên tai.

Hiện Châu Á Thái Bình Dương thường xuyên phải hứng chịu những thảm họa thiên nhiên. Những  thiệt hại về kinh tế và xã hội ngày càng tăng từ đó đã cảnh báo sự cấp thiết đầu tư vào việc phòng chống, ứng phó thảm họa thiên tai. Chỉ tính riêng trận động đất lớn tại Nepal tháng 5.2015 đã gây hậu quả nặng nề đến hàng chục nghìn người. Tại Việt Nam, khoảng hơn 2 triệu người mỗi năm liên tiếp chịu ảnh hưởng  bởi các cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Hơn 10 cơn bão năm 2014 ở nước ta đã khiến cho 133 người chết và mất tích, tổng thiệt hại ước tính khoảng 2.830 tỷ đồng.

Chính vì vậy, tháng 3. 2015, Quỹ Prudence và Prudential Việt Nam đã triển khai dự án “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam” (DRR). Dự án phối hợp thực hiện với Bộ Giáo dục và đào tạo, Tổ chức Save the Children nhằm hỗ trợ cộng đồng trong vùng thiên tai bị ảnh hưởng tại Tiền Giang, Điện Biên và Hải Phòng. Từ 2015-2017, dự án giúp 6.000 trẻ em và 30.000 người dân dễ bị tổn thương tăng cường khả năng phòng tránh và thích ứng với thiên tai. Theo đó, sẽ cải thiện mức độ an toàn của 12 trường học bằng tập huấn cho giáo viên và học sinh về kỹ năng phòng tránh và làm giảm hậu quả thiên tai. Đồng thời dự án hỗ trợ diễn tập sơ tán, lập kế hoạch tăng cường khả năng thích ứng và vận động đưa giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào cộng đồng và học đường.

Ông Richard Welford - Chủ tịch CSR Châu Á nhận định: “Giờ đây không còn là vấn đề doanh nghiệp cần tham gia vào việc chuẩn bị ứng phó với thiên tai nữa mà làm thế nào để họ hợp tác tốt nhất trong mô hình hợp tác chiến lược này. Hiệu quả tối ưu sẽ có khi năng lực của tất cả các bên được sử dụng một cách hiệu quả nhất - đối với doanh nghiệp điều đó có nghĩa là được đóng góp kiến thức chuyên môn, công nghệ, mạng lưới và khả năng đổi mới. Điều này cho phép các đối tác phát huy tốt nhất mọi khả năng và thực hiện cam kết ”

Còn ông Marc Fancy, Giám đốc điều hành Quỹ Prudence Châu Á nói: “Việc chuẩn bị ứng phó với thiên tai là một trong các trụ cột của các hoạt động hỗ trợ cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng tính bền vững lâu dài của công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai phải được gắn liền với việc hợp tác giữa doanh nghiệp với chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng”.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Quỹ Prudence và CSR Châu Á đã chia sẻ mô hình hợp tác thành công tại các nước khu vực trong việc nâng cao năng lực phòng tránh, chuẩn bị ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Từ đây, diễn đàn đã xây dựng môi trường thuận lợi cho mô hình hợp tác chiến lược. Tài liệu về Phương pháp hợp tác hiệu quả, tối ưu hóa năng lực của các bên tham gia nhằm nâng cao khả năng chuẩn bị và ứng phó với thiên tai của cộng đồng sẽ được xuất bản và phát hành vào tháng 9.2015.

Diễn đàn “Phòng chống và ứng phó thiên tai” là sự kiện thường niên được tổ chức bởi CSR Châu Á và Quỹ Prudence với mục đích thúc đẩy sự hợp tác liên ngành. Diễn đàn năm nay được xây dựng trên sự thành công của hai lần tổ chức trước tại Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippines). Diễn đàn đầu tiên được tổ chức vào năm 2013 tại Jakarta đã ra mắt bộ tài liệu "Doanh nghiệp và Phòng chống thiên tai” vạch ra chi tiết về nhiều cách thức các doanh nghiệp có thể hỗ trợ phòng chống thiên tai trong cộng đồng. Năm 2014 diễn đàn tại Manila tổ chức gần một năm sau khi cơn bão tàn phá Haiyan hoành hành và tập trung vào việc khôi phục sau thảm họa. Nhân dịp này, bộ tài liệu mang tên “Doanh nghịêp – Phục hồi và tái thiết bền vững cho cộng đồng sau thảm họa thiên tai” đã được phát hành với những ý kiến sắc bén cho phục hồi và tái thiết bền vững ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên với quy mô lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem