Doanh nghiệp “tố” nhập 1 cái áo cũng bị kiểm tra

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 26/05/2016 18:48 PM (GMT+7)
Quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và các amin thơm trong sản phẩm dệt may theo Thông tư 37 của Bộ Công thương đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may phản ứng mạnh.
Bình luận 0

Tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 37 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26.5, bà Hoàng Ngọc Ánh -Trưởng ban chính sách hội nhập quốc tế, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các DN dệt may đã gửi kiến nghị lên Hiệp hội kêu ca rằng, họ nhập một lượng mẫu với số lượng rất nhỏ, giá trị thấp nhưng vẫn bị cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra mẫu, gây mất thời gian và thêm chi phí cho DN.

Ông Trương Đình Út, đại diện Công ty May Nhà Bè dẫn chứng: Trước đây theo Thông tư 32, các DN nhập dưới 25m vải mẫu không phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm, tuy nhiên theo thông tư 37 mới, DN nhập dưới 30m vải bị yêu cầu kiểm tra hàm lượng nói trên. Với thông tư mới, DN vừa mất thêm thời gian chờ đợi, vừa mất thêm chi phí, thủ tục còn rườm rà hơn thông tư cũ.

Cùng chung quản điểm trên, đại diện công ty Minh Trí phản ánh, DN nhập 12 mẫu hàng (mỗi mẫu vài ba sản phẩm) bị cơ quan chức năng giữ 2 sản phẩm từ hôm 23.5 đến nay vẫn chưa trả mẫu. Việc bị giữ mẫu hàng khiến tiến độ, kế hoạch của công ty bị chậm trễ, chưa kể, mất thêm nhiều thời gian, chi phí đi lại.

Đại diện công ty May 10 cũng bức xúc: "Có khách hàng gửi một mẫu áo cho chúng tôi nhưng chúng tôi không được nhận sản phẩm ngay vì còn phải qua khâu kiểm tra mẫu. Chỉ một chiếc áo (không có giá trị thương mại, vì là mẫu nên cũng không tiêu thụ ra thị trường, có nghĩa hoàn toàn không có nguy cơ gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng) cũng mất thời gian để đợi kiểm tra mẫu".

img     Doanh nghiệp "tố" nhập một cái áo mẫu cũng phải chờ đợi kiểm tra (ảnh IT)

Trước phản ánh của DN, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, các quy định tại Thông tư 37 chỉ làm rõ hơn Thông tư 32 chứ không làm khó DN hơn. Ông Cường nhấn mạnh, Thông tư 37 chỉ yêu cầu kiểm tra hồ sơ của các sản phẩm mẫu của DN chứ không yêu cầu DN để lại mẫu như trường hợp của công ty Minh Trí. “Nếu bị yêu cầu để lại mẫu là hoàn toàn không đúng với tinh thần của Thông tư 37” – ông Cường nêu quan điểm. Theo ông Cường, việc giữ mẫu và giữ tới 3 ngày như trường hợp của Công ty Minh Trí là không đúng và điều này cho thấy, cả DN và cơ quan kiểm nghiệm đều không đọc kỹ, chưa nắm rõ Thông tư 37.

Ông Cường cũng cho biết: “Nếu bỏ quy định đó, ngay lập tức sẽ có DN nhập hàng ngàn sản phẩm về nước và coi đó là hàng mẫu, có thể tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ xem xét để tìm ra phương án hợp lý đối với các trường hợp nhập số lượng ít hàng mẫu (chắc chắn không có chuyện sẽ loại hẳn quy định kiểm tra hàng mẫu), và quá trình này cũng cần phải có lộ trình với mong muốn tránh thiệt hại cho DN cũng như người tiêu dùng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem