Đóng cửa, phá sản cũng phải làm để giảm số lượng ngân hàng thương mại

Nguyệt San Thứ năm, ngày 10/05/2018 08:24 AM (GMT+7)
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết từ nay cho tới hết năm 2020 sẽ tăng cường đẩy mạnh giảm số lượng các NHTM thông qua mua bán, sáp nhập, thậm chí là cho phá sản, đóng cửa những ngân hàng yếu kém...
Bình luận 0

img

Mua bán các ngân hàng không phải chuyện một sớm một chiều

Tiếp tục giảm số lượng tổ chức tín dụng

Từ năm 2011 cho đến cuối năm 2015 ngành ngân hàng đã phải trải qua nhiều biến cố lớn khi các cuộc mua bán, sáp nhập cả tự nguyện lẫn “ép buộc” diễn ra “sôi động” trong cùng hệ thống như: Sacombank và Southernbank; SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất hợp nhất thành (Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB); HDBank và Đại Á (thành HDBank); SHB và HabuBank (thành SHB); Westerbank và Navibank (thành PvcomBank)…; Cuối cùng là việc mua lại bắt buộc 3 ngân hàng Oceanbank, GPBank và VNCB (ngân hàng Xây Dựng) với giá 0 đồng của ngân hàng Nhà nước.

Hình thức của các cuộc mua bán, sáp nhập nêu trên có muôn hình vạn trạng. Có những cuộc mua bán đã được toan tính cả vài ba năm trước đó như Sacombank, có thương vụ mua bán diễn ra bất thình lình, tới mức Chủ tịch HĐQT ngân hàng bị mua lại bỗng một ngày phải thốt lên rằng “tôi không biết ngân hàng của mình đã bị mua lại 0 đồng” khi mọi việc đã xong xuôi. 

Sau những biến cố lớn ấy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 35 ngân hàng, trong đó có 4 ngân hàng 100% vốn nhà nước là Agribank, Oceanbank, GPBank và VNCB; còn lại 31 NHTM cổ phần, trong đó 3 ông lớn là BIDV, Vietcombank, Vietinbank nhà nước đang nắm phần đa cổ phần. 

Chia sẻ về những thành công của giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Giai đoạn 2016-2020, chúng ta đã có những bước đi tương đối phù hợp trong xây dựng nhà nước pháp quyền và ngân hàng nhà nước đã tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế. Cụ thể, năm 2016 đã ban hành được Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, đồng thời sửa đổi Luật Các TCTD chính thức có hiệu lực từ 15.8.2017.

Theo ông Kiên, hiện nay các văn bản pháp lý cao trong ngành ngân hàng đã khá hoàn chỉnh, tạo động lực lớn cho sự phát triển trong giai đoạn tới. Trong thời gian tới ngành ngân hàng cần triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng,  “để cuối năm 2020 hoặc năm 2021, Việt Nam phải có được một số ngân hàng đảm bảo tầm cỡ khu vực, đảm bảo được nguồn cung cho nền kinh tế. Đồng thời yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng đáp ứng đúng chủa Basell 2 theo lộ trình thủ tướng đã đề ra”, ông Kiên nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết thêm, bước tiếp theo của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới là giảm số đầu mối các TCTD xuống để phù hợp với nền kinh tế, tăng chất lượng các TCTD và lành mạnh hoá hệ thống theo các hướng bán cho nhà đầu tư nước ngoài, cho mua lại nhau, tự nguyện sáp nhập… dựa trên nền tảng tôn trọng nguyên tắc thị trường.

Theo ông Kiên, thực tiễn thị trường cho thấy, việc có ý định mua bán, sáp nhập rồi lại thôi giữa các ngân hàng là rất tự nhiên và cần diễn ra trên nguyên tắc thị trường tuyệt đối. “Họ có quyền thảo luận, mua bán, hoặc không mua, không bán theo giá cả thị trường mà không tuân theo bất cứ mệnh lệnh hành chính nào. Tuy nhiên, cần phải giảm các đầu mối ngân hàng theo Đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2 và không loại trừ phương án phá sản, đóng cửa các ngân hàng yếu kém”.

Giảm không phải dễ

Có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và tham gia xây dựng chính sách, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia từng chia sẻ đã có rất nhiều nhà đầu tư “nhòm ngó” các ngân hàng trong nước, trong đó có 3 ngân hàng 0 đồng bị nhà nước mua lại. Thậm chí, đã có nhà đầu tư đặt vấn đề cho câu chuyện mua lại, câu chuyện chỉ còn là giá nào.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, nhận định về câu chuyện “giảm số lượng ngân hàng trong thời gian tới”, ông Nghĩa cho rằng, “đúng là sẽ giảm, nhưng để giảm được không phải dễ”.

“Phải có người mua, người chịu sáp nhập, nhưng nội địa thì không có nhà đầu tư nào đủ khả năng để mua, nước ngoài thì họ chê, nên giờ đang vướng, muốn bán mà cũng khó”, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa thì đó chỉ là tình trạng “tạm thời” và trong 2 năm trở lại đây chúng ta đã phục hồi được khá tốt các ngân hàng yếu kém.

img

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia 

“Tạm thời chúng ta hãy vực nó lên, để nó hồng hào, khoả mạnh, hấp dẫn rồi tự khắc sẽ có nhà đầu tư muốn mua và lúc đó hãy mời nhà đầu tư ngoại vào”. Đây có thể coi là phương án tích cực nhất bởi “thị trường bất động sản đang ấm dần lên, mà tài sản bảo đảm của nợ xấu ngân hàng chủ yếu là bất động sản”, ông Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ thêm tin vui, ông Nghĩa cho biết từ thực hiện làm việc, đã thấy nhiều ngân hàng khởi sắc mạnh mẽ. Ví như tại ngân hàng Quốc dân (NCB), nhiều khoản nợ xấu lớn đã được thu hồi, “có doanh nghiệp đã sống lại và trả nợ cho ngân hàng. Nhiều ngân hàng, nợ xấu cảu chủ cũ trước đây bế tắc hoàn toàn thì nay doanh nghiệp sống lại, bán được các dự án lớn, họ trả được nợ ngân hàng với những con số lên tới hàng nghìn tỷ”, ông Nghĩa chia sẻ.

Lạc quan là thế, tuy nhiên, theo ông Nghĩa, còn nhiều cái khó mà ngành ngân hàng phải đối mặt, đặc biệt là câu chuyện tái cấu trúc với các ngân hàng mà ngân hàng Nhà nước đã mua lại 0 đồng. Câu hỏi đặt ra làm sao để vực nó dậy, làm sao để tăng tính hiệu quả và làm sao để hấp dẫn với nhà đầu tư?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem