Dự án Rivera Park Hà Nội chật vật vì thiếu vốn?

Thái Bình Thứ hai, ngày 19/09/2016 06:00 AM (GMT+7)
Sau công bố thương hiệu, ra mắt nhà mẫu, dự án Rivera Park Hà Nội (69 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) được makerting chào hàng rầm rộ trên thị trường địa ốc với nhiều suất căn hộ có giá ngót 40 triệu đồng/m2. Phần chìm của tảng băng, là tình trạng "kiến bò chảo lửa" của chủ đầu tư dưới sức ép về nguồn vốn phục vụ dự án.
Bình luận 0

Đối chiếu các văn bản mang tính quản lý Nhà nước như giấy chứng nhận đầu tư, GPXD..., dư luận đặt dấu hỏi "vì sao tổng vốn đầu tư của dự án đã tăng từ gần 760 tỷ đồng lên tới hơn 1.300 tỷ đồng như hiện tại?" Đồng thời, phải chăng Công ty CP Tu bổ di tích Trung ương (Vinaremon, đồng chủ đầu tư) đã âm thầm rút lui và nhường toàn bộ quyền đối với dự án cho đối tác là công ty CP đầu tư & phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land)?

Tham vọng của Long Giang Land

Theo điều tra, "khởi nguồn" của mức đầu tư khổng lồ rót cho dự án chính là Long Giang Land.

Theo chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư dự án (suýt xoát 760 tỷ đồng) bao gồm: 112,5 tỷ đồng của Long Giang Land, 255 tỷ đồng vốn vay và gần 392,4 tỷ đồng đến từ việc huy động. Vậy, tỷ lệ góp vốn của Vinaremon ra sao? Quyền sử dụng đất chính là giá trị góp vốn của DN này?

Tới đầu quý II vừa qua, mối lương duyên Vinaremon – Long Giang land đã hé mở một số tình tiết. Tháng 4, ĐHĐCĐ bất thường của Long Giang Land thông qua chủ trương phê duyệt tổng mức đầu tư dự án 69 Vũ Trọng Phụng dự kiến vào khoảng 1.327,98 tỷ đồng. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất "ngốn" gần 206 tỷ đồng.

imgLong Giang Land đang chật vật huy động vốn từ chính "người nhà" để phục vụ đầu tư dự án mang thương hiệu của mình

Đáng chú ý, HĐQT Long Giang Land được giao nhiệm vụ "quyết định về nguồn vốn đầu tư, được thế chấp dự án để phục vụ vay vốn và huy động vốn" cho dự án (Lãnh đạo Long Giang Land lý giải, trước khi đi đến quyết định này, công ty đã "xúc tiến" quan hệ với tổ chức tín dụng và được chấp thuận chủ trương cho vay vốn phục vụ dự án).

Theo Thông tư 11/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về chế độ báo cáo tình hình triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh các dự án BĐS, các chủ đầu tư các dự án BĐS phải báo cáo về tiến độ và tình hình thực hiện dự án (triển khai thi công, đầu tư xây dựng, huy động vốn, thực hiện nghĩa vụ tài chính) hàng quý hoặc hàng năm, tùy theo danh mục dự án tới Sở Xây dựng địa phương. Điều này đã được chủ đầu tư 69 Vũ Trọng Phụng tuân thủ nghiêm? Nhất là sau khi DN quyết định tăng mức đầu tư dự án lẫn sử dụng các chiến thuật huy động vốn. Đặc biệt, theo điều tra, dự án vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất ở thời điểm giữa tháng 8 vừa qua.

Cùng tháng 4, Vinaremon phối hợp nhịp nhàng bằng việc thông qua hàng loạt vấn đề tại ĐHĐCĐ thường niên. Ngoài tổng mức vốn đầu tư dự án, Vinaremon chính thức ủy quyền toàn bộ cho Long Giang Land - là đại diện chủ đầu tư, thực hiện các công việc liên quan trong triển khai dự án như: Huy động vốn để thực hiện dự án, thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án để vay vốn Ngân hàng thực hiện dự án....

Huy động vốn cấp tập, coi chừng "phanh gấp"

Tạm bỏ qua việc điều chỉnh tăng mức đầu tư dự án đã được báo cáo tới cơ quan quản lý hay chưa, chúng tôi đã xâu chuỗi một số mắt xích quan trọng trong guồng quay "săn vốn" cho dự án của Long Giang Land.

Đầu quý II, nhiều ý kiến từ cổ đông Long Giang Land (tại ĐHĐCĐ) đều hướng quan ngại về dự án Rivera Park – một trong 2 dự án trọng điểm đánh dấu bước ngoặt về chiến lược kinh doanh của đơn vị.

Khi đó, chủ tịch HĐQT Long Giang Land mau mắn khẳng định doanh thu và lợi nhuận màu mỡ của 2 dự án mang thương hiệu Rivera (sẽ được ghi nhận vào 3 năm 2017-2019, với tổng doanh thu 2,700-2,800 tỷ đồng). Riêng năm 2017, ước tính ghi nhận doanh số bán khoảng 288 căn, doanh thu khoảng 700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng.

Như một liều thuốc tinh thần cho CBCNV, lãnh đạo Long Giang Land khẳng định đơn vị chưa phải thực hiện bất kỳ hợp đồng vay tín dụng nào đối với dự án tại 69 Vũ Trọng Phụng. Do đó, "nếu tình huống xấu nhất xảy ra, có thể dừng dự án bất cứ lúc nào" – một phát ngôn giúp xoa dịu cổ đông của Long Giang Land, nhưng đủ để người mua nhà... giật mình vì Long Giang land có thể dừng cuộc chơi bất cứ lúc nào khi gặp bất lợi ?!

imgNếu nguồn tiền mang lại từ phía Vinaremon không đủ trang trải, Long Giang Land sẽ xoay sở ra sao? 

Cũng tại ĐHĐCĐ 2016, ban lãnh đạo Long Giang Land tiếp tục "rào trước đón sau" về kế hoạch dồn mọi nguồn lực cho mảng BĐS. Ngoài việc thông báo đã được thỏa thuận của BIDV về khoản vay 500 tỷ đồng (để phục vụ dự án trong trường hợp xấu), lãnh đạo công bố chủ trương phát hành gần 15 triệu CP để tăng vốn và 100 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi nhằm huy động vốn cho 2 dự án.

Về đợt phát hành 10 triệu CP (ngay trong năm 2016), trước câu hỏi tại sao HĐQT đặt mức giá phát hành cho cổ đông hiện hữu không dưới 10.000 đồng/CP trong khi thị giá của CP LGL đang thấp hơn mệnh giá? Lãnh đạo HĐQT lý giải khá cảm tính: công ty đã bước qua giai đoạn khủng hoảng và đặt chân vào thời kỳ phát triển tăng trưởng, nên dự kiến giá cổ phiếu cũng sẽ hồi phục mặc dù sẽ có độ trễ nhất định (!)

Tới tháng 8, đòi hỏi về vốn của dự án 69 Vũ Trọng Phụng gia tăng tới mức Long Giang Land phải "xin chi viện" từ Vinaremon. Bằng loạt lý do: dự án đang gấp rút triển khai thi công để hoàn thành hạng mục móng, tầng hầm đến cos 0.00 (điều kiện để dự án được phép kinh doanh bán nhà); Dự án chưa được ngân hàng tài trợ tín dụng và cũng chưa bán nhà cho khách hàng... nên nhu cầu vốn cho dự án rất khó khăn, Long Giang Land đề nghị Vinaremon huy động vốn từ chính CBCNV của Vinaremon (có nhu cầu mua căn hộ dự án).

Đáp lại, Vinaremon cấp tập vận động người lao động của mình đóng tiền mua nhà theo hình thức bỏ hàng trăm triệu đồng để đổi lại "quyền mua căn hộ" dưới dạng Hợp đồng cho Long Giang vay (!?) Giả thiết xấu, nếu số tiền thu về từ phía khách hàng Vinaremon  không đủ trang trải cho dự án leo lên cos 0.00, chi trả nghĩa vụ tài chính đất, thì Long Giang Land sẽ sử dụng chiến thuật nào để đối phó?

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tới bạn đọc khi có thêm các tình tiết mới về dự án này. 

Do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2016 là số âm (-8 tỷ đồng), cổ phiếu LGL (Long Giang Land) bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, theo thông báo của HOSE.

Tháng 6.2014, HNX thông báo hủy đăng ký giao dịch 1,15 triệu cổ phiếu REM (của Vinaremon) với lý do Công ty không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng quy định tại Luật chứng khoán quá thời hạn 01 năm kể từ ngày không đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem