Đường sắt Cát Linh-Hà Đông “đội vốn” 10.000 tỷ do tính toán không đầy đủ?

Nguyên Phương Thứ năm, ngày 15/08/2019 12:57 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, các tuyến đường sắt đô thị như Metro Bến Thành-Suối Tiên và đường sắt Cát Linh–Hà Đông tăng vốn tới hàng chục nghìn tỷ đồng không hẳn là đội vốn mà do các cơ quan chưa tính toán hết các chi phí từ đầu.
Bình luận 0

img

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn gần 10.000 tỷ và đã nhiều lần lỡ hẹn đi vào hoạt động chính thức.

Một vấn đề được nêu ra trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8 là câu chuyện sử dụng vốn vay ODA làm 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM đều còn vấn đề, chậm trễ, đội vốn tới hàng chục nghìn tỷ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: "5 đường sắt đô thị đội vốn trước hết là trách nhiệm của của chủ đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành tham gia sẽ có trách nhiệm liên quan".

Theo ông Đinh Tiến Dũng, trước năm 2018, trước khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực, những vấn đề về chủ trương đầu tư, ký kết hiệp định, điều chỉnh dự án, phân bổ dự toán…. thuộc Bộ KHĐT quản lý theo sự phân công của Chính phủ. Bộ Tài chính, kể cả theo luật mới và trong Nghị định 132 chỉ là đầu mối ký kết.

“Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ là đầu mối đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn ODA. Còn vấn đề đầu tư, điều chỉnh dự toán, phân bổ nguồn vốn cho dự án vẫn thuộc thẩm quyền Bộ KHĐT. Còn rất nhiều khâu như chủ chương đầu tư, giao dự toán… Bộ Tài chính không thể quyết định”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, một trong những nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn chính là do khâu giao dự toán, làm kế hoạch chậm…

img

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng.

Tiếp tục giải trình vấn đề chậm tiến độ, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng tại các dự án đường sắt đô thị như Cát Linh-Hà Đông, Metro Bến Thành-Suối Tiên… Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là những dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên Việt Nam thực hiện.

“Những hiểu biết, kinh nghiệm và năng lực của chúng ta, từ khâu tư vấn tới quản lý đêu chưa theo kịp và đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, trong thời gian đầu sử dụng nguồn vốn ODA, theo nguyên tắc, chúng ta chủ yếu thu hút công nghệ và kinh nghiệm quốc tế. Trong đó, các nhà thầu quốc tế lập dự án, các cơ quan Việt Nam tham gia xem xét và thẩm định. Nhưng chúng ta không thể lường hết mọi rủi ro từ đầu tới cuối, do đây là những dự án lớn và phức tạp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, từ khâu phê duyệt tới khi triển khai thực hiện, đã có sự điều chỉnh, khiến vốn đầu tư tăng lên rất nhiều. Điển hình là tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng, đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Hà Nội cũng tăng vốn tới 10.000 tỷ đồng.

“Chúng ta không nên gọi ngay là đội vốn, nguyên nhân do chúng ta tính chưa hết hoặc tính không đầy đủ chi phí. Tất nhiên, dự án càng kéo dài thì chi phí càng phát sinh là đúng. Nhưng việc vốn đầu tư cho dự án vượt lên rất lớn như vậy, nguyên nhân chính do chúng ta không lường hết quy mô, cũng như hạng mục của dự án nên buộc phải điều chỉnh lại.

Việc điều chỉnh vốn đầu tư lớn như vậy thì nguồn vốn ở đâu? Yếu tố đầu tiên là thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn. Thứ hai là nguồn vốn ở đâu? Thứ ba là đã được tính vào kế hoạch vốn trung hạn chưa? Thứ tư là tỷ lệ giữa cấp phát vốn và cho địa phương vay lại. Bốn vấn đề kéo theo khiến chúng ta phải xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân trần.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các dự án này về mặt thẩm quyền đã rõ. TP.HCM đang tiến hành thẩm định lại để quyết định phê duyệt điều chỉnh lại dự án trên cơ sở đó thống nhất với Bộ Tài chính về phương án vay và cấp phát giữa nhà nước và địa phương.

Nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn cũng đã được cân đối, do vậy có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện. Vấn đề duy nhất là chờ TP.HCM phê duyệt lại các quyết định điều chỉnh này.

Nằm trong hệ thống Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào năm 2011 nhờ nguồn vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.

Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018 Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, việc điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia được thực hiện khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội. Trong đó, Bộ GTVT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng, tăng 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%, khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh Dự án đầu tư.

Theo chia sẻ của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, đường sắt Cát Linh–Hà Đông phải được thực hiện theo thiết kế tổng thể, nhưng vì chậm tiến độ nên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép thực hiện theo thiết kế từng phần.

“Tuy nhiên, tiến độ dự án vẫn không đảm bảo. Ngược lại, thực hiện chắp vá, ảnh hưởng đến tiến độ và có khả năng rủi ro cả về chất lượng. Trong vấn đề quản lý nhà nước, Bộ GTVT cần nghiêm túc đánh giá”, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem