Giá sữa và lợi ích nhóm: Chưa "vòng kim cô" nào siết được

Phương Hà Thứ bảy, ngày 08/11/2014 07:04 AM (GMT+7)
Câu chuyện giá sữa gây ra bức xúc cho toàn xã hội trong một thời gian kéo dài, làm nóng dư luận hết đợt này đến đợt khác mà vẫn chưa có chiếc vòng kim cô nào “siết” được.
Bình luận 0

Chi phí nguyên liệu chế biến sữa, đặc biệt là giá sữa bột nguyên kem đang trên đà giảm nhiệt, giảm đến 2,57%. Đồng thời, số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, giá nguyên liệu chính sản xuất sữa đã nhập khẩu về Việt Nam như bột sữa gầy, bột váng sữa và các nguyên phụ liệu khác trong tháng 9 đã giảm từ 0,48% đến 19,52% so với tháng 6. Điều này đồng nghĩa với việc giá sữa trong nước có thể giảm.

imgBiện pháp áp giá trần chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp giảm giá sữa sát với chi phí thực tế. Ảnh: Đàm Duy

Thế nhưng, sau đợt giảm giá nhẹ từ ngày 1.6.2014 đến nay giá mặt hàng sữa không hề thay đổi dù cho cơ quan quản lý cũng không phải là không ráo riết trong khâu quản lý, biểu hiện bằng việc đưa ra giải pháp áp trần giá sữa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá sữa vẫn như quả bóng trên sân mà các cơ quan quản lý vẫn chần chừ chưa chịu sút vào lưới!

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra ít ngày trước, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Hiện Bộ Tài chính được phân công quản lý giá sữa. Trách nhiệm của Bộ Công Thương là kiểm tra doanh nghiệp có bán theo giá đã được Bộ Tài chính phê duyệt hay chưa".

Trả lời báo chí quanh câu chuyện không mới về quản lý giá sữa, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đến nay chưa có doanh nghiệp nào đăng ký điều chỉnh giảm giá sữa, việc điều chỉnh giá là do doanh nghiệp quyết định, còn Bộ Tài chính chỉ thực hiện giám sát và điều tiết khi có bất ổn. Và dường như một phần nguyên nhân của việc giá sữa không thể giảm thời gian qua đã được lý giải khi ông Nguyễn Hoàng Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết: "Doanh nghiệp có trách nhiệm tự kê khai, tính thuế và chịu trách nhiệm về việc kê khai tính thuế của mình. Cơ quan hải quan sẽ chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, xác định giá. Trong trường hợp có nghi vấn thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện quyền tham vấn để giải trình, chứng minh về trị giá khai báo của mình". Như vậy câu trả lời đã rõ, khi mà cơ quan quản lý chỉ quản lý được trên cơ sở giá báo của doanh nghiệp gửi lên trên cơ sở mức giá do họ tự kê khai. Chẳng khác nào doanh nghiệp tự mua, rồi lại tự bán mà sự quản lý của cơ quan nhà nước chẳng có chút sức nặng nào.

Tại sao vẫn chưa có một cuộc “kiểm tra, xác định giá” theo đúng nghĩa của 5 chữ này đúng như trả lời của Tổng cục Hải quan, chứ không phải chỉ làm cho có hình thức để có cái mà báo cáo, tổng kết(?).

Câu chuyện giá sữa gây ra bức xúc cho toàn xã hội trong một thời gian kéo dài, làm nóng dư luận hết đợt này đến đợt khác mà vẫn chưa có chiếc "vòng kim cô" nào siết được.

Không ít ý kiến của các chuyên gia kinh tế đã cho rằng: Lợi ích nhóm doanh nghiệp trong mặt hàng sữa quá lớn. Biện pháp áp giá trần chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp giảm giá sát với chi phí thực tế. Câu chuyện “quản” giá sữa, nếu không phải vì quyền lợi của một nhóm lợi ích thì nguyên nhân vì đâu doanh nghiệp vẫn được “tự tung, tự tác” giá. Người tiêu dùng vẫn đang chờ một câu trả lời từ phía cơ quan có thẩm quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem