Giá xăng dầu giảm từ 14 giờ ngày 28.7: Lãi đậm nhưng giảm nhỏ giọt

Mai Hương Thứ ba, ngày 29/07/2014 06:48 AM (GMT+7)
Sau nhiều lần dư luận lên tiếng, liên Bộ Tài chính - Công Thương mới yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu giảm giá xăng tối thiểu 325 đồng/lít và dầu 346 đồng/lít từ 14 giờ ngày 28.7. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn chưa làm thỏa mãn người tiêu dùng vì quá “nhỏ giọt”.
Bình luận 0

Vẫn điệp khúc tăng nhiều giảm ít...

Theo lý giải của Bộ Tài chính, giá xăng dầu thế giới từ sau ngày điều hành 18.7.2014 đã có xu hướng giảm. Giá xăng, dầu thành phẩm thế giới bình quân 30 ngày (từ ngày 28.6.2014 đến 27.7.2014) cụ thể với xăng RON 92 là 120,934 USD/thùng; dầu diesel 0,05S: 119,128 USD/thùng; dầu hỏa: 118,923 USD/thùng... Căn cứ nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định hiện hành thì chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là từ âm 26-275 đồng/lít (đối với xăng và dầu mazut) và dương 346 đồng/lít (đối với dầu hỏa và dầu diesel). Điều này có nghĩa tính bình quân 30 ngày thì giá xăng vẫn ở mức cao. Cụ thể: Với xăng, giá bán hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ BOG 670 đồng/lít) cao giá cơ sở theo quy định (tham chiếu giá bán lẻ hiện hành của Petrolimex thì mức chênh lệch là 395 đồng/lít).

Để góp phần bình ổn giá, Bộ Tài chính cho phép các DN vẫn được sử dụng Quỹ BOG 600 đồng/lít (giảm sử dụng Quỹ BOG 70 đồng/lít); đồng thời yêu cầu giảm giá bán xăng trong nước. Dầu diesel 0,05S và dầu hỏa thì giảm giá bán tối thiểu tương ứng với mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành cao hơn giá cơ sở; giá bán sau khi điều chỉnh không cao hơn giá cơ sở theo quy định (trong đó giá cơ sở của dầu diesel 0,05S: 22.334 đồng/lít; dầu hỏa: 22.464 đồng/lít). Với dầu madút, Bộ Tài chính yêu cầu các DN giữ ổn định giá bán dầu madút trong nước như hiện hành; đồng thời ngừng sử dụng Quỹ BOG (giảm từ 300 đồng/kg như hiện hành xuống còn 0 đồng/kg).

Nếu tham chiếu theo giá hiện hành của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, thì mức giảm tối thiểu đối với xăng là 325 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 346 đồng/lít; dầu hỏa: 346 đồng/lít.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ: “Với điều hành lần này, giá xăng dầu vẫn điệp khúc tăng nhiều giảm ít”. Ông Doanh cho biết, theo thông tin công bố của chính các cơ quan chức năng và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) thì 10 ngày qua, các DN kinh doanh xăng dầu đang lãi rất đậm. Ông Doanh lấy một ví dụ được công bố vào ngày 24.7 cho thấy mỗi lít dầu hỏa đạt lợi nhuận cao nhất là 238 đồng, dầu diesel lãi 233 đồng/lít. Nếu tính cả lợi nhuận định mức 300 đồng/lít thì hai mặt hàng này có lãi lần lượt 538 đồng và 533 đồng/lít. Đối với xăng và dầu mazut, vì được sử dụng mức trích Quỹ Bình ổn nên hai mặt hàng này cũng đang có lãi 161 đồng/lít và 184 đồng/kg. Cộng thêm lợi nhuận định mức 300 đồng/lít thì mỗi lít xăng DN ngành xăng dầu đang lãi tới 461 đồng và dầu mazut lãi 484 đồng/kg. “Ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch thường trực VINPA – cũng đã thừa nhận trên báo chí rằng DN xăng dầu đang có lãi thật. Từ ngày đó đến nay, giá xăng dầu tiếp tục giảm thì mức lãi còn tăng cao hơn, vậy tại sao khi giảm giá lại chỉ có hơn 300 đồng/lít?”- ông Doanh thắc mắc.

Nền kinh tế đang phải trả giá

Thực tế, từ đầu năm tới nay đã có không dưới 10 lần điều chỉnh giá xăng dầu, tăng thì mạnh nhưng giảm lại nhỏ giọt. Thậm chí, nhiều người đưa ra so sánh giá xăng của ta có thời điểm cao hơn tới 4.000 đồng/lít so với giá xăng của Mỹ để nêu ra sự bất hợp lý của giá xăng dầu trong nước.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc tăng nhiều giảm ít hiện nay là do chúng ta chưa có cơ quan độc lập để kiểm chứng những số liệu mà DN xăng dầu đưa ra. Các cơ quan quản lý chỉ dựa trên số liệu của DN lớn, thậm chí lấy số liệu của Petrolimex để làm tham chiếu cho các DN xăng dầu khác chứ chưa có bộ phận độc lập kiểm tra, giám sát. Công thức tính giá cơ sở của xăng dầu là rõ ràng, công khai, dựa trên 11 yếu tố nhưng việc xử lý “cái rõ ràng công khai” đó lại chưa rõ ràng nên mới có cách điều hành xăng dầu như hiện nay, ông Long cho biết.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, chúng ta chưa có ngành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Mặc dù có trên 10 đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu nhưng chỉ DN nhà nước đã chiếm tới 90% thị phần. Riêng Petrolimex chiếm tới trên 70% thị phần. Vì vậy có thể nói kinh doanh xăng dầu vẫn là độc quyền của các DN nhà nước và vì quyền lợi của bản thân DN. Đòi một cơ chế thị trường đầy đủ cho kinh doanh xăng dầu và sự giảm giá công bằng ngay bây giờ là điều không thể. Và theo bà Lan, với thực trạng điều hành xăng dầu như hiện nay thì nền kinh tế đang phải trả giá cho những khoản chi phí không rõ ràng và lợi nhuận khủng của các nhà kinh doanh xăng dầu, còn người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt.

   Các chuyên gia cho rằng, khi thị trường thế giới vừa tăng giá thì các DN kinh doanh trong nước đã kêu lỗ để đòi tăng giá, trích Quỹ Bình ổn. Còn khi giá xăng dầu trên thế giới giảm thì các DN này im lìm, không  đả động gì đến việc điều chỉnh giảm hoặc chỉ giảm nhỏ giọt, cho có.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem