Giá xăng giảm 13 lần liên tiếp: Chậm nắm bắt cơ hội

Mai Hương Thứ năm, ngày 22/01/2015 14:09 PM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm qua 21.1 tiếp tục được điều chỉnh giảm tới 1.897 đồng/lít (với xăng RON 92).  Điều này sẽ có tác động tích cực lớn tới nền kinh tế, đặc biệt là với sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc nắm bắt cơ hội từ xăng giảm giá là rất chậm trễ...
Bình luận 0

“Ngây ngất” giá xăng giảm

“Không thể tưởng tượng khi giá xăng RON 92 giờ chỉ còn hơn 15.000 đồng/lít”- chị Nguyễn Thị Hoa trọ tại khu tập thể Hào Nam (Hà Nội) là nhân viên một hãng sữa thốt lên. “Nếu như trước đây mỗi tuần em phải chi 100.000 đồng tiền xăng cho việc đi lại từ nhà đến chỗ làm, thì nay giảm chỉ còn phải chi khoảng 60.000 đồng, như vậy mỗi tháng cũng tiết kiệm gần 200.000 đồng từ tiền xăng đi lại” – chị Hoa chia sẻ.

img
Nhân viên cây xăng đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) thay đổi bảng giá xăng mới. Ảnh: Đoàn Văn Quý 
Lần giảm giá xăng dầu hôm qua, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, sẽ có tác động tích cực rất lớn tới đời sống người dân bởi giá xăng giảm rất mạnh. Ông Thắng nói: “Khi giá dầu hạ, chi phí cho nhiên liệu trong thu nhập khả dụng của dân chúng sẽ giảm đi, làm cho sức mua của người dân tăng lên. Tương tự như vậy, chi phí vận tải của doanh nghiệp cũng sẽ giảm đi, giúp cải thiện thu nhập của doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm và dịch vụ”.

 

Nhìn từ góc độ vĩ mô, vị chuyên gia này cho rằng, giảm giá xăng dầu tạo điều kiện giảm giá cả (hoặc chí ít thì cũng giảm bớt đà tăng của giá cả) của nhiều hàng hóa, vốn ít nhiều đều có liên quan đến giá xăng dầu, từ đó giảm áp lực lạm phát. “Nhất là trong bối cảnh cuối năm, Tết Nguyên đán đến gần thì việc giá xăng dầu giảm sâu như vậy sức mua sẽ được cải thiện rõ rệt và lòng người dân sẽ phấn chấn rất nhiều”-ông Thắng đánh giá. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, việc điều hành giá xăng dầu giảm liên tiếp từ năm 2014 đến nay được đánh giá là quyết liệt, sát với diễn biến của thị trường. Với lần giảm giá sâu hôm qua và “rút lại” quyết định tăng thuế cho thấy một sự quyết liệt để dành dư địa cho điều hành giá, giúp giảm các chi phí đầu vào của nền kinh tế của cơ quan điều hành là Bộ Tài chính.

Sẽ có tác động tích cực

TS Đoàn Văn Bình- Viện trưởng Viện Kinh tế năng lượng, Viện Khoa học Việt Nam cũng nhận định: Việc giá dầu thô giảm, kèm với đó là giá xăng, dầu giảm sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế. Cụ thể, khi giá xăng dầu giảm, lĩnh vực vận tải được hưởng lợi nhất vì đây là lĩnh vực tiêu thụ nhiều xăng dầu nhất.

Ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim… cũng được hưởng lợi khi mà xăng dầu chiếm tới 20-30% chi phí đầu vào của những ngành sản xuất đó. Đặc biệt, giá xăng dầu giảm cũng giúp hộ gia đình giảm chi tiêu cho việc đi lại hằng ngày, qua đó kích thích tiêu dùng nhờ khoản tiền tiết kiệm được. Như vậy, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi kép từ việc chi tiêu cho vấn đề năng lượng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, lợi ích của việc giảm giá dầu đối với đời sống người dân, doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế là vô cùng lớn nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có chiến lược nào để tận dụng. Bằng chứng là giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ chưa được giảm tương xứng, các bộ ngành cũng chưa thật quyết liệt trong xử lý vi phạm giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặt hàng xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu chiếm 14,6% chi phí trung gian của nền kinh tế, và tương đương 8,8% tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế. Và theo tính toán sơ lược nhất của ngành thống kê thì tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế bằng 165% GDP. Nếu giá xăng dầu chỉ cần giảm 20%, thì GDP sẽ có các kịch bản tăng 1,8-2,2% trong khi giá dầu đã giảm tới hơn 30%. Do vậy, trong lúc doanh nghiệp đang khó khăn, việc giá dầu thế giới giảm là dịp may hiếm có để tạo đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2015.

Ông Đoàn Văn Bình cũng đồng tình cho rằng, hiệu ứng tích cực của việc giá dầu giảm đang được tận dụng chậm ở Việt Nam. “Giá dầu giảm mạnh song các doanh nghiệp Việt Nam phản ứng rất chậm. Họ vẫn chưa thấy rõ lợi ích từ việc giảm giá cho người tiêu dùng sẽ giúp tăng tiêu dùng hàng hóa của mình, do vậy chần chừ giảm giá hàng hóa”- ông Bình nói.

“Thực tế, từ khi giá xăng dầu thế giới giảm đến giá xăng dầu trong nước giảm là một quãng đường dài và từ khi giá xăng dầu giảm đến khi giá vận tải giảm, kéo theo giá hàng hóa giảm còn dài hơn nữa. Vì vậy, thay vì tận dụng lợi thế và hưởng lợi thì chúng ta lại đang bị cái thiệt lâu dài, cái thiệt lớn là khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm so với khả năng cạnh tranh của hàng hóa các nước”- ông Bình nhấn mạnh.

Giá xăng dầu giảm giúp hộ gia đình giảm chi tiêu cho việc đi lại hàng ngày, qua đó kích thích tiêu dùng nhờ khoản tiền tiết kiệm được. 
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú: Sức mua đang hồi phục

 Nhờ giá xăng giảm liên tiếp nên sức mua hàng hóa, tiêu dùng  đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Vấn đề còn lại là các bộ ngành phải quản lý làm sao để các hàng hóa khác liên quan cũng phải giảm xuống. Đóng góp tích cực của giá dầu giảm còn phụ thuộc vào mức giảm chi phí vận tải và các hàng hóa khác hiện nay, mà mức giảm này chưa tương xứng với mức giảm của giá dầu.

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn: Thấy rõ nhiều cái lợi

Thực tế, chi phí xăng dầu đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế  bởi nó chiếm tới 40% - 50% chi phí sản xuất, 10-15% chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa. Do vậy, về mặt lý thuyết có thể ngân sách bị hụt thu từ khoản xăng dầu nhưng đổi lại nền kinh tế lại được kích cầu, sản xuất tốt hơn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Như vậy, cái lợi cho nền kinh tế là lớn hơn, tốt hơn rất nhiều.

Nguyễn Phương (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem