Giá xăng liên tục tăng, người dân lo gánh nặng chi phí

Khải Huyền Chủ nhật, ngày 07/10/2018 10:34 AM (GMT+7)
Giá xăng liên tục tăng khiến người tiêu dùng lo gánh nặng chi phí đè lên sản xuất, đời sống sinh hoạt hằng ngày. Giá xăng tăng mạnh cũng đặt ra nỗi lo làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay.
Bình luận 0

Chiều qua (6.10), liên bộ Tài Chính - Công thương vừa công bố mức giá bán lẻ xăng dầu cập nhật mới nhất. Theo đó, giá xăng dầu các loại sẽ tăng thêm từ khoảng 600 đồng/lít, mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.

Giá xăng tăng mạnh

Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 675 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 577 đồng/lít, dầu diesel 0.05S: tăng 485 đồng/lít; dầu hỏa tăng 403 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 752 đồng/kg.

Sau khi điều chỉnh, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá 20.906 đồng/lít đối với xăng E5 RON92, xăng RON95-III có giá không cao hơn 22.347 đồng/lít, dầu diesel 0.05S có giá không cao hơn 18.611 đồng/lít, dầu hỏa có giá bán không cao hơn 17.086 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.694 đồng/kg.

Lý giải cho mức tăng giá này, liên bộ Tài Chính – Công thương cho rằng, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây tăng mạnh. Giá giao dịch trên thị trường Singapore (giá Platt Singapore) đối với xăng RON92 ngày 2.10.2018 đạt mức 92,500 USD/thùng, là mức cao nhất từ tháng 11.2014 đến nay. Tương tự, giá dầu diesel 0.05S ngày 3.10.2018 đạt mức 100,140 USD/thùng là mức cao nhất từ tháng 10.2014 đến nay.

img

Giá xăng liên tục tăng khiến người tiêu dùng lo nặng gánh chi phí xăng dầu. 

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 6.10 là 90,363 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92. Mức giá này tăng 3,540 USD/thùng, tương đương tăng gần 4,1% so với kỳ trước. Xăng RON95 có giá 92,4USD/thùng, tăng 3,586 USD/thùng, tương đương mức tăng khoảng 4% so với kỳ trước. Giá dầu diesel 0.05S, dầu hỏa, dầu mazut cũng tăng dao động quanh mức 5% - 8% so với kỳ điều hành giá lần trước.

Giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 theo Công văn số 1145/BTC-QLG ngày 5.10.2018 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 15.458 đồng/lít (mức giá chưa có thuế GTGT).

Cũng theo liên bộ Tài Chính - Công thương, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được chi sử dụng liên tục nhằm hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.

Cùng với việc điều chỉnh giá bán xăng dầu, liên bộ Công thương - Tài chính cũng quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho xăng E5 RON92 với mức chi 1.563 đồng/lít; xăng RON95 với mức chi 700 đồng/lít, dầu diesel: 400 đồng/lít và chi cho dầu hỏa 300 đồng/lít. Đồng thời, ngừng trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu (từ mức 300 đồng/lít, kg về mức 0 đồng/lít, kg).

Như vậy, đây là đợt tăng giá bán lẻ xăng, dầu thứ 3 liên tiếp từ đầu tháng 9 đến nay. Sau 3 đợt tăng giá liên tục, tổng cộng mỗi lít giá xăng E5 RON 92 đã tăng khoảng 1.296 đồng; xăng RON 95 đã tăng hơn 1.170 đồng.

Việc giá xăng dầu liên tục tăng cao đã khiến người tiêu dùng, nhất là các doanh nghiệp vận tải, chế biến thủy hải sản… tỏ ra lo lắng vì chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi đó, từ 1.1.2019 tới, thuế môi trường với xăng cũng sẽ tăng từ 3.000 đồng mỗi lít lên 4.000 đồng, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Nhiều khoản tăng dồn dập có thể khiến người tiêu dùng càng khó khăn hơn.

Doanh nghiệp, người tiêu dùng nặng gánh

Anh Nguyễn Hồng Minh (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM), là tài xế chạy taxi công nghệ cao, than thở, trước đây, anh chạy tích cực cả ngày, không nghỉ trưa thì có thể kiếm được khoảng 300.000 – 350.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá xăng liên tục tăng nên số tiền chi cho xăng dầu của anh Minh cũng tăng thêm nhiều.

Anh Minh cho biết, nếu trước đây mỗi lần đổ 500.000 đồng tiền xăng có thể chạy được hơn 2 ngày nhưng hiện nay, cũng với số tiền trên, anh Minh chỉ chạy được hơn một ngày. Tần suất số lần đổ xăng đã tăng lên rất nhiều so với trước nên sau khi trừ các khoản chiết khấu cho công ty (cũng vừa tăng mạnh so với hồi đầu năm), chi phí xăng dầu, phí cầu đường… phần còn lại cho anh Minh chỉ được khoảng 200.000 đồng.

“Nếu ngày nào xe gặp vấn đề kỹ thuật hay khách hàng “bỏ bom”, gọi mà không đi 1 – 2 chuyến là coi như cả ngày đi làm không công, không còn dư đồng nào. Tối về nghe vợ còn than giá gas, giá thực phẩm cũng tăng ào ào khiến không khí gia đình nặng nề lắm!”, anh Minh than thở.

Cũng sử dụng nhiều xăng dầu để chạy máy cày, máy cấy và các loại máy móc nông nghiệp khác, ông Trịnh Hồng Huynh, chủ một cơ sở dịch vụ nông nghiệp tại huyện Châu Thành (Long An) chia sẻ, trước đây, thu nhập từ việc làm dịch vụ cày, cắt suốt lúa của gia đình anh cũng kha khá. Khi vào vụ chính, ông Huynh còn thuê thêm người phụ, trả mỗi công lao động từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày.

img

Xăng tăng khiến dịch vụ gặt đập liên hợp của ông Huynh cũng khó "ăn nên làm ra". 

Thế nhưng, từ vụ hè thu năm nay đến nay, giá xăng tăng trong khi không thể tăng thêm giá dịch vụ, anh Huynh phải cắt giảm khoản thuê người phụ để giảm bớt chi phí. Thay vào đó, huy động hết thảy con cháu trong nhà ra giúp việc trong những ngày cao điểm.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, xăng dầu là đầu vào của rất nhiều lĩnh vực kinh tế, do đó việc tăng giá xăng dầu chắc chắn khiến tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm. Chưa kể, cùng với việc xăng dầu tăng theo giá thế giới, từ đầu năm tới, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản không nhỏ cho thuế bảo vệ môi trường khi sử dụng xăng.

Ông Long cho rằng, các bộ, ngành vẫn hay nói năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nhiều lĩnh vực còn tụt hậu, đang trong quá trình hội nhập. Mà hội nhập thì yếu tố năng lực cạnh tranh là quan trọng, trong đó có chi phí đầu vào, vấn đề giá. Thế mà tăng thuế đầu vào, dẫn đến tăng giá sản phẩm thì sao cạnh tranh?.

“Trong bối cảnh hiện nay, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn rất hạn chế. Xăng dầu là yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng. Khi chi phí đầu vào tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đời sống”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, xăng dầu tăng giá, ngành vận tải sẽ phải chịu tác động đầu tiên và mức tác động sẽ rất lớn. Tiếp đó, các ngành có sử dụng dịch vụ vận tải nhiều như nông nghiệp, du lịch… cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng nếu ngành vận tải tăng giá theo giá xăng.

Theo ông Thanh, hiện các doanh nghiệp vận tải cũng đang phải tính toán để tiết giảm chi phí, đồng thời sử dụng phương tiện tốt hơn, để tiết giảm việc tiêu hao nhiên liệu. Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên không tăng giá cước tùy tiện. Tuy nhiên, sau khi giá xăng tăng chắc chắn giá cước vận tải cũng tăng nhưng phải hợp lý, phù hợp thị trường.

“Hiện nay, nhiên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 35% - 45% trong giá thành các sản phẩm vận tải. Giá xăng, dầu tăng lên giá thành vận tải sẽ tăng theo. Tất nhiên sẽ có độ trễ chứ không phải tăng giá xăng là tăng cước xe ngay được”, ông Thanh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem