“Giải mã” hiện tượng Sabeco

Quốc Hải Thứ năm, ngày 22/12/2016 07:30 AM (GMT+7)
Chào sàn ngày 6.12, cổ phiếu SAB của Sabeco (Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn) đã có đà tăng “điên cuồng” qua 9 phiên liên tiếp (trong đó có 8 phiên tăng trần), nhưng ngay sau đó SAB quay đầu giảm mạnh, từ mức giá “đỉnh” 225.000 đồng/CP xuống chỉ còn 200.800 đồng/CP ở thời điểm hiện tại...
Bình luận 0

img

Kịch bản này cũng giống như mã BHN của Bia Hà Nội khi tăng trần 7 phiên liên tiếp, đạt mức giá 144.700 đồng/CP, tăng hơn 130%. Sau đó, BHN cũng quay đầu giảm giá. Dù vậy, chỉ một thời gian ngắn cổ phiếu BHN lại tiếp tục bật tăng “điên cuồng” với mức giá có thời điểm lên tới 225.800 đồng/CP, vượt qua cả “đỉnh” của SAB.

Thế nên, việc cổ phiếu SAB giao động ở mức giá 200.000 đồng/CP không khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng dù với khá nhiều công ty chứng khoán, mức giá khuyến nghị với SAB chỉ ở mức 140 – 170.000 đồng/CP.

Cung ít, cầu mạnh “thổi” giá dòng bia

Đỉnh của SAB trong các phiên giao dịch vừa qua là ngày 16.12 khi SAB đạt mức giá 225.000 đồng/CP. Với mức giá này, chỉ sau 9 phiên chào sàn, SAB đã tăng tới hơn 115.000 đồng/CP (tăng thêm 104%), một mức độ tăng chóng mặt. Qua đó, đưa vốn hóa thị trường Sabeco đạt tới hơn 144.000 tỷ đồng, trở thành một trong những cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn chứng khoán (chỉ sau Vinamilk) và có sức ảnh hưởng lớn đến diễn biến chung của chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ thì sẽ thấy thanh khoản của SAB hiện nay khá khiêm tốn, phiên cao nhất là phiên 20.12 với gần 400 nghìn cổ phiếu. Ngoài ra, các phiên còn lại thì chỉ vài chục nghìn cổ phiếu, thậm chí phiên 7.12, SAB chỉ có vỏn vẹn 30 cổ phiếu được giao dịch.

Đây cũng là nguyên nhân khiến SAB có đà tăng mạnh như vừa qua khi nguồn cung ít còn lực cầu lại mạnh. Theo thống kê, hiện Bộ Công Thương vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ tới 89,59% cổ phần, kế đến là Heineken nắm giữ khoảng 5% cổ phần. Với cơ cấu cổ đông cô đặc như trên, tỷ lệ tự do chuyển nhượng SAB này trên sàn rất hẹp, chỉ khoảng là 5,41%, tương ứng với 34,69 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, choáng hơn vẫn là BHN với đà tăng còn “vượt” qua “anh cả” SAB. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 16.12, BHN tăng tới 225.800 đồng/CP, tăng hơn 260% so với phiên chào sân. Nguyên nhân BHN có đà tăng “khủng” như thế, theo giới chuyên gia chứng khoán thì cơ cấu cổ đông tại Habeco cũng tương đối cô đặc với tỷ lệ nắm giữ của cổ đông Nhà nước là 81,79%. Vốn góp của Carlsberg là 17,34%; của Indochina Carlsberg Company Limited là 0,15% và 0,72% còn lại là vốn góp của các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác.

Cũng bởi cơ cấu cổ đông khá cô đặc khi lượng cầu nhiều mà nguồn cung ít cũng khiến cho thanh khoản của BHN khá thấp. Lượng cổ phiếu giao dịch của BHN qua gần 2 tháng chào sàn UPCoM cũng chỉ vài chục nghìn cổ phiếu/ngày; có phiên chỉ 100 cổ phiếu được giao dịch.

Trong khi đó, trên một số diễn đàn chứng khoán, những đồn đoán của giới đầu tư về giá cổ phiếu của 2 anh cả ngành bia SAB và BHN có thể đạt tới 500.000 đồng/CP đối với SAB và 300.000 đồng/CP với BHN sau khi 2 doanh nghiệp này chính thức thoái vốn khiến cho nhà đầu tư kỳ vọng “ôm” 2 mã này sẽ “lời khủng” khi nhà nước thoái vốn  khỏi 2 đơn vị này vào năm 2017.

Thị giá có vượt quá giá trị?

Dù mức thị giá của 2 ông lớn ngành bia là SAB và BHN thời gian qua khá cao, có thời điểm vượt mức 200.000 đồng/CP nhưng đa số các công ty chứng khoán, giới chuyên gia lại đưa ra mức giá khuyến nghị mua thấp hơn nhiều.

Cụ thể với SAB, phía Công ty Chứng khoán ACBS bằng phương pháp định giá DCF và P/E đã đưa ra giá khuyến nghị với SAB là 141.581 đồng/CP. Ngoài ra, ACBS cũng dự phóng doanh thu của Sabeco trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 32.212 tỷ đồng (tăng 9%) và lợi nhuận sau thuế đạt 4.799 tỷ đồng (tăng 9,3%).

Trong khi đó, dù dự báo SAB sẽ trở thành cổ phiếu quan trọng trong top 5 bluechip của Việt Nam và có tác động đến toàn ngành bia niêm yết như BHN, WSB, BSP… nhưng phía Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cũng chỉ khuyến nghị mua cổ phiếu SAB với giá mục tiêu 168.653 đồng.

Riêng với cổ phiếu BHN, đa số các công ty chứng khoán đều khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 71.000 đồng/CP với tiềm năng tăng trưởng cổ phiếu là 51%. Tuy nhiên, cuối phiên ngày 21.12, cổ phiếu BHN đang được giao dịch ở mức giá 170.000 đồng/CP, cao hơn 139% so với giá khuyến nghị.

Được biết, thị giá giao dịch cổ phiếu SAB và BHN trên sàn là một trong những căn cứ quan trọng để các cơ quan định giá đưa ra mức giá khởi điểm trong phiên chào bán đấu giá công khai cổ phần Nhà nước tại hai doanh nghiệp này vào năm 2017. Tuy nhiên, với tình hình tăng giá chóng mặt của 2 cổ phiếu này thời gian qua, sẽ rất khó để định giá chính xác giá trị của các cổ phiếu này khi thoái vốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem