“Giảm lãi suất cho vay sẽ tạo gánh nặng cho ngành ngân hàng”

Trần Giang Thứ hai, ngày 10/07/2017 07:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND sẽ tạo gánh nặng cho ngành ngân hàng, cụ thể là tác động tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng do biên độ lợi nhuận bị co lại.
Bình luận 0

Hôm nay, ngày 10.7, quyết định giảm 0,25% các lãi suất điều hành và 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực.

Để hiểu rõ hơn về quyết định giảm lãi suất lần này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam.

Hôm nay, quyết định giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay của NHNN chính thức có hiệu lực. Theo ông, tại sao NHNN lại quyết định giảm lãi suất vào thời điểm này?

- Sau khi có kết quả tình hình tăng trưởng kinh tế cả nước trong 6 tháng đầu năm, mặc dù tăng trưởng quý II có cải thiện so với quý I, nhưng ngay cả xu hướng cải thiện đó cũng cho thấy nếu không có gì thay đổi lớn trong điều hành chính sách thì tăng trưởng cả năm khó đạt mục tiêu 6,7%.

img

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam

Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm, Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành và địa phương phải có hành động chính sách cụ thể. Áp lực lớn rơi vào các cơ quan điều hành chính sách vĩ mô theo hướng phải có những điều chỉnh chính sách để hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh đó, có thể hiểu rằng quyết định hạ lãi suất của NHNN là giúp hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn thông qua giảm các chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Theo ông, quyết định này tác động thế nào tới các chủ thể của nền kinh tế như ngân hàng, doanh nghiệp?

- Điểm quan trọng của quyết định này là giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 0,5%/năm. Đây là định hướng để các TCTD giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các khách hàng của mình, mà chủ yếu là các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lưu động bằng tiền đồng ở những lĩnh vực ưu tiên.

Như vậy, doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn sẽ được hưởng lợi nhờ quyết định này.

Điểm đáng lưu ý ở đây là NHNN không giảm lãi suất tiền gửi. Các mức lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn được giảm đi 0,25%. Các TCTD trong trường hợp cần phải tăng thanh khoản của mình thì có thể vay thông qua kênh tái chiết khấu bằng giấy tờ có giá từ NHNN với lãi suất 4,25%/năm sau khi quyết định có hiệu lực, thấp hơn lãi suất hiện hành.

Tuy nhiên, quyết định giảm lãi suất này sẽ tác động tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng, TCTD. Thực tế, quyết định giảm lãi suất là có ý hỗ trợ cho tăng trưởng. Nhưng NHNN vừa muốn giảm lãi suất, vừa muốn ổn định vĩ mô thế nên ngành ngân hàng sẽ phải gánh gánh nặng. Việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi nhưng giảm lãi suất cho vay sẽ khiến cho biên độ lợi nhuận co lại, lợi nhuận của các TCTD sẽ giảm đi.

Có vẻ như quyết định giữ nguyên lãi suất tiền gửi là vì NHNN không muốn quyết định giảm lãi suất lần này tác động tới tỷ giá thời gian tới?

- NHNN vẫn đặt ưu tiên lớn lên mục tiêu ổn định tỷ giá, và vì vậy không có điều chỉnh gì về trần lãi suất tiền gửi bằng VND. Tín hiệu này cho thấy NHNN vẫn muốn các tổ chức tín dụng duy trì mức lãi suất tiền gửi VND hiện nay để hấp dẫn đối với người gửi tiền.

Hiện tỷ giá vẫn còn nhiều yếu tố tác động, nhất là từ nay đến cuối năm, Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) vẫn có thể điều chỉnh chính sách lãi suất đồng USD tăng lên.

Nếu như NHNN yêu cầu giảm lãi suất tiền gửi đối với các TCTD sẽ tạo sức ép lên tỷ giá. Điều đó cho thấy, NHNN không muốn quyết định này sẽ trực tiếp hay gián tiếp tác động tới tỷ giá trong những tháng cuối năm.

Nhiều quan điểm cho rằng quyết định giảm lãi suất này của NHNN và Nghị quyết xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua sẽ là sự hỗ trợ cho nhau trong thời gian tới. Theo ông, hai quyết định này có hỗ trợ gì nhau và cho ngành ngân hàng?

- Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua nhắm vào việc tháo gỡ những rào cản về mặt pháp lý để các ngân hàng xử lý nợ xấu nhanh hơn, cụ thể là trong việc xiết nợ và xử lý các tài sản đảm bảo và tạo cơ chế thông thoáng hơn cho thị trường mua bán nợ thứ cấp.

Nếu như Nghị quyết này phát huy tác dụng, các ngân hàng tăng tốc được xử lý nợ xấu và nợ xấu giảm thực sự thì sẽ giúp các ngân hàng cải thiện cải thiện được lợi nhuận và củng cố được vốn chủ sở hữu. Đó là nền tảng tốt để các ngân hàng giảm được lãi suất cho vay khi không còn phải dùng nhiều nguồn lực để nuôi nợ xấu. Tuy nhiên, để có được kết quả này thì không thể mong đợi có ngay được trong ngắn hạn.

Trong khi đó, quyết định giảm lãi suất lần này của NHNN lại mang tính ngắn hạn.

Có thể hiểu thế này, Nghị quyết xử lý nợ xấu là theo hướng giúp cho ngân hàng cải thiện lợi nhuận trong trung hạn. Còn quyết định giảm lãi suất lại tạo áp lực giảm lợi nhuận của các ngân hàng trong ngắn hạn.

Cuối ngày 7.7.2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10.7.2017. Theo đó, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.

NHNN cũng quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem