Giảm thuế để “phá băng” thị trường bất động sản

Thứ ba, ngày 13/11/2012 10:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chiều 12.11, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã phải đối mặt với các vấn đề nóng và khó như chuyện thị trường bất động sản đóng băng, vật liệu xây dựng tồn khó, sai phạm của Tập đoàn Sông Đà...
Bình luận 0

Bất động sản: Cơ cấu bất hợp lý

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu vấn đề: Chất lượng công trình xây dựng hiện là vấn đề bức xúc. Nhiều công trình chất lượng kém, nhưng khi xảy ra sự cố mới phát hiện được. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này? Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận: Lãng phí, thất thoát là vấn đề chung, không riêng trong lĩnh vực xây dựng.

img
 

Vấn đề lãng phí trong xây dựng đã có từ lâu, là căn bệnh nan giải và khó khắc phục một cách triệt để. "Chúng ta đang xây dựng một thể chế kinh tế thị trường, xã hội chủ nghĩa nhưng chưa hoàn thiện. Trong Luật Xây dựng, công tác kiểm soát chất lượng công trình được giao cho các chủ đầu tư, nhưng vấn đề quản lý, bảo đảm hiệu quả còn yếu. Quy hoạch có chất lượng còn thấp, chậm, chưa kịp thời. Đó là yếu tố gây lãng phí"- Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Một số vấn đề nóng khác được các ĐB chất vấn là giải pháp khắc phục tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản. Trước vấn đề hỏi này, Bộ trưởng Dũng đánh giá: Cơ cấu bất động sản ở nước ta rất bất hợp lý. Chúng ta thừa những bất động sản cao cấp hoặc trung bình, nhưng lại thiếu bất động sản phục vụ người thu nhập thấp.

Về giải pháp, Bộ trưởng Dũng cho biết: Cần tìm dự án để phân loại. Những dự án chưa giải phóng mặt bằng thì phải dừng lại. Dự án nào đang đầu tư hạ tầng phải tiếp tục cơ cấu lại theo hướng tập trung để phát triển nhà ở xã hội, thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại căn hộ bất động sản theo từng vị trí, khu đô thị để phù hợp với người có thu nhập thấp. Đặc biệt, nên khuyến khích chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, Nhà nước sẽ có hỗ trợ về nhiều mặt.

"Mặt khác, đề nghị ngân hàng tiếp tục cho vay với những người mua nhà, đặc biệt là người mua lần đầu, người mua nhà ở xã hội. Đề nghị Quốc hội giảm thuế VAT với người mua nhà ở lần đầu"- Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Hỏi khó về tập đoàn Sông Đà

Xung quanh câu hỏi của hai ĐB Trần Minh Diệu và ĐB Lê Như Tiến về sai phạm của các tập đoàn thuộc Bộ, trong đó có Tập đoàn Sông Đà, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định đây là câu hỏi khó. Cụ thể, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã hỏi về việc quản lý vốn và tài sản của Tập đoàn Sông Đà cũng như vấn đề "ngành xây dựng có bao nhiêu tổng công ty thua lỗ, thất thoát liên quan đến Tập đoàn Sông Đà. Nguyên nhân và giải pháp khắc phục?".

Sau khi đưa ra nhận định trên, Bộ trưởng Dũng cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá sai phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy không đến mức phải kỷ luật Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà Dương Khánh Toàn. Những việc Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng giao Tập đoàn Sông Đà kiểm điểm, xem xét vi phạm, nếu đến mức kỷ luật thì phải kỷ luật theo quy định hiện hành.

Bổ sung thêm ý kiến về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho hay đã có kết luận thanh tra Tập đoàn Sông Đà Năm 2011, kết thúc vào tháng 3.2012. Vi phạm của Tập đoàn Sông Đà là 10.676 tỷ đồng song số tiền này không hẳn mất đi mà do vi phạm nguyên tắc.

Tổng Thanh tra nhấn mạnh 5 vi phạm của Tập đoàn Sông Đà gồm có: Sử dụng quỹ sắp xếp doanh nghiệp sai mục đích; không hạch toán vốn và tăng lợi nhuận của công ty nhà nước khi chuyển sang công ty cổ phần; không tính quỹ dự phòng tổng thất các khoản tổn thất tài chính; đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ; chậm nộp ngân sách.

Sáng nay (13.11), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tiếp tục trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của các ĐBQH về những vấn đề liên quan đến chất lượng công trình xây dựng, tôi thấy Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chủ yếu đổ lỗi cho những lý do khách quan như do Luật Đất đai đang hoàn thiện, một loạt các luật khác cũng được xây dựng... Ông Dũng chưa nói rõ, chưa nhận thức được vai trò, trách nhiệm của cá nhân mình trong việc điều hành, quản lý công việc ở Bộ Xây dựng.

Nói về tình trạng thị trường bất động sản bị đóng băng và giải pháp tháo gỡ, tôi thấy Bộ trưởng rất có lý khi cho biết: “Cần tìm dự án để phân loại. Những dự án chưa giải phóng mặt bằng thì phải dừng lại. Nhưng điều chúng tôi băn khoăn là tại sao mấy năm trước Bộ lại cho phát triển nhà thương mại một cách ồ ạt mà không quan tâm đến nhà ở xã hội. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh còn hàng trăm ngàn căn hộ thương mại ế ẩm. Trong khi đó, nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp tìm “đỏ mắt” cũng không có. Nghịch lý này tồn tại đã lâu, sao nay mới đem ra bàn?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem