HAGL của bầu Đức: Từ “tối hậu thư” tới dấu hỏi khả năng hoạt động Tập đoàn

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 02/04/2018 12:01 PM (GMT+7)
Trong BCTC hợp nhất đã kiểm toán của HAGL, kiểm toán viên có nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn. Dựa trên yếu tố nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn là 3.526 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.
Bình luận 0

img

Sau gần 2 tháng bị UBCKNN nhắc nhở, 2 công ty của bầu Đức đã công bố BCTC năm 2017 đã kiểm toán 

Gần 2 tháng sau khi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính năm 2017 đã kiểm toán đối với hai công ty do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT. Ngày 31.3.2018, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) Hợp nhất đã kiểm toán năm 2017, BCTC Tổng hợp đã kiểm toán năm 2017 và văn bản giải trình chênh lệch kết quả hoạt động kinh doanh giữa BCTC tổng hợp năm 2017 và BCTC tổng hợp năm 2016 đã được kiểm toán...

“Tối hậu thư” của UBCKNN và lợi nhuận giảm 3 lần sau kiểm toán

Trong hơn 2 năm qua, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (mã HAG - HOSE) liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. Cụ thể, tính tới tháng 5.2017, Hoàng Anh Gia Lai đã 3 lần chậm công bố báo cáo tài chính, liên tục bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở.

img

Công ty bầu Đức liên tục chậm nộp BCTC trong hơn 2 năm qua

Trong đó, Hoàng Anh Gia Lai chậm công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2016, báo cáo kiểm toán riêng và hợp nhất năm 2016, báo cáo thường niên năm 2016 và báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý I.2017.

Theo thông tin từ Hoàng Anh Gia Lai lúc đó, việc nộp chậm báo cáo tài chính quý IV.2016 là do do thời gian nộp báo cáo cận với lịch Tết cổ truyền nên tập đoàn không kịp tiến độ báo cáo tài chính như quy định. Đến ngày 12.2.2017, Tập đoàn đã hoàn thành và công bố các báo cáo này.

Với báo cáo kiểm toán riêng và hợp nhất 2016, Hoàng Anh Gia Lai cho rằng đã gặp khó khăn trong việc hoàn thành và công bố theo quy định. Lý do là tập đoàn kinh doanh nhiều ngành nghề, có nhiều công ty con, công ty liên kết ở nước ngoài như Lào, Campuchia, Myanmar.

Việc chậm báo cáo tài chính quý I.2017, Hoàng Anh Gia Lai cũng cho biết đang gấp rút hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Bước sang năm 2018, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục trễ hẹn trong việc nộp báo cáo tài chính kiểm toán. Ngày 6.2.2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) và Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HNG) nhắc nhở việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm liên tiếp.

Theo đó, HAGL và HAGL Agrico sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu vẫn chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 bởi hai năm trước đó (năm 2015 và 2016) cả hai doanh nghiệp này đều đã chậm nộp BCTC kiểm toán.

Song sau đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai được gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính năm 2017 đã kiểm toán trong thời hạn 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, nhưng không quá 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC ngày 6.10.2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

img

Một số chỉ số tài chính của HAGL Agrico, công ty do HAGL nắm gần 70% cổ phần

Sau gần 2 tháng kể từ ngày được UBCKNN gia hạn, hai doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã công bố báo cáo tài chính năm 2017 được kiểm toán bởi hãng kiểm toán E&Y.

Đối với HAGL, sau kiểm toán, lãi hợp nhất năm 2017 “bốc hơi” tới 661 tỷ đồng, giảm từ mức lãi 1.032,5 tỷ đồng xuống còn 371,6 tỷ đồng.

HAGL đã có văn bản giải trình về sự chênh lệch nói trên. Theo đó, sự chênh lệch này này chủ yếu đến từ việc tăng chi phí khác do dự phòng thanh lý Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 là 134,2 tỷ đồng; tăng chi phí chuyển đổi vườn cây cọ dầu sang trồng cây ăn trái của các công ty con bên Lào gần 50,3 tỷ đồng; tăng chi phí chăm sóc vườn cây cao su, cây ăn trái gần 91 tỷ đồng và tăng chi phí thanh lý tài sản gần 10 tỷ đồng.

Khoản chi phí tài chính của HAGL cũng đã tăng do chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lại của các công ty con trên 130,4 tỷ đồng; thuế nhà thầu tại nhóm công ty Lào, Campuchia tăng gần 12,8 tỷ đồng.

Về phía HAGL Agrico, sau kiểm toán, hầu hết các khoản mục trên báo cáo kết quả kinh doanh của HNG đều có sự điều chỉnh. Khoản doanh thu thuần chỉ giảm nhẹ 27 tỷ đồng nhưng khoản lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm đến 43% còn 527 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế tại BCTC đã kiểm toán đã giảm 509 tỷ đồng xuống 441 tỷ đồng.

HAGL giải trình chi phí tài chính tăng do chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lại của các công ty con hơn 114 tỷ đồng. Chi phí chăm sóc vườn cây cao su tăng hơn 85 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn

Trong BCTC hợp nhất đã kiểm toán của HAGL, kiểm toán viên có nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn. Dựa trên yếu tố nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn là 3.526 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.

Đối với khoản thu ngắn hạn và dài hạn từ Công ty CP Đầu tư BĐS An Phú, và các bên liên quan với tổng trị giá 10,57 tỷ đồng, khoản trả trước cho người bán trị giá 28,46 triệu đồng, khoản phải thu từ cho vay 47,2 triệu đồng đã được HAGL ghi nhận, đơn vị kiểm toán cho biết không thể thu thập đủ bằng chứng kiểm toán để xác định khả năng thu hồi 4.023 tỷ đồng trong các số dư trên.

img

Công ty kiểm toán đặt nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty bầu Đức

Về phía HAGL, Tập đoàn cho biết đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng đầu tư mạnh vào mảng cây ăn trái và tham gia vào chuỗi giá toàn cầu bằng các kênh xuất kh u trực tiếp sang các thị trường lớn, củng cố mảng cao su, thanh lý mảng thủy điện, đàm phán với đối tác để bán dự án Myanmar.

Ngoài ra, Công ty cũng đang xúc tiến nghiệp vụ phát hành chứng khoán để huy động vốn nhằm giải quyết khó khăn về thanh khoản. Công ty cũng đang bàn bạc với các ngân hàng có liên quan để điều chỉnh các điều khoản ràng buộc trong các hợp đồng tín dụng không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Vì vậy, HAGL tin rằng Công ty sẽ vượt qua khó khăn và tiếp tục lập báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem