Vụ FLC xua đuổi ngư dân: “Không giao bãi biển cho một ai cả”

Hồng Đức Thứ tư, ngày 02/03/2016 16:50 PM (GMT+7)
Tại buổi họp báo chiều nay (2.3), đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, bãi biển mà Tập đoàn FLC Thanh Hóa xây khu khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tỉnh đã giao cho thị xã Sầm Sơn quản lý, tỉnh không gịao cho bất cứ cá nhân nào cả.
Bình luận 0

Chiều nay, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo về vụ việc liên quan đến hàng trăm người dân kéo lên tụ tập trước trụ sở UBND tỉnh, phản đối Tập đoàn FLC vì đã cho người xua đuổi ngư dân xuống cào ngao, đánh cá dưới biển, gần khu vực của Tập đoàn FLC.

img

Ông Ngô Văn Tuấn - Phó  Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì cuộc họp báo.

Tại buổi họp báo, ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - thông tin: “Dự án quy hoạch phía Đông đường Hồ Xuân Hương có tổng vốn 315 tỷ, nên tỉnh Thanh Hóa thống nhất hình thức BOT, để xây dựng các ki-ốt, công trình phục vụ du lịch. Hiện tỉnh đã phê duyệt dự án và lựa chọn nhà đầu tư. Theo chỉ đạo của ban lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, dự án này sẽ phải hoàn thành trước 30.4.2016, để kịp khai thác du lịch mùa hè Sầm Sơn…”.

Cũng theo ông Tuấn, liên tiếp từ ngày 26.2 đến ngày 2.3, nhiều công dân của xã Quảng Cư và phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn) đã kéo lên trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa phản đối việc chính quyền giao cho doanh nghiệp khai thác tuyến bờ biển sầm uất nhất Sầm Sơn. Việc này khiến cho người dân địa phương lo “mất kế sinh nhai”, đặc biệt, ngành nghề đánh bắt cá của ngư dân cũng gặp khó khăn vì theo quy hoạch, lối ra biển và neo đậu tàu thuyền của ngư dân phải đi rất xa so với bến đỗ truyền thống.

Ngày 1.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã tiếp xúc và trao đổi với đại diện nhân dân xã Quảng Cư và phường Trung Sơn để giải quyết những thắc mắc và sau đó tỉnh cũng đã có quyết định ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư, phường Trung Sơn và phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng của dự án.

img

Đến chiều nay, hàng trăm người dân vẫn tập trung trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, chưa đồng ý với phương án giải quyết của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến chiều nay, nhiều người dân vẫn tập trung trước cổng UBND tỉnh.

Nhiều ý kiến của các phóng viên báo chí nêu: Tại sao dự án này đã được thực thi từ năm 2014, nhưng mãi đến mấy ngày qua khi người dân kéo nhau lên cổng trụ sở ủy ban tỉnh thì UBND tỉnh Thanh Hóa mới ban hành quyết định hỗ trợ ngư dân ở đây? Ông Tuấn cho rằng: “Toàn bộ bãi biển là do tỉnh giao cho UBND  thị xã Sầm Sơn quản lý, chứ không giao riêng cho ai cả. Còn vấn đề xây dựng chính sách hỗ trợ, quy hoạch bãi biển và bến tàu, thuyền là do tỉnh vận dụng chính sách tối đa cho ngư dân”.

Liệu người dân được nhận tiền hỗ trợ xong, thì kế sinh nhai lâu dài sẽ giải quyết như thế nào? Ông Tuấn nói, ngư dân tự nguyện nhận tiền hỗ trợ (khoảng 50% số ngư dân được hỗ trợ) thì họ đã có kế hoạch và chuyển đổi ngành nghề cho cuộc sống sau này. Khoảng 30%  đã đồng ý theo phương án tỉnh hỗ trợ ngành nghề sau khi quy hoạch làng nghề. Còn lại 20% là số người cần đóng tàu, thuyền mới để ra khơi, bám biển mưu kế sinh nhai.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay ông chưa thể trả lời ngay được việc tỉnh có dành khoảng 500m2 mặt nước để làm nơi neo đậu tàu thuyền cho ngư dân hay không. Ông Tuấn sẽ ghi nhận và báo cáo lãnh đạo tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem