Hưởng lợi cuộc chiến Mỹ- Trung: Đại gia Nam Định trở lại ngoạn mục

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 06/10/2019 07:55 AM (GMT+7)
Trong gần 3 tháng qua, cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone là một trong những cái tên “hot” trên thị trường, thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư khi thị giá cổ phiếu tăng tới gần 75% và vượt 100 nghìn đồng/cp. Khối tài sản của Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng cũng có thêm hàng nghìn tỷ đồng.
Bình luận 0

Công ty Cổ phần Vicostone (Mã: VCS) do ông Hồ Xuân Năng làm Chủ tịch HĐQT vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính quý III/2019. Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu VCS vẫn đứng trên ngưỡng 106.000 đồng/cp.

Vicostone hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung

Theo đó, VCS ghi nhận 1.473 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 38,6% so với cùng kì năm 2018. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 408 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 350 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 29,7% và 29,9%.

Trong 6 tháng đầu năm, Vicostone ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.526 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt 783,4 tỷ đồng và 670,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 29,4% và 28,7%.

img

Như vậy, sau 9 tháng đầu năm Vicostone ước đạt 3.999 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24% so với thực kết quả 8 tháng đầu năm 2018. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 1.191 tỷ đồng và 1.020 tỷ đồng, cùng tăng trưởng ở mức 29%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm năm 2019, Vicostone đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến 5.310 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.565 tỷ đồng. Với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, ước tính Vicostone đã thực hiện được 75,3% kế hoạch kinh doanh và 65,1% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCS của doanh ngiệp ông Hồ Xuân Năng ghi nhận đã tăng tới gần 75%, vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu trong 3 tháng trở lại đây. Đây là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất trên cả 3 sàn chứng khoán trong thời gian vừa qua.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Đại Nam (DNSE) trong báo cáo phân tích mới đây, Vicostone của ông Hồ Xuân Năng có khả năng hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Lên sàn HNX năm 2007, Vicostone hiện là công ty con của Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa). Lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Vicostone là sản xuất kinh doanh đá nhân tạo gốc thạch anh (Quartz Surface). Hai nhóm sản phẩm chính bao gồm đá tấm và đá mài cắt.

Phần lớn doanh thu của Vicostone đến từ xuất khẩu. Năm 2018, hoạt động xuất khẩu chiếm hơn 98% doanh thu của doanh nghiệp này. Các thị trường chính gồm có: châu Mỹ, châu Âu và châu Úc, trong đó châu Mỹ là thị trường lớn nhất của Vicostone, chiếm 66% doanh thu năm 2018. Châu Úc đứng thứ hai với tỷ trọng doanh thu 21% và sau đó là châu Âu với 11%.

DNSE phân tích, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc là nước xuất khẩu đá tấm thạch anh lớn nhất vào Mỹ nhờ giá bán thấp.

Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, vào tháng 9/2018, mặt hàng đá tấm thạch anh Trung Quốc bị áp thuế 10%. Cũng trong tháng 9/2018, đá tấm thạch anh Trung Quốc tiếp tục bị đánh thuế chống trợ cấp từ 34,38% đến 178,45% và tháng 11/2018 mặt hàng này chịu thêm thuế chống bán phá giá từ 242,1% đến 314,1% tùy vào nhà sản xuất.

Tiếp tục vào tháng 5/2019, mức thuế đánh vào đá tấm thạch anh Trung Quốc tăng từ 10% lên 25%.

Mới đây, vào ngày 3/9/2019, Mỹ đã lên kế hoạch nâng mức thuế này từ 25% lên 30% và có hiệu lực vào đầu tháng 10/2019.

img

Giá nhập khẩu đá tấm thạch anh (đã bao gồm các loại thuế, phí liên quan) từ Trung Quốc vào Mỹ tăng mạnh từ quý III/2018

Theo số liệu từ Ủy ban Hiệp thương quốc tế Hoa Kỳ (USITC) và Bộ thương mại Hoa Kỳ, tính đến hết quý II/2019, gần như 100% doanh nghiệp đá tấm thạch anh Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu. Các loại thuế bao gồm thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Có thể thấy giá bán đá tấm thạch anh Trung Quốc tăng mạnh từ quý III/2018. Cụ thể, giá bán quý II/2019 cao gấp 3,4 lần so với giá bán quý III/2018 lúc đá tấm thạch anh Trung Quốc chưa bị áp các loại thuế.

Tính đến quý II/2019, giá bán đá tấm thạch anh Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với các nước khác và cao gấp 2,6 lần so với Việt Nam.

Do sự biến động của giá bán, từ tháng 9/2018, tỷ trọng nhập khẩu đá tấm thạch anh của Mỹ từ Trung Quốc giảm mạnh và đạt mức thấp nhất 0,14% vào tháng 7/2019. Tính đến thời điểm hiện tại, gần như đá tấm thạch anh Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ do giá bán sau áp thuế quá cao và để lại miếng bánh thị phần khoảng 60% cho các nước còn lại bao gồm Ấn Độ, Tây Ban Nha, Việt Nam, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ,…

"Như vậy, có thể thấy sản phẩm đá tấm thạch anh của Vicostone có thể được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhờ miếng bánh thị phần 60% mà Trung Quốc để lại, từ đó giúp Vicostone tăng doanh số và mở rộng thị phần trong thời gian tới", DNSE đánh giá.

 Con đường “trở lại” của đại gia Nam Định Hồ Xuân Năng

Khi nói đến Vicostone (VCS), không thể không nói đến ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT, người được coi là linh hồn của Vicostone. Vicostone cũng là doanh nghiệp đưa tên tuổi ông Hồ Xuân Năng trở thành người giàu trên thị trường chứng khoán với khối tài sản nghìn tỷ khi thị giá cổ phiếu VCS không ngừng tăng trưởng.

img

Ông Hồ Xuân Năng

Cụ thể, trong 3 năm, kể từ khi ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của Vicostone (VCS), một trong những công ty lớn nhất thế giới về đá ốp nhân tạo cao cấp hiện nay, thị giá cổ phiếu VCS đã tăng tới 143% và tiếp tục tăng trưởng trong 3 tháng đầu 2018.

Tính đến phiên 29/3/2018, VCS đã thiết lập đỉnh tại mức giá 262.500 đồng/cp, tăng 4% so với đầu năm, vượt qua SAB và VCF, trở thành cổ phiếu có giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thi giá cổ phiếu tăng mạnh, ông Năng trở thành người giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán Việt Nam với giá trị tài sản trên 14.000 tỷ đồng (trực tiếp và gián tiếp).

Nếu tính theo mức giá 140.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) vào đầu tháng 4/2018, khi chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán (TTCK) ở đỉnh lịch sử 1.200 điểm, đại gia này có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu VCS trị giá ước khoảng 18.760 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, ông Hồ Xuân Năng được xem là một trong những doanh nhân có tốc độ giàu nhanh hàng đầu trên TTCK Việt Nam. Mặc dù tại ĐHCĐ 2018 ông Hồ Xuân Năng cho biết: “Tôi không bao giờ mong muốn xuất hiện trong danh sách tỷ phú đô la. Tôi chỉ muốn là người bình thường.”

img

Thị giá cổ phiếu VCS kể từ đầu tháng 6 tới nay

Thế nhưng, chỉ chưa đầy1 năm sau, ông Năng không còn được nhắc đến nhiều bởi sự xuất hiện của hàng loạt đại gia khác. Thời điểm này, thị giá của VCS “rơi” giao dịch quanh mốc 60.000 đồng/cổ phiếu, khối tài sản của ông Hồ Xuân Năng cũng “bốc hơi” quá nửa và chỉ còn khoảng trên 8,1 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi thị giá cổ phiếu VCS vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu, ông Hồ Xuân Năng trở lại là “ngôi sao” trên thị trường chứng khoán trong 2 tuần vừa qua khi khối tài sản trên sàn của ông Năng vượt mốc 12 nghìn tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem