Khi giá dầu "mặc váy" thì làm sao dò ra đáy

Trần Phi Tuấn (Thế giới tiếp thị) Thứ bảy, ngày 30/01/2016 14:00 PM (GMT+7)
Cung lớn hơn cầu nhưng các nhà sản xuất vẫn điên cuồng bơm dầu lên…
Bình luận 0

img

IMF cho rằng Arập Saudi theo đà hiện nay có thể phá sản vào năm 2020. Trong ảnh, dầu mỏ ở Saudi. Ảnh: TL

Từ đỉnh hơn 140 USD/thùng hồi năm 2008, giá dầu hiện tại còn chưa đầy 27 USD/thùng và các dự báo cho thấy đấy chưa phải là đáy. Dễ thường, khi cung lớn hơn cầu giá rớt, và cách cứu giá là cắt giảm sản lượng.

Thế mà vua dầu Arập Saudi vẫn điên cuồng bơm dầu lên. Hồi tháng 12/2015, mỗi ngày nước này cho ra một sản lượng lên tới 10,3 triệu thùng/ngày.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã cảnh báo: cung quá lớn. Năm 2015, thế giới sản xuất ra độ 96,3 triệu thùng dầu/ngày mà nhu cầu chỉ có 94,5 triệu thùng/ngày. 1,8 triệu thùng/ngày thừa đó được đưa vào các kho dự trữ. Cho dù người ta xây thêm các kho trữ dầu nhưng do nguồn dầu nhiều quá khiến cho dầu dễ tràn. Chỗ duy nhất để chứa dầu thừa đó là các thùng ở ngoài khơi.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn về Iran, quốc gia từng là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của OPEC, vừa được bãi bỏ cấm vận. Iran, Bloomberg dẫn nguồn từ IEA nói rằng hồi năm 2011 mỗi ngày xuất khẩu chừng 2,6 triệu thùng, đến 2014 chỉ còn 1,4 triệu thùng, nay đang nôn nóng lấy lại vị trí số hai.

Trong vòng vài tháng tới, Iran có thể cung cấp chừng 300.000 thùng/ngày cho thị trường, sau đó là 500.000 và rồi 1 triệu thùng/ngày, và có khả năng gấp mấy lần con số đó.

Theo tờ Economist của Anh, các đội tàu dầu sức chứa 50 triệu thùng mấy tháng qua neo đậu tại Kharg, một hòn đảo ngoài khơi của Iran đang sẵn sàng xung trận.

Còn nhớ, hồi năm 2008, với cơn khát năng lượng của Trung Quốc và châu Á, rất nhiều lo ngại về một cuộc khủng hoảng thiếu dầu. Nhà nhà, người người đổ xô đi tìm các nguồn dầu ở xa, tận đáy sâu, ở những nơi trước đó không ai nghĩ là có thể khai thác được, đổ hàng trăm tỷ USD vào đó, cứ sợ nếu chậm chân thì sẽ mất cơ hội vậy.

Vậy mà giờ thì lại là một nỗi sợ khác khi có quá nhiều dầu. Nhưng đáng sợ hơn là người Arập Saudi đang muốn nhấn chìm thế giới trong dầu rẻ.

Giá dầu giảm sâu đang ăn mất lợi nhuận của nhiều ông lớn, nhất là những công ty khai thác dầu có chi phí cao. Giá càng thấp thì khai thác càng lỗ. Và bơm thêm dầu rẻ vào thị trường chính là tuyệt kỹ phi đao hạ gục nhanh tiêu diệt gọn các đối thủ của người Arập.

Một mục tiêu đang được nhắm đến chính là các công ty khai thác dầu sử dụng công nghệ đá phiến của Mỹ. Mỗi ngày, các nhà khai thác đá phiến ở Mỹ đưa ra thị trường chừng 4,2 triệu thùng. Là đã cắt giảm chừng 600.000 thùng.

Tuyệt kỹ phi đao của người Arập Saudi thực ra không phải là mới mà đã được sử dụng đến vài lần. Như hồi giữa thập niên 1980, một cuộc chiến giá dầu nổ ra khi các thành viên OPEC dùng dầu rẻ để chơi các nhà sản xuất ở biển Bắc, nhưng thất bại.

OPEC muốn làm cuộc cách mạng đảo chính giành thị phần của các quốc gia biển Bắc, nhưng kết thúc bằng việc tự hại nhau, và càng khiến giá dầu giảm sâu. Phải mất nhiều năm sau đó giá dầu mới hồi phục trở lại.

Có người ví von chuyện hạ giá dầu đó giống như câu chuyện mổ bụng tự sát của người Nhật vậy. Hầu như ai cũng biết đến một giải pháp để giải quyết vấn đề là cắt giảm sản lượng để cứu giá. Ai cũng hiểu nhưng chẳng ai làm cả.

Dù vậy thì kiểu mổ bụng đó vẫn chưa phải là tự sát và cũng chưa khiến đối thủ tự diệt. Có chăng là giới khai thác đá phiến ở Mỹ cũng giảm một ít, chừng 400.000 thùng/ngày. Nhưng tính chung, theo IEA, Mỹ là quốc gia tăng sản lượng lên tới 900.000 thùng/ngày.

Các chuyên gia trong ngành cho biết khi giá dầu ở 30 USD/thùng thì chỉ khoảng 6% sản lượng dầu khai thác trên thế giới là không có lãi thôi. Cho đến hiện tại, các công ty dầu đá phiến vẫn chưa chịu chết, các công ty khai thác ở vùng sâu vùng xa vốn được cho là đắt đỏ hơn cũng chưa chịu thua.

Chỉ có một số ít là ngưng lại. Dĩ nhiên, các đại công ty cũng cho đóng băng các dự án khai thác dầu ngoài khơi xa trị giá đến 380 tỷ USD.

Những kẻ phá bĩnh công nghệ đá phiến này, dù chỉ chiếm chừng 5% sản lượng dầu trên thế giới, nhưng đã thực sự làm một cuộc cách mạng, vượt qua mặt những tay chơi thượng thặng ở Trung Đông. Và điều đó đang gây nên một cơn bão ghê gớm quét phăng nguồn ngân sách của nhiều quốc gia sống dựa vào dầu.

Hùng mạnh như Arập Saudi, thì các ông hoàng tỉ phú xứ này cũng thâm hụt ngân sách đến 15%, và phải tính đến chuyện cắt giảm chi tiêu công. Gấu Nga thì thôi rồi, coi như giảm 10% chi tiêu công vì giá dầu. Venezuela ở Mỹ Latinh đang lâm vào khủng hoảng, và giá dầu đi xuống như một gáo nước lạnh tạt vào lạm phát phi mã đến 140% của quốc gia này, khiến chính phủ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế.

Chính phủ Nigeria cũng coi như cạn ngân sách vì thu từ dầu chiếm đến 70% nguồn thuế của nước này. Các đại gia khai thác dầu đành đóng băng các dự án khai thác dầu ở các vùng xa xôi và có thể sẽ phải cắt giảm nhân công.

Hãng Shell vẫn chưa có ý định ngưng thăm dò dầu ở Bắc Cực và ở Canada, nhưng sản lượng chỉ 2,9 triệu thùng/ngày năm 2015 là quá ít so với những năm trước đó vốn lên đến 3,1 triệu/thùng/ngày. Trong cái nghề khai thác dầu này có khi ngưng khai thác lại còn thiệt hại hơn là khai thác để bán với giá rẻ.

Kinh tế thế giới, theo lẽ thường, sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Thế nhưng gặp lúc thị trường chứng khoán cũng khá điên đảo, từ Trung Quốc cho đến khắp nơi, nên các lạc quan về giá dầu kích thích tăng trưởng vẫn chưa thành hiện thực.

Còn giá dầu dường như vẫn đang mặc váy nên chưa ai dò ra đáy cả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem