Khó khăn nguồn vốn cho các công trình điện

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 28/03/2016 17:00 PM (GMT+7)
Năm nay, dự báo việc thu xếp vốn cho các công trình điện sẽ rất khó khăn. Để giải quyết, trước mắt EVN sẽ ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm, các công trình phải hoàn thành trong năm 2016.
Bình luận 0

­­­       10 tỷ USD/năm phát triển nguồn và  lưới điện

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 với mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm giai đoạn 2016 - 2030.

imgTrung bình mỗi năm cần khoảng 10 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện. ảnh: I.T

Theo đó, tổng vốn đầu tư của phát triển nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức BOT) giai đoạn 2016 - 2030 khoảng 3,2 triệu tỷ đồng (tương đương 148 tỷ USD). Như vậy, từ nay đến 2030, trung bình mỗi năm cần khoảng 10 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện.

 Để giải quyết vốn cho các công trình điện trong năm 2016, EVN đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện, làm cơ sở thực hiện các dự án; vay vốn ODA làm nguồn ngân sách cấp cho các chủ đầu tư để đảm bảo nguồn vốn thực hiện đúng tiến độ các dự án điện nông thôn giai đoạn 2016 – 2020...

Quy hoạch cũng đề ra chủ trương tập trung đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện.

Cụ thể, ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp (chống lũ, cấp nước, sản xuất điện)... Đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà.

Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp. Trong đó, khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện.

Phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm bảo đảm ổn định cung cấp điện trong tương lai khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước bị cạn kiệt. Cụ thể, đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành năm 2028.

EVN cần được hỗ trợ

Phát biểu tại buổi gặp mặt các đối tác quốc tế cuối tháng 1.2016, ông Đặng Hoàng An - Tổng Giám đốc EVN khẳng định: Mục tiêu của EVN là đảm bảo cung ứng điện cho quá trình CNH - HĐH của Việt Nam cũng như phục vụ đời sống nhân dân, đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống điện, phấn đấu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Để đạt được mục tiêu này, trung bình mỗi năm EVN cần khoảng 6 tỷ USD, chưa kể vốn đầu tư của các doanh nghiệp khác vào phát triển kết cấu hạ tầng hệ thống điện. Trong khi đó, các tác động do điều chỉnh tỷ giá USD/VND trong năm 2015, tăng giá bán than cho sản xuất điện từ năm 2016, tăng giá khí trong bao tiêu, tăng thuế tài nguyên nước, tăng chi phí cho môi trường rừng là những yếu tố chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành. Đó sẽ là những yếu tố tạo áp lực rất lớn đối với tình hình tài chính của Tập đoàn.

Ông Đặng Hoàng An cho biết, EVN kỳ vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và tài chính, kịp thời bổ sung nguồn vốn, đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình điện./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem