Kịch bản nào cho ngành sữa "thiếu-thừa"?

Hương Loan Thứ ba, ngày 12/04/2016 16:07 PM (GMT+7)
Tương lai ngành sữa Việt Nam sẽ ra sao khi phải đối diện với nhiều thách thức như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sữa kém, năng suất thấp, cùng với sức ép cạnh tranh lớn từ sữa ngoại nhập...
Bình luận 0

Đây là nhận định hội thảo “Xây dựng kịch bản cho ngành sữa Việt Nam” vừa diễn ra.

img

Bà Nguyễn Mai Hương, PGĐ Trung tâm phát triển nông thôn, Viện chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, thời gian qua ngành sữa trong nước phát triển rất nhanh, có sự chuyển dịch về quy mô từ nhỏ sang lớn, giảm dần hộ chăn nuôi quy mô nhỏ từ 1-10 con (còn khoảng 36-37%). Tuy nhiên, chăn nuôi bò sữa chủ yếu vẫn là các hộ gia đình (95%), còn lại ít là các cơ sở chăn nuôi nhà nước và liên doanh, vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu sữa ngày càng tăng trong nước.

Sản lượng sữa hiện nay mới đạt khoảng 5 kg (lít) sữa tươi/người/năm, trong khi nhu cầu tổng tiêu dùng sản phẩm quy đổi ra sữa là 15 kg (lít)/người/năm. Việt Nam đang phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu sữa nhập khẩu từ New Zealand, Hoa Kỳ và Hà Lan.

Sữa nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu song nghịch lý là người nông dân lại không bán được sữa nguyên liệu. Chi phí nuôi bò sữa cao, chất lượng sữa thấp khiến sữa nội không thể cạnh tranh với sữa ngoại và nguyên liệu sữa ngoại nhập, thậm chí phải đổ bỏ.

Ông Bruno Dorin, nhà kinh tế học của CIRAD cho biết, tổ chức FAO dự báo, vào năm 2030, 100% sữa trên thế giới sẽ được sản xuất bởi các siêu trang trại (500 con trở lên), với sản lượng sữa ngày một lớn và lao động trong ngành sữa ngày một ít đi. Điều này đặt thách thức lớn cho Việt Nam nếu không cải tiến ngành chăn nuôi bò sữa. Tại Việt Nam, hàng chục nghìn trang trại bò sữa hiện có dự báo sẽ phải rút xuống còn chưa đầy 100 trang trại cỡ lớn, người làm việc cũng giảm xuống 1/3.

“Việt Nam phải nhìn vào tương lai để cơ cấu ngành chăn nuôi bò sữa, quy hoạch diện tích đồng cỏ lớn để có thể áp dụng mô hình phát triển các siêu trang trại, mới mong có sức cạnh tranh, xóa bỏ nghịch lý thếu-thừa nêu trên”-vị chuyên gia này cho biết.

Để xây dựng được chuỗi giá trị ngành sữa, các chuyên gia quốc tế cho rằng, ngay từ bây giờ, DN sữa Việt Nam phải xây dựng chuỗi khép kín từ người chăn nuôi đến thu gom, vận chuyển và sản xuất, quản lý từ con bò tới an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt quá trình.

Cần có vai trò của nhà nước để có hỗ trợ nông dân, DN, giúp người tiêu dùng hiểu được lý do phải dùng sữa. “Nghịch lý là giá các loại nước giải khát tại Việt Nam đang đắt hơn sữa nhưng người tiêu dùng vẫn không lựa chọn sữa để tẩm bổ cho sức khỏe, lỗi này chính là do DN, người dân chưa nhận thức đúng về giá trị của sữa”, ông Bruno Dorin nói.

Tại hội thảo này, các DN sữa cũng nêu rằng, ngành sữa trong nước muốn thay đổi phải có thời gian và chính sách từ phía Nhà nước, như chuyển dịch cơ cấu, có quỹ đất cho chăn nuôi bò sữa. Người nông dân cần thay đổi thói quen, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sữa, như vậy giá thành mới thấp, mới tăng sức cạnh tranh được.

Bà Cao Thị Minh Xuân, Hội chăn nuôi bò sữa xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội cho rằng, để tương lai ngành sữa “sáng sủa” hơn cần thiết phải có chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ. Hội nhập đang buộc nông dân giảm chi phí sản xuất sữa thấp xuống để tăng sức cạnh tranh và bán được hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem