Lãi suất giảm, phân khúc nhà để ở sẽ “ấm” lên

Trần Thanh (Thế giới Tiếp thị) Thứ ba, ngày 22/07/2014 06:56 AM (GMT+7)
Thống kê toàn ngành ngân hàng cho thấy, đến cuối tháng 5.2014, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt hơn 1%, trong khi huy động vốn trên 4%. Bước sang tháng 6, chưa có số liệu chính thức, nhưng lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, tiền gửi tiết kiệm có dấu hiệu chững lại, giảm nhẹ so với tháng trước đó. Nguyên nhân được cho là lãi suất tiền đồng đã giảm khá mạnh
Bình luận 0

TS Trần Du Lịch, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm khó có thể giảm thêm nhiều so với mức trần (6% với tiền gửi ngắn hạn) hiện nay. Vì nếu giảm sâu thêm, khó có thể tránh được tình trạng tiền đồng chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác, nhất là với phân khúc nhà ở.

Hiện nhiều cá nhân có nhu cầu nhà để ở đã tính đến việc rút tiết kiệm mua nhà hoặc vay thêm tiền ngân hàng để mua khi lãi suất giảm. Lãnh đạo VietABank cũng nhận xét, với mức trần lãi suất 6%/năm hiện nay nhiều người cũng sẽ lựa chọn trong việc gửi tiết kiệm hay bỏ vốn vào các kênh đầu tư khác, nhất là với bất động sản.

img
Khác với trước đây, người dân chỉ mua căn hộ để ở thay vì mua đầu tư. Ảnh: TL

 

Thực tế này khiến đa số các ngân hàng đang cạnh tranh khá quyết liệt về thị phần tiền gửi thông qua các chương trình khuyến mãi, gia tăng tiện ích cho khách hàng. Chẳng hạn như VIB gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất thưởng lên tới 10%/năm, cho kỳ hạn tiền gửi chỉ 7 tháng. Từ ngày 1.7, Sacombank cũng có chương trình tặng tiền cho khách hàng giới thiệu khách hàng mới đến gửi tiền...

Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch, giá cả nhà, đất hiện đã phần nào hợp lý hơn so với trước và người mua có thể chấp nhận, đặc biệt là khi lãi suất tiết kiệm tiền đồng không còn cao như trước, đồng thời lãi suất cho vay cũng giảm dần nên những người có nhu cầu nhà ở thực sự sẽ rút tiền mua nhà hoặc vay thêm nếu không đủ tài chính. Mặt khác, ông Lịch cho rằng, ngoài tiết kiệm các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn, kể cả tỷ giá khó có thể đáp ứng được kỳ vọng về điều chỉnh biên độ nên tiền nhàn rỗi sẽ chuyển hướng sang bất động sản.

Theo khảo sát của TGTT, các khu vực quận 2, 9, Thủ Đức… đang là tâm điểm của nhiều người có nhu cầu về nhà để ở nhắm đến. Trong đó, với dòng sản phẩm Ehome của công ty Nam Long nằm trên địa bàn thu hút khá đông khách quan tâm, bởi giá cả chỉ tầm trên dưới 900 triệu đồng/căn.

Các dự án của công ty có liên kết với ngân hàng hỗ trợ vốn cho khách hàng trong gói 30.000 tỉ đồng, với chính sách ưu đãi lãi suất chỉ 5%/năm. Một số ngân hàng còn liên kết với chủ đầu tư cho vay lãi suất 7 – 8%/năm trong thời gian đầu như VCB, ngoài việc đẩy mạnh cho cá nhân thu nhập thấp vay vốn mua nhà lãi suất 5%/năm của gói ưu đãi nói trên, còn đưa ra thêm gói 3.000 tỉ đồng cho vay vốn mua nhà đất, xây sửa nhà, mua ôtô hoặc bổ sung vốn kinh doanh ngắn lãi suất chỉ từ 7,99%/năm (cố định sáu tháng đối với khoản vay từ 24 tháng trở xuống) và cố định trong 12 tháng với khoản vay trên 24 tháng.

Gặp chị Minh Nguyệt đi coi nhà tại khu vực trên. Chị cho biết, vợ chồng chị quyết định rút số vốn tiết kiệm 600 triệu đồng, vay thêm khoảng 300 triệu đồng trả góp hàng tháng tại Eximbank, lãi suất 11%/năm cố định năm đầu tiên để có thể mua một căn hộ diện tích gần 60m2 tại quận 9, TP.HCM.

Vì thế, việc lãi suất giảm đang hỗ trợ tích cực cho bất động sản. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều đó không có nghĩa sẽ làm tan băng đối với thị trường này mà trước mắt chỉ có thể làm ấm phần phân khúc mua nhà để ở, nhà thu nhập thấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem