Làng bánh tráng ở Bình Định: Làm việc hết công suất

Thứ năm, ngày 27/01/2011 16:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tết Nguyên đán Tân Mão đến gần cũng là lúc các làng nghề sản xuất bánh tráng ở Bình Định “tăng hết công suất” để kịp giao hàng cho khách. Năm nay, do rét lạnh kéo dài nên các làng phải “tổng động viên quân số” để sản xuất.
Bình luận 0

Đa dạng chủng loại

Thời điểm cận Tết, đến làng bánh tráng xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), đâu đâu cũng thấy màu trắng lấp lóa của những phên bánh phơi la liệt trên khắp các nẻo đường. Theo thống kê, xã Tây Phú hiện có hơn 350 hộ làm bánh tráng với hơn 1.500 lao động tham gia.

img
Làm bánh tráng ngày giáp Tết ở Bình Định

Tuy là nghề phụ, nhưng nghề làm bánh tráng đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con trong lúc nông nhàn. Mỗi dịp Tết đến, người dân ở đây phải tăng công suất lên gấp 2-3 lần để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi ngày, các lò bánh tráng ở Tây Phú sản xuất hơn 2 tấn gạo, với khoảng gần 10.000 chiếc bánh tráng các loại, như: Bánh tráng gạo, bánh mì, bánh mè, bánh cuốn chả ram…

Anh Trần Văn Bình - chủ lò sản xuất bánh tráng ở thôn Phú Mỹ, cho biết: Bánh ở đây làm bằng loại gạo dẻo thơm và không pha bột mì, nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Mỗi ngày trung bình một lò bánh tráng làm hơn 10kg gạo, được khoảng 300 chiếc bánh, riêng tháng Chạp, sản lượng tăng lên gấp đôi, gấp ba lần. Bánh tráng Tây Phú hiện có mặt ở nhiều tỉnh Tây Nguyên, Nam bộ và được khách hàng đánh giá là “chất lượng cao”.

Để việc sản xuất được thuận lợi, vài năm trở lại đây, nhiều hộ làm bánh tráng ở Tây Phú đã đầu tư trang bị máy móc, nâng cấp lò bánh tráng, mọi công đoạn từ xay bột đến tráng bánh được thực hiện nhanh, ít hao hụt. Một số hộ đã xây dựng lò sấy để chủ động sản xuất khi thời tiết xấu. Các loại bánh tráng cũng được người dân địa phương cải tiến theo thị hiếu của người tiêu dùng, làm cho “thương hiệu” của làng nghề ngày càng vang xa.

Hối hả vào vụ

img Tôi phải dậy thật sớm để tráng bánh mới kịp giao cho khách. Ngày thường, tôi chỉ tráng đến 1 giờ chiều là xuống lò, nhưng giáp Tết thì phải làm đến khi tắt nắng vì nhu cầu của khách hàng tăng cao. img

Chị Nguyễn Thị Liên

Không khí sản xuất ở làng bánh tráng xã Nhơn Hưng (huyện An Nhơn) cũng vậy. Mới 4 giờ sáng, các lò đã sáng trưng ánh điện, các lò tráng bánh bắt đầu “đỏ lửa” để bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Chị Nguyễn Thị Liên - một hộ sản xuất bánh tráng ở thôn Hòa Cư, cho biết:

“Năm nay do rét lạnh kéo dài, đến giữa tháng Chạp mà trời vẫn chưa chịu nắng nên sản xuất bánh tráng gặp nhiều khó khăn. Mấy ngày nay trời mới bật nắng nên cả làng phải tranh thủ làm để kịp giao hàng cho thương lái. Tết này nhu cầu tiêu thụ bánh tráng trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên khá lớn nên làm ra bao nhiêu đều được thu mua hết”.

Những ngày này không khí lao động ở Nhơn Hưng rất nhộn nhịp, người tráng, người phơi, người đóng gói để kịp giao hàng cho khách. Tuy lao động khá vất vả, nhưng trên khuôn mặt của họ vẫn rạng ngời niềm vui vì giá bánh năm nay tăng khá cao so với mọi năm. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ nhanh đến đó.

Bà Lê Thị Tâm - chủ một lò tráng bánh ở Nhơn Hưng cho biết: “Năm nay, sức tiêu thụ bánh có phần tăng hơn mọi năm, các năm trước, mỗi ngày tôi tráng khoảng 10kg, nhưng năm nay tăng hơn gấp đôi vẫn không đủ hàng giao cho khách. Hiện nay, mỗi ngày tôi xuất lò khoảng 500-600 bánh cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam”.

Theo thống kê của UBND xã Nhơn Hưng, trên địa bàn xã hiện có 300 hộ sản xuất bánh tráng với khoảng 1.000 lao động tham gia, thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng, riêng vào tháng cuối năm, thu nhập có thể tăng gấp đôi.

Không chỉ phục vụ cho người tiêu dùng trong nước, các làng bánh tráng ở Bình Định còn được nhiều người đi làm ăn xa về quê ăn Tết tìm mua để làm quà cho bạn bè, người thân…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem