Lo “đỡ” giá nông sản

Thứ sáu, ngày 12/07/2013 06:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làm thế nào để “cứu” được nông dân vốn đang bị rơi vào vòng xoáy nông sản rớt giá?
Bình luận 0

Đây là nội dung được đặt ra tại hội thảo bàn về tình hình giá cả từ nay tới cuối năm do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội hôm qua (11.7).

Nông dân chưa được lợi...

Ông Nguyễn Tiến Thỏa-nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định: Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm có mức tăng thấp phần lớn là do khó khăn nội tại của nền kinh tế. Giá cả nhiều loại hàng hóa giảm hoặc tăng thấp, đặc biệt là hàng nông sản thực phẩm đã sụt giảm rất mạnh.

"Chúng ta không có sốt giá đột biến nhưng sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp rất khó khăn; nợ xấu chậm xử lý, tồn kho kéo dài… tạo thành những điểm nghẽn của tăng trưởng, hạn chế sự phục hồi kinh tế"-ông Thỏa nói.

img
Trong khi giá nông sản tại ruộng thấp thì ở các chợ thành phố giá vẫn cao ngất ngưởng.

Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng nêu thực tế rằng: 6 tháng đầu năm, giá hàng nông sản (cả giá thành sản xuất ra và giá đầu ra) vô cùng khó khăn. "Vậy nói lạm phát giảm thì nông dân được gì? Bởi cái cần tăng là giá thu mua nông sản cho nông dân thì lại không tăng, trong khi đầu vào (lẽ ra phải giảm) của bà con thì lại bị ép tăng giá (như điện, xăng dầu, phân bón... liên tục tăng).

Ông Phú nói: "Giá bán lẻ không giảm trong khi đáng ra phải giảm để hỗ trợ giá mua của nông dân. Tôi ví dụ dưa hấu nông dân chỉ bán được 2.000 đồng/kg tại ruộng, nhưng giá bán ra ở thị trường 13.000-14.000 đồng/kg; bí đỏ nông dân bán 1.000 đồng/kg không ai mua nhưng ở chợ giá 6.000-7.000 đồng/kg. Tương tự, thịt lợn hơi bán tại chuồng của bà con chỉ 30.000-40.000 đồng/kg nhưng giá ở chợ 50.000-60.0000 đồng/kg…".

Ông Phú phải thốt lên rằng, "đất nước nông nghiệp mà chúng ta không có các chính sách giá phù hợp để "đỡ" cho nông nghiệp thì không thể nói gì tới việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chống lạm phát cũng chưa đem lại lợi ích cho đại đa số người dân mà đến 70% làm nông".

Cứu giá nông sản

6 tháng cuối năm, ông Thỏa cho rằng, giảm lạm phát và cứu được giá nông sản, khu vực nông thôn, nông dân phải là mục tiêu được đặt ra. Giá nông sản giảm bản thân người tiêu dùng cũng không mừng (vì chỉ giảm tại ruộng, trên thị trường giá vẫn ngất ngưởng) mà kéo theo đó, hàng triệu người nông dân "chết", do vậy, cần thiết phải nâng đỡ giá nông sản lên mức hợp lý, xây dựng chuỗi từ sản xuất tới tiêu dùng.

Ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, 6 tháng cuối năm phải hỗ trợ cho ngư nghiệp, nông nghiệp trong vấn đề giá. Giải pháp mà ông Phú đưa ra là phải ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Cụ thể hơn, cần sớm tổ chức hệ thống phân phối quốc gia (có sự hỗ trợ của Nhà nước) với những mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thịt cá trứng, dầu ăn… làm ít, tập trung và hiệu quả.

"Lúc này rất cần các bàn tay doanh nghiệp nhà nước mạnh, tự chủ hạch toán, chịu trách nhiệm với pháp luật mới được hỗ trợ. Các doanh nghiệp, tập đoàn khác tự sản xuất, phân phối, hoặc phối hợp cùng nông dân đưa hàng về bán lẻ với chi phí tốt nhất. Các cơ quan chức năng phải hỗ trợ để thực hiện điều này, không nên gắn mục tiêu kinh tế và chính trị lẫn lộn, mù mờ"-ông Phú hiến kế.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới việc phải giảm chi phí đầu vào cho nông dân như phân bón, xăng dầu, điện, nước; cân nhắc các tác động tới sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng khi đưa ra các quyết định tăng giá từ nay tới cuối năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem