Lợi nhuận ấn tượng của LienVietPostBank đến từ đâu?

Nguyễn Ngân Thứ sáu, ngày 18/11/2016 11:29 AM (GMT+7)
Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của LienVietPostBank chỉ công bố vỏn vẹn 9 trang đã khiến không ít cổ đông, nhà đầu tư đặt câu hỏi xung quanh con số lợi nhuận ấn tượng, đạt 865 tỷ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ năm ngoái (344 tỷ đồng).
Bình luận 0

Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III khá ấn tượng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính 9 tháng đã không được LienVietPostBank công bố đầy đủ phần thuyết minh báo cáo tài chính, thế nên nhà đầu tư không khỏi đặt dấu hỏi về nợ xấu và nguồn thu chính mang đến lợi nhuận là từ đâu, khi mà hầu hết các hoạt động khác đều tăng chi phí và thua lỗ.

Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III.2016, thu nhập lãi là các khoản thu nhập tương tự 9 tháng đầu năm đạt 6.338 tỷ đồng, tăng 1.243 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái là 5.095 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi và chi phí liên quan cũng tăng từ 3.033 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 3.357 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Như vậy, chi phí này chiếm 1 nửa nguồn thu đến từ lãi.

Không những thế, thu nhập từ hoạt động dịch vụ quý III chỉ đạt 31,3 tỷ đồng nhưng chi phí hoạt động dịch vụ lên tới 114,3 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng là 97,2 tỷ đồng, chi phí lên tới 309 tỷ đồng. Tất cả đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khiến cho hoạt động dịch vụ quý III lỗ 83 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng lỗ 212 tỷ đồng.

img9 tháng đầu năm 2016, LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế là 865 tỷ đồng, tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này khiến không ít nhà đầu tư, cổ đông băn khoăn

Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của ngân hàng cũng lỗ nặng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, quý III.2016 lỗ là 82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 58 tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng lỗ 243 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lỗ có 174 tỷ đồng.

Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư quý III.2016 lỗ 113,7 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng cũng lỗ là 229,9 tỷ đồng trong khi 9 tháng đầu năm 2015 lãi nhẹ 7,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động khác cũng bị lỗ, như quý III là 50 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng lỗ 136 tỷ đồng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái lỗ chỉ 66 tỷ đồng.

Một con số cũng gây sự chú ý của nhà đầu tư, đó là lãi dự thu. 9 tháng đầu năm, lãi dự thu của ngân hàng là 2.958 tỷ đồng, tăng mạnh so với cuối năm 2015 là 1.470 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ của LienVietPostBank là 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản là 133.080 tỷ đồng.

Con số này, nếu so về quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ với các ngân hàng khác là quá cao. Ví như với Sacombank, lãi dự thu  9 tháng đầu năm là 26 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản là 320.056 tỷ đồng và vốn điều lệ là 18.852 tỷ đồng. Hay như Eximbank có tổng tài sản là 123.996 tỷ đồng và vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng nhưng lãi dự thu 9 tháng đầu năm chỉ là 1.355 tỷ đồng...

Dù vậy, lợi nhuận quý III.2016 là 398 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 147 tỷ đồng, luỹ kế là 865 tỷ đồng tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 344 tỷ đồng.

Một băn khoăn nữa đó là con số nợ xấu. Do LienVietPostBank không công bố báo cáo tài chính đầy đủ, thiếu phần thuyết minh báo cáo tài chính, nên nhà đầu tư và cổ đông hiện không biết nợ xấu của ngân hàng là bao nhiêu, tỷ lệ thế nào, nợ có khả năng mất vốn ra sao...?

Về việc công bố báo cáo tài chính, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy Đại học Fulbright, chỉ những ngân hàng đang thuộc diện yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu thì không phải công bố báo cáo tài chính.

“Sau khi tái cơ cấu xong thì phải công bố, như năm 2011, 2012, 2013 không công bố tái cơ cấu. Như vậy thì từ năm 2014 công bố báo cáo tài chính có nghĩa là đã tái cơ cấu xong”, ông Thành phân tích.

Theo ông Thành, việc công bố báo cái tài chính là minh bạch và công khai. Về bản chất, doanh nghiệp đại chúng, công ty cổ phần đại chúng có cơ cấu sở hữu cổ phần rộng rãi thì theo luật phải công bố báo cáo tài chính.

“Ngân hàng công bố báo cáo tài chính để nhà đầu tư, cổ đông đánh giá một cách khách quan tình hình tài chính là tốt hay xấu. Ở Việt Nam hay có tình trạng các ngân hàng khi nào có kết quả xấu thì không công bố, chỉ khi nào đẹp mới công bố. Thế thì báo cáo tài chính chả có ý nghĩa gì nữa. Cũng như nợ xấu, thấy quá cao thì không không bố bao giờ nợ xấu giảm xuống rồi thì mới công bố. thế thì công bố nợ xấu để làm gì”, ông Thành bình luận. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem