Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh”, bầu Hiển sắp có thêm 5.500 tỷ

Huyền Anh Thứ hai, ngày 30/12/2019 11:57 AM (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho SHB của bầu Hiển tăng vốn điều lệ thêm 5.500 tỷ đồng lên mức hơn 17.500 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2.514 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu chia cổ tức năm 2017 và 2018 và hơn 3.000 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tăng vốn điều lệ từ 12.036 tỷ đồng lên hơn 14.550 tỷ đồng dưới hình thức chia cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại đến 31/12/2018.

Theo phương án này, SHB của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) sẽ phát hành hơn 251,4 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 2.514 tỷ đồng tính theo mệnh giá) để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20,9%. 

img

Cũng trong thời gian này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành văn bản chấp thuận việc SHB tăng vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Phương án tăng vốn điều lệ này đã được Đại hội đồng cổ đông SHB thông qua tại Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/4/2019. Để thực hiện tăng vốn, ngân hàng SHB sẽ phát hành gần 300,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Như vậy, với việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ra công chúng, SHB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 5.500 tỷ đồng lên mức hơn 17.500 tỷ đồng (tương đương mức tăng hơn 45%).

Được biết mục đích tăng vốn của SHB nhằm đạt chuẩn Basel II vào năm 2020, đẩy mạnh việc đầu tư vào công nghệ thông tin cũng như nâng cao năng lực quản trị, nâng cao khả năng cạnh tranh của SHB trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tính đến 30/9/2019, SHB có vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 357.000 tỷ đồng, vốn tự có đạt hơn 24.500 tỷ đồng. Ngân hàng có tổng cộng 8.000 cán bộ nhân viên đang làm việc tại hơn 520 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 4 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới 400 ngân hàng đại lý trên thế giới.

Cũng trong những ngày cuối cùng của năm 2019, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ban hành các quyết định về việc sửa đổi nội dung vốn điều lệ tại giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Bắc Á - BacABank (BAB) của bà Thái Hương. Theo đó, BacABank chính thức nâng vốn điều lệ từ 5.500 tỷ đồng lên 6.500 tỷ đồng.

Trước đó khoảng 10 ngày, BacABank cũng đã niêm yết bổ sung 100 triệu cổ phiếu thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng số lượng cổ phiếu niêm yết lên 650 triệu cổ phiếu.

Với cú tăng vốn lần này, nhiều khả năng BacABank của nữ đại gia Thái Hương sẽ cải thiện tỷ lệ an toàn vốn và hướng tới chuẩn Basel II theo quy định bắt buộc tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN (thông tư 41) áp dụng từ 1/1/2020 đối với tất cả các ngân hàng.

Tính tới giữa tháng 12/2019, hệ thống mới có 18 ngân hàng đạt chuẩn này, bao gồm: Vietcombank, MBBank, Tecombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, VietBank, VietCapitalBank, SeABank, ShinhanBank, LienVietPostBank, NamABank, Standard Chartered Bank Việt Nam, BIDV.

img

Bên cạnh Bac A Bank, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã ban hành Quyết định số 2623/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung về vốn Điều lệ tại Giấy phép hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á.

Theo đó, vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á của ông Nguyễn Quốc Toàn sẽ thay đổi từ mức hơn 3.356 tỷ (30/9/2019) lên hơn 3.890 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Nam Á có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với nội dung nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem