"Nghe" làm giàu nhanh chính là biến tướng của bán hàng đa cấp

Thứ năm, ngày 07/04/2016 10:13 AM (GMT+7)
"Nếu bà con cô bác nghe một lời quảng cáo về tốc độ làm giàu nhanh như thế thì nên nghĩ ngay rằng đó là biến tướng của bán hàng đa cấp và nên thông báo cho cơ quan quản lý".
Bình luận 0

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định Bộ Công Thương không chối trách nhiệm nhưng theo ông, không nên cho rằng với những người hiểu biết, nắm luật pháp là nạn nhân khi chạy theo đa cấp.

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có trao đổi với báo chí về hoạt động kinh doanh đa cấp bên lề cuộc làm việc với Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) chiều 6/4.

- Sau những câu chuyện về kinh doanh đa cấp bất chính như Liên kết Việt xảy ra thì trách nhiệm của cơ quan quản lý được xác định như thế nào, thưa ông?

- Đa cấp là một phương thức bán hàng được nhiều nước trên thế giới thừa nhận. Khi Việt Nam gia nhập WTO thì phải cam kết cho phép, thừa nhận hoạt động này. Trên cơ sở đó thì chúng ta đã có những quy định pháp luật để cho phép, đồng thời quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, tương đối hoàn chỉnh. Cụ thể trên thế giới quy định bán hàng đa cấp cấm những hoạt động gì thì chúng ta cũng quy định tương tự ví dụ cấm kinh doanh theo hình thức kim tự tháp, cấm việc buộc người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả tiền để mua số lượng hàng nhất định… Hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đồng với thế giới.

img

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng cần có sự tố giác của cá nhân, báo chí để phát hiện sai phạm trong kinh doanh đa cấp. 

Tuy nhiên, trong quá trình chúng ta thực hiện việc cho phép bán hàng đa cấp hoạt động thì cũng đã có một số vấn đề phức tạp nảy sinh. Những câu chuyện như Liên kết Việt vẫn xảy ra. Và như vậy thì chắc chắn có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Quan điểm của Bộ Công Thương là không bao giờ từ chối trách nhiệm, đó có thể ở khâu xây dựng khuôn khổ pháp lý hoặc khâu vận hành.

- Trên thế giới, bán hàng đa cấp cũng phát triển nhưng ít nảy sinh câu chuyện tương tự như Liên kết Việt. Liệu có phải hành lang pháp lý của Việt Nam chưa đủ chặt chẽ?

- Như tôi đã nói, những điều đó hành lang pháp lý của các nước cũng như Việt Nam. Mình học hỏi họ. Thậm chí còn yêu cầu cao hơn như sự quản lý của sở khi mở rộng đến một tỉnh nào đó. Thậm chí mở hội thảo cũng phải thông báo với Sở và cơ quan quản lý kiểm tra xem ở hội thảo có quảng cáo quá mức về sản phẩm không.

Tôi cho rằng hành lang pháp lý ở Việt Nam vẫn có thể cải thiện thêm nhưng không quá thiếu. Vấn để ở đây là khi đi vào thực tế thì dường như ở nước ngoài, người dân cảnh giác hơn với những lời quảng cáo một vốn 400 lời. Trong khi ở Việt Nam, cho đến giờ phút này tôi vẫn đang suy nghĩ về chuyện đó, tại sao nhiều bà con cô bác lại dễ tin vào những lời quảng cáo đến vậy. Nếu như bà con cô bác nghe một lời quảng cáo về tốc độ làm giàu nhanh như thế thì nên nghĩ ngay rằng đó là biến tướng của bán hàng đa cấp và nên thông báo cho cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, nói một cách sòng phẳng, tôi cho rằng, có những người hiểu biết mà vẫn tham gia bán hàng đa cấp. Do đó không thể nói là họ bị lừa được. Xin phép đừng cho rằng tôi coi thường nỗi đau của người bán hàng đa cấp, nhưng khi đã đặt bút ký vào một văn bản thì phải hiểu về điều đó.

- Hiện nay hoạt động bán hàng đa cấp khá phát triển nhưng ở nhiều nơi, các Sở Công Thương cũng không nắm được. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ rằng, không một cơ quan nào quản lý nào có thể kiểm soát hết mọi việc. Riêng trong lĩnh vực bán hàng đa cấp lại rất đặc thù. Ví dụ, người bán không chào hàng cố định ở điểm nào mà đi nhiều nơi khác nhau để mời mọc. Câu chuyện đó đôi khi diễn ra tại nhà riêng và chúng ta không kiểm soát được. Do đó, vai trò của quần chúng, những người tham gia vào hệ thống rất quan trọng. Cho đến khi tiến hành kiểm tra Liên kết Việt hồi tháng 10 năm ngoái thì chúng tôi không hề nhận được bất kỳ khiếu nại nào của người dân cả.

Những người tham gia bán hàng đa cấp bao giờ cũng phải ký hợp đồng, trong đó, điều khoản đầu tiên bao giờ cũng nêu là căn cứ Nghị định 42.Trước khi đặt bút ký vào một hợp đồng thì ít nhất nên hiểu về văn bản quy định hoạt động đó. Nếu tìm hiểu văn bày này trước khi ký thì sẽ thấy công ty bán hàng đa cấp bị cấm một số hành vi như không được yêu cầu người tham gia mua một mã hàng rồi mới được vào mạng lưới hoặc ép họ lôi kéo thành viên khác vào công ty...

Nếu biết yêu cầu như vậy là trái pháp luật thì người tham gia có thể thông báo với Sở và đưa ra bằng chứng. Trong trường hợp đó chúng tôi xử lý rất dễ dàng và nếu tái phạm hình thức phạt sẽ nặng hơn.

Còn thực tế, nếu người bán hàng đa cấp ngồi tại nhà bạn để chào mời thì không có Sở Công Thương nào đứng đó để chứng kiến, bắt quả tang. Chỉ có người tham gia tố cáo, chúng tôi mới làm được điều đó.

- Hiện nay có tình trạng doanh nghiệp đa cấp đẩy giá sản phẩm quá cao. Ông nghĩ sao về tình trạng này?

- Ở đây phải làm rõ thế nào là gian lận. Ví dụ ai cũng biết giá thành của chiếc iPhone chỉ 200 USD nhưng họ bán 900 USD. Nhưng họ có lừa đảo ai hay không? Câu chuyện ở đây là giá thành sản phẩm là một chuyện nhưng giá thành khi bán ra và xã hội có chấp nhận mức giá đó không. Đó là giao dịch dân sự, cơ quan quản lý không can thiệp được. Chúng ta không thể quy điều đó là bịt bợm.

Nếu sản phẩm đó quảng cáo có sâm nhung nhưng thực tế không có thành phần đó thì mới là lừa đảo. Tuy nhiên, hiện nay tôi chưa nhận được phản ánh nào như vậy. Và nếu người tham gia nào có bằng chứng đó thì xin cung cấp cho Cục Quản lý Cạnh tranh để chúng tôi xử lý. Kết tội gian lận trong kinh doanh là phải có bằng chứng, còn nói dựa trên cảm tính là rất khó.

- Liệu cơ quan quản lý có quá trông chờ vào khiếu nại của người tiêu dùng?

- Tôi không có ý đó. Thực tế thời gian qua chúng tôi không nhận được khiếu nại từ phía người tiêu dùng nhưng cũng tiến hành thanh, kiểm tra tại 39 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi chúng tôi có tiến hành nhiều cuộc kiểm tra như vậy sẽ không khó phát hiện những vi phạm như quảng cáo quá mức, yêu cầu người tham gia giới thiệu thêm thành viên… Việc kiểm tra chủ yếu chỉ trên giấy tờ, số lượng hàng, doanh thu, thuế, tài liệu đào tạo… thì khó phát hiện sai phạm. Trong khi đó, nếu có khiếu nại của người tham gia thì chúng tôi có cơ sở để xử lý mạnh tay.

- Thời gian tới, cơ quan quản lý có xây dựng “hàng rào” chặt chẽ hơn để quản lý bán hàng đa cấp, tránh tình trạng thả gà ra đuổi như hiện nay?

- Chúng tôi sẽ cố gắng đi tìm nguyên nhân tại sao và tìm cách giải bài toán nhưng không đi theo cách không quản được thì cấm. Vì rõ ràng trên thế giới vẫn tồn tại và nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển được. Chúng tôi sẽ xem lại khuôn khổ pháp lý và tìm hiểu thêm ở các quốc gia khác. Phương thức quản lý cũng phải thay đổi và có sự tham gia của người dân, báo chí, có sự phối hợp ngày càng tốt hơn giữa các bộ, ngành…

- Kết quả thanh tra 7 doanh nghiệp đa cấp lớn, trong đó có Thiên Ngọc Minh Uy, UniCity, Amway… như thế nào, thưa ông?

- Khoảng tháng 5, chúng tôi mới hoàn thiện đợt thanh tra. Tôi cho rằng một Nhà nước suốt ngày đi thanh tra thì không phải là cách làm tốt. Nhiệm vụ chính là phải xây dựng khuôn khổ pháp lý. Bên Cục Quản lý Cạnh tranh chỉ có 4 người phụ trách về hoạt động bán hàng đa cấp nên chúng tôi rất cần sự phối hợp của các cá nhân tố cáo.

Ngọc Tuyên-Thanh Lan (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem