Nghịch lý: ACV vay vốn làm sân bay, doanh nghiệp tư nhân có tiền không được làm

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 04/01/2020 06:00 AM (GMT+7)
Nếu được chọn làm chủ đầu tư cả 2 dự án lớn là Sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, ACV sẽ phải đi vay khoảng 84.039 tỷ đồng, con số này gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Rủi ro hơn là việc làm cùng 1 lúc 2 dự án lớn có thể bị chậm tiến độ và ảnh hưởng tới nền kinh tế. Tại sao nhiều doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực tài chính có thể làm được lại không được bộ đề xuất?
Bình luận 0

Việc Bộ GTVT thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xin chủ trương cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 111.689 tỷ đồng (4,779 tỷ USD) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất công suất 20 triệu khách/năm với vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng khiến không ít ý kiến về năng lực tài chính của ACV khi cùng một lúc triển khai 2 dự án lớn như vậy.

Nếu được thông qua chủ trương làm chủ đầu tư 2 dự án này, ACV sẽ phải xoay xở được 122.679 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn đối với một doanh nghiệp, kể cả là doanh nghiệp có vốn Nhà nước như ACV. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc lựa chọn một nhà đầu tư có kinh nghiệm để làm chủ đầu tư những dự án quốc gia quan trọng là yếu tố quan trọng được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạ tầng hàng không đang quá tải thì ngoài vấn đề một nhà đầu tư kinh nghiệm, còn phải tính đến năng lực tài chính cũng như tốc độ triển khai dự án của chủ đầu tư. 

Nông sâu năng lực tài chính của ACV

Với số tiền cần phải huy động được là 122.679 tỷ đồng để triển khai 2 dự án lớn, ACV tự lo được bao nhiêu? Nhìn vào báo cáo tài chính giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 9/2019 của ACV, có thể thấy doanh thu tăng ổn định từ khoảng 13.172 tỷ đồng vào năm 2015 lên con số 16.089 tỷ đồng trong năm 2018. 9 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp này ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuân sau thuế 13.500 và 5.907 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13% và 19,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng tài sản của ACV tính đến cuối tháng 9/2019 là 59.702 tỷ đồng, trong đó, hơn 50% tài sản là tiền gửi ngân hàng. Cụ thể, tại thời điểm 30/9/2019, ACV đang có hơn 32.058 tỷ đồng tiền mặt, trong đó, hơn 31.382 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Đây cũng là một nguồn đóng góp vào lợi nhuận của ACV với 1.276 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019.

img

Tuy nhiên, trong tổng tài sản của ACV là 59.702 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 34.452 tỷ đồng. Theo tính toán của người viết, số tiền ACV có thể huy động nội lực để triển khai cho dự án không nhiều. Cụ thể, trong số 59.702 tỷ đồng, ACV đang gánh 25.251 tỷ đồng khoản nợ phải trả (tính đến hết tháng 9/2019), con số này vượt qua số vốn góp của chủ sở hữu là gần 21.771 tỷ đồng.

Như vậy, vì sự an toàn dòng vốn và tài chính, ACV sẽ không thể sử dụng hết được nguồn vốn chủ sở hữu cho 2 dự án. Số tiền khả thi nhất có thể sử dụng là khoản tiền 6.582 tỷ đồng, đây là lợi nhuận chưa phân phối được ACV tích luỹ trong nhiều năm qua. Ngoài ra, với 32.058 tỷ đồng tiền mặt đang gửi ngân hàng, ACV có thể huy động được tối đa năng lực của mình là 38.640 tỷ đồng cho 2 dự án lớn trên. Con số này gần tương đồng với con số mà lãnh đạo ACV từng chia sẻ về việc sử dụng nguồn tiền trong nội tại doanh nghiệp để triển khai dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1. 

Lãnh đạo ACV từng chia sẻ, dự kiến hết năm 2019, doanh nghiệp sẽ có hơn 36.600 tỷ đồng (tương đương hơn 1,56 tỷ USD), chiếm 37% tổng vốn đầu tư cho 3 hạng mục sân bay Long Thành. Số còn lại khoảng 2,62 tỷ USD, ACV phải đi vay.

Vậy nếu cùng triển khai 2 dự án lớn là Sân bay Long Thành giai đoạn 1 và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, ACV sẽ phải đi vay 84.039 tỷ đồng. Hiện tại, với nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 151 tỷ lên 247 tỷ đồng và vay và nợ thuê tài chính dài hạn nhích từ 15.043 tỷ lên 15.117 tỷ đồng trong 9 tháng 2019. Nếu so với vốn chủ sở hữu 34.452 tỷ đồng, tỷ trọng nợ/vốn chủ sở hữu chiếm trên 73%. Nếu ACV đi vay 84.039 tỷ đồng, đi cùng với sự tăng lên của tổng tài sản là đòn bẩy tài chính tăng lên rất cao.

Ở một góc nhìn khác, ACV là doanh nghiệp độc quyền khai thác 22 cảng hàng không và đang vận hành 21 cảng tại Việt Nam. Về lợi nhuận, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.908 tỷ đồng, song theo báo cáo của lãnh đạo Bộ GTVT mới đây cho thấy, chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi, đồng nghĩa với việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần. 

Sao không để doanh nghiệp tư nhân làm?

Như vậy, xét về năng lực tài chính ACV nếu cùng một lúc làm 2 dự án lớn là Sân bay Long Thành giai đoạn 1 và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ là quá sức, gây không ít rủi ro cho doanh nghiệp. Câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra, sao không để doanh nghiệp tư nhân làm nhà gà T3 Tân Sơn Nhất và một vài hạng mục của Sân bay Long Thành giai đoạn 1 nhằm giảm bớt sự quá tải cho ACV?

Được biết, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã từng xin được làm dự án mở rộng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và một vài hạng mục của Sân bay Long Thành. Nếu xét trên nhiều khía cạnh về năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính thì hiện này có nhiều nhà đầu tư tư nhân vẫn có thể đảm nhiệm được vai trò làm nhà đầu tư dự án chứ không chỉ riêng ACV. Cụ thể như Tập đoàn Sungroup của ông Nguyễn Viết Lam hay như Tập đoàn bán lẻ IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

img

Một doanh nghiệp tư nhân được có kinh nghiệm trong lĩnh vực này là Sungroup với dự án sân bay Vân Đồn là một minh chứng điển hình. Chưa xét về hiệu quả khai thác, song việc sân bay Vân Đồn hiện được biết đến là một sân bay nổi tiếng về thời gian thực hiện nhanh, chất lượng - dịch vụ hàng đầu trong nước và khu vực. Dù Sungroup thời điểm làm sân bay Vân Đồn cũng chưa có kinh nghiệm về đầu tư, quản lý và khai thác sân bay; cũng không phải đơn vị “trong ngành” nhưng Sun Group đã cho thấy họ làm được và rất tốt.

Hay như Tập đoàn bán lẻ IPP đã không ít lần xin tham gia đầu tư vào nhà ga T3, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2018. Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương – IPP Group (IPPG) là của ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên – bố mẹ chồng ngọc nữ Tăng Thanh Hà. Hiện nay, IPPG là tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng đầu Việt Nam, chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước.

img

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn

Nhìn vào danh mục đầu tư của IPPG, người ta sẽ thấy choáng ngợp về sự hoành tráng của công ty này. Theo đó, dưới trướng của IPPG là hàng loạt công ty thời trang tên tuổi như Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm châu Âu (ACFC).

Ngoài ra, có thể kể đến các hạng mục đầu tư khác của Tập đoàn này như nhà ga quốc tế Cam Ranh có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng; chuỗi cửa hàng bán lẻ bao gồm Vietnam’s Delight Thuyền Rồng, Vietnam’s Delight Tháp Chàm, 19 island và Viet House tọa lạc tại tầng 1 và 2 sân bay Cam Ranh.

IPPG cũng quản lý hệ thống trung tâm thương mại xa xỉ dưới danh nghĩa công ty con IPPG Galleria. IPPG Galleria đã đầu tư xây dựng và điều hành khu mua sắm cao cấp Rex Arcade rộng hơn 2.000 m2 tại Khách sạn Rex danh tiếng với tổng số vốn đầu tư hơn 25 triệu USD…

Hay như Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Đây là một tập đoàn tư nhân mạnh cũng sắp tham gia thị trường hàng không với hãng hàng không có tên gọi Vinpearl Air. Tính đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của Vingroup là 357.159 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 125.408 tỷ đồng. Nếu Vingroup tham gia vào hạ tầng hàng không, có thể ACV chỉ là một đối thủ nhẹ ký. 

Rõ ràng, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, có tiềm lực tài chính và khả năng làm những dự án lớn để vươn lên tầm cao mới và phù hợp với chủ trương của Chính phủ về vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Tại sao các cơ quan bộ ngành như Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT lại không đề xuất để doanh nghiệp tư nhân làm mà dồn hết cho ACV?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem