“Người dân muốn biết bao giờ yên tâm ăn hải sản?”

Trần Giang Thứ sáu, ngày 29/07/2016 13:06 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật, Phó bí thư thường trực tỉnh Quảng Bình, đề nghị Chính phủ làm rõ ảnh hưởng của hành vi gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa còn kéo dài bao nhiêu lâu nữa?
Bình luận 0

Sáng nay, 29.8, Quốc hội có phiên thảo luận kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm tại hội trường.

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, sự cố môi trường ở ven biển 4 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường. Sự cố môi trường biển còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch, dịch vụ ở 4 tỉnh miền Trung.

Chính vì vậy, thời gian tới Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp, nhất là chính quyền địa phương trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiên quyết không cho phép các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường được hoạt động. Kịp thời bồi thường thiệt hại cho người dân và khắc phục hậu quả sự cố môi trường tại ven biển 04 tỉnh miền Trung.

Tại hội trường, đại biểu Thuật (Quảng Bình) đã chỉ rõ những sai phạm của Formosa trong việc chôn lấp chất thải bừa bãi, đặt ống xả trái phép đã đẩy sự cố này đến mức độ nguy hại hơn và cần sớm xử lý một cách cương quyết đối với những hành vi này.

img

Ông Trần Công Thuật, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình.

“Nhân dân và cử tri Quảng Bình mong muốn các cơ quan chức năng ở Trung ương làm rõ và trả lời rõ khi nào thì đánh cá vùng gần bờ được; khi nào thì yên tâm ăn hải sản được; khi nào thì môi trường biển an toàn. Đúng là, chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không, một quả bom môi trường nằm sát kề khiến ai cũng lo lắng?”, đại biểu Thuật đề nghị.

Ngoài ra, đại biểu Thuật còn đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ trong báo cáo Formosa là ai, là cái gì? Tập đoàn thép Trung Quốc Đài Loan này là ai, cổ đông nào có cổ phần chi phối tập đoàn này để nhân dân biết, yên tâm hơn.

“Trong báo cáo có câu “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”, hiểu như thế nào trong trường hợp Formosa? Bà con Quảng Bình đề nghị Chính phủ thay câu khác phù hợp hơn. Đây là đạo lý của người Việt Nam nhưng không thể lạm dụng lòng tốt này của người Việt Nam trong sự việc này được”, đại biểu Trần Công Thuật nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị, đề nghị Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc về thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra.  

“Quốc hội không chỉ tìm ra câu trả lời thật rõ ràng minh bạch về trách nhiệm liên quan đến sai phạm của Formosa mà còn nhanh chóng rà soát lại văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe doạ đến đời sống của nhân dân. Cần có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người không còn đương chức”, đại biểu Đồng kiến nghị.

Đại biểu Đồng cho biết, là đại biểu Quốc hội của 1 trong 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề từ sự vụ đó, tôi rất đồng cảm với những bất bình, bức xúc của cử tri cả nước.

“Báo cáo của Chính phủ cũng nêu con số thiệt hại theo tính toán sơ bộ với số người bị ảnh hưởng trực tiếp lên đến hàng trăm ngàn và thiệt hại về tài sản cũng lên đến con số hàng ngàn tấn, thậm chí đến hàng triệu tấn. Tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp vô hình và hữu hình, đặc biệt là hệ sinh thái, các rạn san hô vô cùng lớn và việc xử lý, khắc phục phải mất nhiều năm”, đại biểu Đồng chia sẻ.

Đại biểu Đồng phản ánh, hiện nay người dân đang hàng ngày, hàng giờ sống cùng  những lo âu khắc khoải.

“Chúng tôi có thể nói rằng, đời sống sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn 4 tỉnh ảnh hưởng nghiêm trọng, các sản phẩm đánh bắt hải sản ven bờ, xa bờ đều khó tiêu thụ. Do đó các tàu cá ở vùng biển và tàu khai thác gần bờ trong thời gian qua gần như nằm hoàn toàn, các hộ thu mua và kinh doanh hàng thủy hải sản cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá không hoạt động được”, đại biểu Đồng phản ánh.

Theo đại biểu Đồng, còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải đi tìm những việc làm khác để mưu sinh kiếm sống. Không chỉ ngư dân mà các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, các điểm kinh doanh ven biển hoàn toàn bị ngưng trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế, lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm không  còn bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2015.

“Thảm họa thủy hải sản chết do sự cố môi trường biển vừa qua liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, phạm vi đối tượng bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy chúng tôi đề nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ một cách thỏa đáng và công bằng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành trung ương tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động của công ty Formosa để đảm bảo việc sản xuất của công ty này không gây hậu quả về môi trường tương tự trong tương lai”, đại biểu Đồng kiến nghị.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất nhiệm vụ cần tập trung trong những tháng cuối năm là phải có giải pháp phục hồi môi trường bị ô nhiễm, hỗ trợ kịp thời và giám sát để doanh nghiệp, người dân khôi phục đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ thuỷ sản, hải sản, chuyển đổi nghề nghiệp ở các tỉnh miền Trung và hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố hải sản chết bất thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem