Nguyên nhân vụ cháy toa tàu hỏa khiến 200 hành khách hoảng loạn

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 06/06/2018 16:22 PM (GMT+7)
Liên quan tới vụ cháy toa tàu tại ga Hảo Sơn sáng ngày 6.6, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa có thông tin nhanh về nguyên nhân hỏa hoạn.
Bình luận 0

img

Vụ cháy toa tàu là do chập điện cúp lơ (Ảnh: IT)

Hành khách không được thông báo kịp thời

Cụ thể, theo Tổng công ty ĐSVN do chập điện đầu cúp lơ tại toa xe số 31405 tàu NH1 tại ga Hảo Sơn (Chi nhánh KTĐS Phú Khánh). Tàu NH1 thuộc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn xuất phát tại ga Huế lúc 17h10 ngày 5.6.2018 đến ga Hảo Sơn lúc 05h31, dừng chờ tránh nhau với đoàn tàu SE4, sau khi đón tàu NH1 vào ga đường số 1, Trực ban chạy tàu phát hiện tại vị nối giữa toa xe thứ 8 và thứ 9 xuất hiện khói. Trực ban chạy tàu đã thông báo với tổ tàu và ga Hảo Sơn phối hợp lực lượng thường trực tại chỗ tổ chức chữa cháy, sau 5 phút đã khống chế được đám khói. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và tránh ảnh hưởng đến tâm lý của hành khách, Tổng công ty ĐSVN đã bố trí hành khách tại toa xe thứ 9 (35 hành khách) sang toa xe khác tàu NH1 để tiếp tục hành trình.

Hiện tại, toa xe số 31405 bị hỏng đầu cúp lơ điện; đầu toa xe bị ám khói, nguyên nhân được xác định là do chập điện đầu cúp lơ tại vị trí nối giữa 2 toa xe thứ 8 và thứ 9 trên đoàn tàu. Biện pháp khắc phục: Cắt toa xe bị chập điện đầu cúp lơ tại ga Hảo Sơn để tiếp tục hành trình.

Trước đó, theo phản ánh của hành khách khi tham gia trên chuyến tàu này cho biết: "Tôi nghe có tiếng nổ lớn nên chạy lại coi thử. Lửa và khói phát ra ở hệ thống điện ở đoạn toa 3 giáp với toa 4", một nam hành khách đi trên toa 4 nói.Nhân viên mở cửa để khách thoát ra ngoài, đồng thời dùng bình chữa cháy tại chỗ dập lửa. Tuy nhiên, do lượng khói quá lớn, nhân viên đường sắt phải dùng búa phá cửa kính, nối vòi nước phun vào bên trong. Khớp nối giữa toa 3 và toa 4 được tháo để khống chế ngọn lửa.

Khoảng 200 hành khách trên các toa từ một đến năm phải di tản ra khỏi tàu. Trong đó có một nhóm khoảng 30 học sinh, hai người khách nước ngoài và một số trẻ em. Nhiều người ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra.

"Xảy ra cháy toa tàu nhưng nhân viên đường sắt không thông báo cho học sinh của tôi biết hay hướng dẫn các em thoát hiểm ra ngoài", một giáo viên bức xúc nói.

img

Trước sự cố chập điện gây cháy, hàng loạt các sự cố tai nạn đường sắt đáng tiếc đã xảy ra (ảnh: IT)

Nhiều cán bộ đường sắt vi phạm quy định lao động

Trước đó, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đã có báo cáo lên Bộ GTVT về việc chấn chỉnh các hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến an toàn giao thông đường sắt.

Theo đó, đêm ngày 30.5.2018 và rạng sáng (05h00) ngày 31.5.2018, Cục trưởng Cục ĐSVN cùng các đoàn kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu tại ga, đường ngang có người gác trên các tuyến đường sắt: Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Hồng – Văn Điển.

Ngày 4.6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký Công văn số 5821 yêu cầu Tổng công ty đường sắt Việt Nam về việc khẩn trương xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân của Tổng công ty liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng thời gian qua.

Qua kết quả kiểm tra cho thấy có nhiều tồn tại, vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm quy định của các văn bản QPPL, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt tập trung vào địa bàn quản lý của các Công ty Cổ phần đường sắt Hà Hải, Hà Thái, Vĩnh Phú, Bình Trị Thiên, Quảng Nam – Đà Nẵng, Sài Gòn và các Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội, Hà Thanh, Hà Thái Hải, Sài Gòn.

 Cụ thể, các lỗi vi phạm như về nhân viên gác ghi: bỏ vị trí khi lên ban; sử dụng rượu bia khi lên ban và vi phạm các quy định khác về kỷ luật lao động;

 Về Nhân viên gác đường ngang: Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, thiếu tinh thần trách nhiệm khi lên ban, vi phạm các quy định có liên quan đến công tác an toàn giao thông trong khi thực hiện nhiệm vụ: Ngủ khi lên ban; không mặc đồng phục trong khi lên ban; thiếu, hư hỏng trang thiết bị liên quan đến tác nghiệp của đường ngang theo quy định; Bố trí học sinh thực tập làm nhiệm vụ chức danh nhân viên gác đường ngang.

Tại một số vị trí kiểm tra có các nhân viên: gác hầm, gác đường ngang, nhân viên tổ dồn (trưởng dồn, ghép nối đầu máy toa xe), trực ban chạy tàu ngủ khi lên ban.

Một số đường ngang có tình trạng cho tổ chức cá nhân bên ngoài kinh doanh trong phạm vi xung quanh nhà gác đường ngang, gây ảnh hưởng đến tác nghiệp của nhân viên gác đường ngang, an ninh trật tự và an toàn giao thông tại khu vực đường ngang.

Công tác kiểm tra, giám sát của một số tổ chức quản lý đường sắt, sử dụng  nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu buông lỏng, chưa thường xuyên liên tục; nội dung kiểm tra không đảm bảo tính nghiêm túc.

Sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đối với các tổ chức, cá nhân và các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi lên ban để đảm bảo an toàn còn lỏng lẻo, chưa đủ sức răn đe. Các tồn tại, vi phạm nêu trên được thống kê cụ thể báo cáo lên lãnh đạo Bộ GTVT.

Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Tổng công ty ĐSVN kiểm tra, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật lao động khi lên ban; rà soát, hoàn thiện quy định kiểm tra, giám sát đối với công tác an toàn giao thông đường sắt của Tổng công ty ĐSVN và các đơn vị thành viên. Hiện nay, Cục ĐSVN đang tiếp tục xem xét để xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cục Đường sắt Việt Nam kính đề nghị Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo Tổng công ty ĐSVN khẩn trương khắc phục các tồn tại nêu trên và thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt thuộc trách nhiệm của Tổng công ty ĐSVN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem