Nợ phải trả hơn 13 nghìn tỷ, HBC của ông Lê Viết Hải tính phát hành 3,75 triệu quyền mua cổ phiếu

Quốc Hải Thứ ba, ngày 16/04/2019 15:22 PM (GMT+7)
Với khoản nợ phải thu ngắn hạn lên tới 11.089 tỷ đồng và nợ phải trả lên tới 13 nghìn tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) của ông Lê Viết Hải đề xuất Đại hội đồng cổ đông thông qua việc phát hành 3.750.000 quyền mua cổ phiếu cho CBCNV đang làm việc cho công ty, 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu với giá bằng mệnh giá.
Bình luận 0

img

Toàn cảnh đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Ảnh: Quốc Hải)

Báo cáo tại đại hội, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC cho biết, tổng giá trị trúng thầu trong năm 2018 của Hòa Bình đạt 25.853 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2017. Tổng giá trị hợp đồng dự trữ tại ngày 31.12.2018 là 24.237 tỷ đồng (chưa VAT), dự kiến thực hiện trong năm 2019 là 16.747 tỷ đồng, còn lại thực hiện trong năm 2020. Riêng kế hoạch trúng thầu năm 2019, HBC đặt mục tiêu là 24.000 tỷ đồng nhưng tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trúng thầu của HBC đã đạt hơn 6.428 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm 2019.

Nhiều nội dung đáng chú ý về nhân sự

Tại đại hội, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đề xuất với cổ đông việc thay đổi mô hình quản lý với việc không còn Ban kiểm soát và bổ sung thêm thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) độc lập. Theo đó, Hòa Bình sẽ có 8 thành viên trong HĐQT nhiệm kỳ mới 2019-2024, trong đó có 3 thành viên độc lập, tăng 1 so với nhiệm kỳ trước. Do còn 2 thành viên độc lập chưa hết nhiệm kỳ là ông Đặng Doãn Kiên và ông Phương Công Thắng, vì thế, HBC sẽ bầu bổ sung 6 thành viên cho nhiệm kỳ mới (2019 - 2024).

Một trong những ứng viên cho vị trí thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ mới là ông Đặng Hồng Anh, con trai ông Đặng Văn Thành (Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công). Ông Đặng Hồng Anh hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Sài Gòn Thường Tín (TTC Land), đồng thời là Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công.

Nhân sự mới còn lại xuất hiện trong danh sách đề cử là ông Park Seok Bae, Tổng giám đốc Công ty Thang máy Hyundai Thành Công Việt Nam.

4 ứng viên được đề cử còn lại gồm: Ông Lê Viết Hải; ông Trương Quang Nhật; ông Lê Quốc Duy và ông Phan Ngọc Thạnh.

img

Cơ cấu nợ của HBC tính đến hết 31.12.2018 (Ảnh: Tài liệu họp cổ đông HBC)

Ngoài nội dung nhân sự, Hòa Bình cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho đối tác Hyundai Elevator với giá chào bán 23.000 đồng mỗi cổ phần, phát hành dự kiến trong quý 2.2019. Tổng lượng vốn huy động từ đợt phát hành này vào khoảng 575 tỷ đồng, dự kiến được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng tại thị trường nước ngoài.

Đặc biệt, Hòa Bình và Thang máy Hyundai Thành Công Việt Nam cũng có những nội dung hợp tác khác về hoạt động kinh doanh. Trong đó, Thang máy Hyundai sẽ cung cấp các sản phẩm thang máy, thang cuốn tại các dự án Hòa Bình làm chủ đầu tư hoặc nhà thầu. Ngược lại, công ty này sẽ giới thiệu Hòa Bình làm nhà thầu cho các khách hàng tại Việt Nam và nước ngoài, cử chuyên gia hỗ trợ Hòa Bình trong việc kiểm soát chất lượng, quản lý thi công hệ thống thang máy trong vai trò tổng thầu.

Năm 2019, Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 18.600 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 720 tỷ đồng, tăng 16%.

Về phương án phân phối lợi nhuận, công ty trình cổ đông việc chia cổ tức 3% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu.

“Sức khỏe” của HBC thế nào?

Trước đó, năm 2018, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần tăng 14% lên 18.299 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông giảm 27% còn gần 630 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi sau thuế 1.068 tỷ đồng, Hòa Bình chỉ mới hoàn thành 60% chỉ tiêu đề ra.

Bên cạnh việc lợi nhuận đi xuống, HBC cũng có khoản phải thu rất lớn khiến giới đầu tư quan tâm. Cụ thể, kết thúc năm 2018, tổng các khoản phải thu ngắn hạn của đại gia ngành xây dựng này lên tới 11.089 tỷ đồng, tăng 1.898 tỷ đồng so với đầu năm. So với tổng tài sản ở mức 15.900 tỷ đồng thì con số phải thu ngắn hạn kể trên bị đánh giá là khá lớn khi chiếm xấp xỉ 70%.

Cùng với đó là khoản nợ phải trả lên tới gần 13.000 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

img

Cơ cấu lợi nhuận gộp của HBC năm 2018 (Ảnh: Tài liệu họp cổ đông)

Theo lý giải của lãnh đạo HBC, sự sụt giảm lợi nhuận trong năm 2018 là do cạnh tranh đấu thầu. Sự cạnh tranh này khiến giá đầu ra giảm, trong khi đó giá đầu vào nguyên liệu, nhân công lại tăng. Ngoài ra, một số công trình phải tạm ngừng thi công do các yếu tố từ chủ đầu tư, chi phí bảo hiểm xã hội tăng do việc áp dụng chính sách bảo hiểm mới nên lợi nhuận gộp năm 2018 giảm so với năm trước.

“Tuy nhiên, tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu ROE đạt 25,4%, vẫn cao hơn mức bình quân 22% của các công ty niêm yết trong ngành xây dựng”, ông Lê Viết Hải thông tin.

Ngoài ra, năm 2018, hiệu quả kinh doanh của các công ty con, công ty liên doanh liên kết giảm so với năm 2017 nên lãi trong các công ty này cũng giảm tương ứng. Cái khó này được lý giải do các doanh nghiệp bất động sản gặp trục trặc khi chính sách về quản lý đất công ngày càng được thắt chặt, gây ảnh hưởng lớn đến việc cấp phép và phê duyệt dự án mới. Đặc biệt, các DN bất động sản còn đứng trước nhiều thách thức khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản. Vì vậy, đa số công ty xây lắp rơi vào tình trạng thiếu nguồn công việc, không thể hoàn thành sản xuất kinh doanh, cạnh tranh gay gắt...

img

Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018 của HBC (Ảnh: Tài liệu họp cổ đông)

Dù các chỉ số tài chính của HBC không đẹp, chẳng hạn nợ phải thu trên vốn, nợ vay, phải thu trên doanh thu còn cao mặc dù về kết quả thì Tập đoàn làm ra rất hiệu quả từ đồng vốn ít ỏi.

“Năm 2018 vừa qua, do nợ phải thu tăng khá cao đã gây ra những khó khăn về dòng tiền cho HBC. Đây là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ tăng trưởng của Hòa Bình chậm lại so với năm 2017 (14%/49%), cũng như lợi nhuận giảm (630 tỷ đồng/859 tỷ đồng). Nguyên nhân này cùng với tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu HBC. Tuy nhiên, trong khi kế hoạch tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược trong suốt 3 năm qua vẫn chưa thực hiện được thì tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho cả giai đoạn đó (2016, 2017 và 2018) so với giai đoạn trước (2013, 2014 và 2015) đã tăng gần 4 lần (từ 12.029 tỷ đồng lên 45.103 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế tăng gần 12 lần (từ 175 tỷ đồng lên 2.049 tỷ đồng). Đây là một kỳ tích của HBC”, ông Hải nhận định.

Phát hành hơn 3,75 triệu quyền mua cổ phiếu bằng mệnh giá cho CBCNV

Để khuyến khích tinh thần làm việc, gắn bó của CBCNV, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đề xuất ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành 3.750.000 quyền mua cổ phiếu cho CBCNV đang làm việc cho công ty, 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu với giá bằng mệnh giá. Quyền mua có hiệu lực sau 3 năm kể từ 1.1.2019 với điều kiện CBCNV làm việc cho công ty liên tục trong 3 năm và không bị kỷ luật…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem