Nợ xấu khó giải

Nguyễn Quang A Thứ ba, ngày 23/09/2014 05:09 AM (GMT+7)
Nợ xấu đang cản trở sự phát triển của đất nước và còn là vấn đề khó giải quyết theo cách làm hiện nay. Ông chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á, ADB, đã nói  rất đúng rằng thiếu tiền thì công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) chẳng làm được gì với nợ xấu.
Bình luận 0

Nợ xấu, không ai biết chính xác là bao nhiêu. Ngay Ngân hàng Nhà nước có lẽ cũng không biết con số chính xác, nhưng chắc chắn không dưới 100.000 tỷ đồng. Thế mà vốn được cấp của VAMC chỉ 500 tỷ đồng thì đúng là muối bỏ bể. Dẫu VAMC có thể phát hành trái phiếu (thực ra khống) để mua nợ xấu của các ngân hàng và các ngân hàng có thể dùng trái phiếu đó để chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước. Đó là cách hay để tạm thời đẩy “cục máu đông” sang cho VAMC, nếu các ngân hàng thương mại sau đó hoạt động hiệu quả và lấy hiệu quả đó để xóa số nợ xấu ấy.

Vấn đề ở đây là chữ nếu. Nhiều ngân hàng hoạt động không hiệu quả, nên có thông được “cục máu” cũng chưa ổn. Thực sự, các ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số nợ xấu đã bán cho VAMC lấy trái phiếu đó và thực ra mới chỉ là đưa khoản nợ xấu đó ra khỏi bảng tổng kết tài sản của ngân hàng mà thôi (tuy điều đó cũng rất quan trọng nếu ngân hàng hoạt động hiệu quả sau khi “cục máu đông” đã tạm được thông). Đáng tiếc lại không phải như vậy.

Nhiều ngân hàng mới được thành lập và còn nhiều ngân hàng nông thôn được nâng cấp lên ngân hàng đô thị trong 10 năm qua khi cơn sốt ngân hàng và chứng khoán bùng nổ; nhân sự ngân hàng thiếu trầm trọng và người ta đã phải vơ vét mới kiếm được đủ người để phát triển nhanh mạng lưới . Và cách làm như thế ắt dẫn đến đổ vỡ và nợ xấu. Các ngân hàng quốc doanh cũng chẳng là ngoại lệ. Theo thanh tra và kiểm toán, có ngân hàng lớn của Nhà nước hiện nợ có khả năng mất đã xấp xỉ vốn được cấp. Nhiều ngân hàng tư nhân cũng vậy.

Cách tốt nhất để giải quyết nợ xấu của các ngân hàng như vậy là phải để cho chúng bị phá sản, hoặc bán cho chủ đầu tư mới. Nhà nước không nên tiếc cái vốn đã mất vì cái vốn thực sự đã mất, không tiếc được vì tiếc không giải quyết được vấn đề.

Có thể vì sự an toàn của hệ thống nên việc cho phá sản là không khả thi, nhưng việc đổi chủ là hoàn toàn có thể và không dẫn đến đổ vỡ hệ thống.

Các ông chủ cũ (kể cả ông chủ nhà nước) do đã bất tài, không kiểm soát được hoạt động của ngân hàng của mình và gây ra thất thoát, thì trước hết chính các ông chủ ấy phải gánh chịu thiệt hại đầu tiên. Có đại gia là chủ ngân hàng có vẻ lớn nhưng nay nợ xấu đã ăn hết vốn, thì tài sản của người ấy cũng phải giảm xuống bằng không (nếu còn tham gia điều hành và làm bậy thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nữa). Thị trường phải sòng phẳng như vậy. Đã làm kinh tế thị trường thì phải chấp nhận điều đó. Chỉ có như thế mới mong các nhà đầu tư bỏ tiền ra để mua lại ngân hàng và giải quyết nợ xấu của nó.

Nợ xấu sẽ còn là vấn đề nan giải nếu không thay đổi cách tiếp cận, không thay đổi tư duy triệt để.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem