Nông thôn là thị trường lớn, nhiều tiềm năng của các ngân hàng

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 28/09/2018 09:23 AM (GMT+7)
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”, nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, cho biết hiện có tới 65% dân số cả nước hầu như chưa tiếp cận việc thanh toán bằng thẻ, do đó thị trường thanh toán không dùng tiền mặt đang là một thị trường vô cùng to lớn cho các ngân hàng, các công ty công nghệ thông tin.
Bình luận 0

img

Nhà báo Lưu Quang Định, TBT Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phát biểu khai mạc Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Sáng 28.9.2018, tại Hà Nội, Báo Nông thôn ngày nay thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với NHNN, một số Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”.

Tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh; Ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam; đại diện bộ Thông tin truyền thông; các Vụ, Cục thuộc NHNN; các đơn vị: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel); Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas); các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

90% người dân sử dụng tiền mặt trong chi tiêu hàng ngày

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lưu Quang Định, TBT Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, gửi lời cảm ơn tới tất cả quý vị tham dự hội nghị “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân việt tổ chức.

Theo nhà báo Lưu Quang Định, ngày 8.8.2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số Quyết định 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, định hướng đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8% và đặc biệt quan tâm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế.

"40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền", nhà báo Lưu Quang Định thông tin.

img

Toàn cảnh Hội thảo "Thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn" (Ảnh: Trọng Hiếu)

Theo ông Lưu Quang Định, những số liệu trên cho thấy, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới mục tiêu năm 2020, tiền mặt chỉ xuất hiện ở mức thấp hơn 10% trên tổng phương diện thanh toán - là một mục tiêu nhiều thách thức.

“Với vai trò là cầu nối thông tin, chúng tôi nhận thấy nông dân chưa thật sự quan tâm tới hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nông dân vẫn giao dịch bằng tiền mặt là chủ yếu. Thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ của bà con nông dân, muốn thay đổi sang phương thức thanh toán hiện đại, chúng ta phải làm rất nhiều việc: Từ nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng, đẩy mạnh truyền thông về thanh toán không dùng tiền mặt”, nhà báo Lưu Quang Định nhấn mạnh.

Trong quá trình tiếp xúc với nhiều nông dân, nhà báo Lưu Quang Định cho biết, không ít trong số họ rất giàu, đi nước ngoài rất nhiều và thẻ tín dụng được họ sử dụng để thanh toán là chính. Nhưng việc thanh toán không dùng tiền mặt đó chỉ được sử dụng ở nước ngoài, hay ra Hà Nội và một số thành phố lớn, nhưng khi về chính quê hương họ lại không sử dụng được.

Chia sẻ nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, ông Lưu Quang Định phân tích, đầu tiên, là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được. Các điểm giao dịch của các ngân hàng rất ít, phải đi hàng cây số mới tới nơi. Ngoài ra, số lượng các cây ATM  còn quá hạn chế.

Lý do thứ hai thuộc về truyền thông, nghĩa là rất nhiều nông dân vẫn chưa hiểu thanh toán không dùng tiền mặt là gì, có an toàn không, cái lợi của phương thức thanh toán này là gì…

“Chính vì thế, hình ảnh những người nông dân thu hoạch lúa, cá, cây ăn trái… sau đó vác cả bao tải tiền ra thành phố để tiêu xài vẫn quá phổ biến trong xã hội. Trong khi đó, lẽ ra hơn 11 triệu hộ nông dân, chiếm 50% lực lượng lao động cả nước, 65% dân số cả nước… hiện hầu như chưa tiếp cận việc thanh toán bằng thẻ, không dùng tiền mặt phải là một thị trường vô cùng to lớn cho các ngân hàng, các công ty công nghệ thông tin. Quả là đáng tiếc!”, nhà báo Lưu Quang Định bày tỏ.

Theo ông, nếu khai thác được thị trường này thì nông dân có lợi, các ngân hàng có lợi và mục tiêu của Đảng, Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 10% vào năm 2020, 8% vào năm 2025 chắc chắn sẽ thành công. 

Mục tiêu lớn của ngành ngân hàng đến cuối năm 2020

Phát biểu ngay sau đó, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, thực hiện chủ chương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Đảng và Chính phủ. Thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chỉ đạo triển khai.

Cùng với sự nỗ lực của các NHTM cũng như các ngân hàng nước ngoài, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải tiến phương thức và uy tín, phương thức phục vụ. Đặc biệt, có sự đột phát trong phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quốc hội và tiến trình hội nhập quốc tế.

img

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo (Ảnh Trọng Hiếu)

Theo ông Nguyễn Kim Anh, song song với chủ chương thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, Chính phủ đã có chỉ đạo phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn. Tại Quyết định 254 ngày ngày 30.12.2016, phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã xác định tập trung phát triển một số hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân độ tuổi từ 15 trở lên có tài khoản ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

Đồng thời, đề ra giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, NHNN đã xây dựng, triển khai thí điểm đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết: “NHNN đã thí điểm một số mô hình thanh toán dựa trên sự hợp tác giữa các NHTM và một số tổ chức thông qua sử dụng phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng phù hợp với địa bàn nông thôn, phù hợp với thanh toán không dùng tiền mặt vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra nhiều cơ hội để phát triển thanh toán hiện đại, dễ sử dụng với chi phí thấp, phù hợp với địa bàn nông thôn. NHNN đang phối hợp với các đơn vị liên quan, đề xuất các chính sách phát triển, thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Đồng thời, NHNN đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quam, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nhằm xây dựng chiến lược tài chính quốc gia toàn diện tại Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Trong đó, lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn đóng vai trò trọng yếu”.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp, nông thôn là chủ chương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong đó, phát triển thanh toán dùng dùng tiền mặt khu vực nông thôn là một nội dung quan trọng, được quan tâm. Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ và NHNN, nỗ lực của các NHTM, tổ chức phi ngân hàng, triển thanh toán dùng dùng tiền mặt khu vực nông thôn đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Do đó, trong khuôn khổ hội thảo, chúng ta sẽ sẽ tập trung đánh giá thực trạng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua. Trao đổi, đề xuất giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực này trong thời gian tới.

Thông qua hội thảo hôm nay, tôi hi vọng, chúng ta sẽ bàn bạc, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trên thế giới cũng như thực tế triển khai ở đơn vị, đề xuất các giải pháp phù hợp ở Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cũng như đạt được mục tiêu phát triển tài chính toàn diện khu vực nông thôn theo định hướng của Chính phủ”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem