Ông Trương Gia Bình: Vì sao nông sản cứ liên tục phải giải cứu?

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 05/06/2018 17:13 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt bên lề Diễn đàn kinh tế Việt Nam được tổ chức sáng 5.6 tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân (PSDC) cho biết: "Nông nghiệp không thể tách rời khỏi công nghiệp, nếu thiếu nhà máy chế biến thì chắc chắn sẽ phải giải cứu quanh năm".
Bình luận 0

img

Ông Trương Gia Bình: Vì sao nông sản cứ liên tục phải giải cứu? (Ảnh: PT)

Thưa ông, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần này với chủ đề Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản với mục tiêu chính là gì?

- Đây là sự kiện nằm trong chuỗi diễn đàn để chuẩn bị cho Diễn đàn kinh tế Việt Nam tổ chức chính thức vào tháng 12.2018. Chủ đề lần này bàn về nông nghiệp với 2 vấn đề chính, thị trường đầu ra và sự cạnh tranh cho nông sản. Các tham luận của các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã tập trung vào việc làm thế nào để có giải pháp hữu hiệu tăng sức cạnh tranh và tìm đầu ra cho nông sản để tập hợp và chuẩn bị báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ.

Qua diễn đàn lần này, ông có thể cho biết từ các ý kiến của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thì thị trường nông sản đang gặp khó khăn gì nhất?

- Khó khăn thì chúng ta đều biết, kiểu nông sản cứ phải “giật gấu bá vai”, hết đợt giải cứu nông sản này đến giải cứu khác. Từ dưa hấu, thanh long, khoai lang... Vấn đề quan trọng nhất là ở chỗ phải tìm ra gải pháp nào để chấm dứt tình trạng giải cứu này mới là vấn đề còn đang bỏ ngỏ.

"Cá nhân tôi nghĩ thứ nhất là phải có thông tin đầy đủ, cập nhật cho tất cả mọi người. Thời đại công nghệ 4.0 thì không có lý gì mà người sản xuất lại không có thông tin về mặt hàng mà họ đang sản xuất. Mặt khác, phải có vai trò của những “đại gia” nông nghiệp để có chức năng điều tiết những thương lái quốc gia. Có nước nào thành công mà không có thương lái lớn về nông sản đâu", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh

Chúng ta phải thấy hết được tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam. Ngành công nghệ thông tin, phần mềm xa lạ thế mà đến nay chúng ta còn có tên tuổi trên thế giới thì không có lý do gì mà ngành nông nghiệp có tiềm năng và lao động dồi dào như hiện nay lại không thể làm được.

Theo tôi, nông nghiệp không thể tách rời khỏi công nghiệp được, nếu thiếu nhà máy chế biến thì chắc chắn sẽ phải giải cứu quanh năm. Các sản phẩm của nông nghiệp đa phần là tươi sống như rau, củ quả, thủy sản...rất cần mạng lưới hạ tầng vận tải, thậm chí còn cần hơn cả công nghiệp. Cũng chí vì không có  nhà máy chế biến, không có hạ tầng nên thực phẩm tươi sống liên tục bị thua lỗ, bị giải cứu.

Như vậy, theo ông nông sản cần những điều kiện tiên quyết gì để không phải giải cứu nữa?

- Cá nhân tôi nghĩ thứ nhất là phải có thông tin đầy đủ, cập nhật cho tất cả mọi người. Thời đại công nghệ 4.0 thì không có lý gì mà người sản xuất lại không có thông tin về mặt hàng mà họ đang sản xuất. Mặt khác, phải có vai trò của những “đại gia” nông nghiệp để có chức năng điều tiết những thương lái quốc gia. Có nước nào thành công mà không có thương lái lớn về nông sản đâu.

Chúng ta phải có mạng lưới hạ tầng để bảo quản, chế biến...Rất nhiều việc phải làm nên việc thành lập hiệp hội nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nỗ lực để xúc tiến các việc này. Ngày xưa, khi làm phần mềm, chẳng ai có gì cả, chúng tôi đã thành lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cùng nhau thảo luận làm gì trước, làm gì sau nên đã có thành công như ngày hôm nay.

Như vậy, theo ông trong lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu một hiệp hội như thế?

- Tôi nghĩ, cũng có những hiệp hội rồi nhưng vẫn thiếu chuyên sâu, ví dụ hiệp hội Dưa hấu chúng ta có không?

Đứng trước cuộc Cách mạng 4.0 hiện nay bản thân công ty ông có hỗ trợ cho nông nghiệp như thế nào?

- Tôi cho rằng, cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ đưa nông nghiệp lên tầm cao mới. Ví dụ chúng tôi vừa ký với ông vua trứng ở Nhật Bản. Ông này muốn xây dựng nhà máy ở Việt Nam, nhà máy đó sẽ kiểm soát mọi thông số về quả trứng. Các bạn có  thể tưởng tượng, một quả trứng sau nay sản xuất ra sẽ có thể đầy đủ tất cả các loại vitamin và một bữa ăn người ta chỉ cần ăn 1 quả trứng là đủ. Công nghệ đang đi những bước rất xa, nó có thể giúp chúng ta có thể bước cùng thời đại.

Ông từng cho rằng 3 lĩnh vực ở Việt Nam là công nghệ thông tin nông nghiệp và du lịch là 3 thứ có tiềm năng nhất, theo ông nông nghiệp xếp vị trí thứ mấy?

- Nếu mà được xếp hạng, tôi xếp nông nghiệp là số 1 sau đó mới tới công nghệ thông tin và du lịch. Bởi Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc nông nghiệp trên thế giới. Đất nước ta có vị thế  rất lớn, sản xuất nông nghiệp không phải tốn điều hòa để làm mát về mùa hè, không phải sưởi ấm vào mùa đông thì lại chưa phát triển. Trong khi, nhiều nước có nông nghiệp phát triển lại là nước nóng hoặc lạnh và họ chỉ có 1%  dân số sản xuất nông nghiệp. Chúng ta có cơ hội để có những tập đoàn nông nghiệp hùng mạnh và tôi tin một ngày nào đó Việt Nam trở thành cường quốc về nông nghiệp.

Sau diễn đàn này, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân của ông có những  báo cáo cụ thể gì cho Thủ tướng Chính phủ?

- Chúng tôi muốn kết hợp với các bộ, hiệp hội, viện, ngành hàng, doanh nghiệp...ngồi suy nghĩ lại cơ hội của đất nước trong lĩnh vực nông nghiệp để trước khi báo cáo các giải pháp lên Thủ tướng Chính phủ. Như ngày xưa, khi làm phần mềm năm 1998, chúng ta chưa biết làm phần mềm nhưng đã mua của Ấn Độ, Trung Quốc...Nhưng đến nay chúng ta đã có bước phát triển mạnh về lĩnh vực phần mềm và công nghệ thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem