Sabeco và nỗi lo trước nguy cơ mất thị phần

Nguyễn Minh Thứ năm, ngày 01/12/2016 17:13 PM (GMT+7)
Sabeco thừa nhận mất thị phần chính là nỗi lo lớn của công ty, nhất là sau khi ký kết TPP, Hiệp định thương mại hàng hoá trong ASEAN… Cùng với đó, rủi ro tỷ giá cũng có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty trong thời gian tới.
Bình luận 0

img

Sabeco thừa nhận mất thị phần chính là nỗi lo lớn của công ty. (Ảnh minh họa)

Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu SAB trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HNX). Theo đó, dù đang ở vị thế dẫn đầu thị trường bia Việt Nam, Sabeco vẫn đang đối diện một mối lo lớn, đó là bị giành giật thị phần thuộc phân khúc cao cấp từ các hãng bia, rượu có thương hiệu, tiềm lực tài chính mạnh.

Tỷ giá và TPP khiến Sabeco giảm thị phần và lợi nhuận?

Theo bản cáo bạch vừa được công bố, Sabeco cho biết, yếu tố tác động mạnh nhất tới rủi ro thị trường chính là sự cạnh tranh của các hãng bia, rượu có thương hiệu, tiềm lực tài chính mạnh và có nhiều kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là khi Việt Nam thực hiện điều chỉnh chính sách thuế theo cam kết khi gia nhập WTO và các Hiệp định thương mại trong thời gian tới.

Sau khi ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại hàng hoá trong ASEAN… Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm, trong đó có bia, rượu. Việt Nam cam kết giảm thuế xuất Thuế nhập khẩu đối với rượu, bia về mức 0%, từ năm thứ 12 đối với rượu mạnh và năm thứ 11 đối với bia sau khi chính thực áp dụng quy định của TPP.

“Mặc dù hai ngành này có lộ trình giảm thuế khá dài, nhưng đây là nguy cơ đối với các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước, trong đó Sabeco, vì các sản phẩm bia nhập khẩu từ nước ngoài được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới”, Sabeco phân tích.

Mặt khác, phân khúc bia giá trung bình bị cạnh tranh rất khốc liệt từ các công ty thuộc phân khúc bia cao cấp như Heineken (hiện chiếm khoảng 17-20% thị phần bia ở thị trường Việt-PV), Sapporo (chiếm thị phần không đáng kể)…

“Thêm vào đó, một nhóm người tiêu dùng có xu hướng chuyển phân khúc bia cao cấp khi thu nhập bình quân tăng lên. Các điều này có thể dẫn đến tương quan cạnh tranh trong thị trường bịa thay đổi. Dù đang ở vị thế dẫn đầu thị trường Việt Nam, Sabeco vẫn chuẩn bị các phương án cho rủi ro thị trường này”, Sabeco nhận định.

Bản cáo bạch của Sabeco cũng nói đến rủi ro tỷ giá hối đoái. Nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của Sabeco chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài và được thanh toán bằng ngoại tệ. Trong khi đó, sản phẩm được tiêu thủ chủ yếu tại thị trường nội địa và được thanh toán bằng VND. Do đó, khi tỷ giá biến động bất lợi, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất bia và ảnh hưởng đến lợi nhuận của Sabeco.

Từ 4.1.2016, Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách điều hành tỷ giá mới. Theo đó, tỷ giá trung tâm sẽ được công bố hàng ngày và biên độ giao dịch là +/-3%.

“Sự biên độ của tỷ giá trong thời gian tới rất khó dự đoán do chính sách thay đổi tỷ giá của các nước và chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp tỷ giá VND/USD biến động tiêu cực ngoài dự kiến, kết quả kinh doanh của công ty sẽ bị ảnh hưởng do chi phí đầu vào tăng lên”, Sabeco nhận định.

Cổ phiếu SAB sẽ tăng lên 156.000 đồng/cổ phiếu?

Dù rủi ro như vậy nhưng CTCK TP.HCM (HSC) vẫn dự báo giá cổ phiếu SAB ở khoảng 156.000 đồng/cổ phiếu.

imgGiá trị hợp lý của cổ phiếu Sabeco là khoảng 156.000 đồng/cổ phiếu. (Ảnh minh họa)

HSX vừa chấp thuận niêm yết 641.281.186 cổ phiếu SAB của Sabeco vào ngày 6.12 với giá tham chiếu phiên chào sàn là 110.000 đồng/cổ phiếu.

HSC tính toán, tại giá 110.000 đồng/cổ phiếu, Sabeco có vốn hóa là 70.500 tỷ đồng, đứng thứ 5 về vốn hóa trên HSX và lợi nhuận trước thuế năm 2017 sẽ tăng trưởng 7,9%.

“Cho dù vậy, giá có thể sẽ tăng mạnh do nhà đầu tư muốn mua vào cổ phiếu này”, HSC dự đoán.

Với tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng là 3,41% thì giá cổ phiếu có thể sẽ tăng sau khi niêm yết. Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng là 3,41%; tương đương 21,86 triệu cổ phiếu (cao hơn số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của Habeco). Ngoài ra, Sabeco nhiều khả năng sẽ được thêm vào giỏ VN30 và điều này phụ thuộc phần nào vào người mua cổ phần mà nhà nước chào bán.

Bên cạnh đó, thông tin Thai Beverage (nắm cổ phần thiểu số tại Fraser & Neave có trụ sở tại Singapore) đã ngỏ ý muốn tham gia đấu giá mua cổ phần nhà nước tại Sabeco.

“Hiện nhà nước dự kiến bán 89,6% cổ phần tại Sabeco, chia làm 2 lần. Lần đầu sẽ diễn ra trong năm nay với số cổ phần chào bán là 53,6% và sẽ chào bán nốt số cổ phần còn lại trong năm sau. Giá trị hợp lý của cổ phiếu Sabeco là khoảng 156.000 đồng/cổ phiếu”, HSC ước tính. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem