Siết chặt việc thẩm định nguồn vốn

Thứ năm, ngày 28/11/2013 15:10 PM (GMT+7)
Ngày 27.11, thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích những hạn chế và đề xuất các giải pháp về việc luật hóa một cách rõ ràng, cụ thể trong công tác thẩm định nguồn vốn bởi vấn đề này liên quan đến nhiều nội dung khác.
Bình luận 0
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) khẳng định: "Để luật đi vào cuộc sống, các quy định cần chặt chẽ, mang tính đổi mới, toàn diện để tránh sự dàn trải. Việc thẩm định nguồn vốn cần xác định rõ hơn nữa bởi việc này dường như chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều dự án được phê duyệt nhiều năm vẫn không bố trí được vốn, gây lãng phí nguồn lực". Đại biểu Sơn cũng đề nghị bổ sung quy định về việc làm rõ trách nhiệm, có chế tài với tổ chức, cá nhân thẩm định nguồn vốn.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) bổ sung thêm ý kiến: Trong việc thẩm định nguồn vốn, cần chú ý hơn về quy hoạch sử dụng đất, lấy vùng kinh tế làm cơ sở để phân bổ nguồn lực đầu tư, khắc phục tình trạng xin- cho. Đại biểu Vở nhấn mạnh: "Trong việc thẩm định nguồn vốn, phê duyệt đầu tư, phải quy định rõ đầu mối cơ quan để tách bạch cụ thể trách nhiệm. Đồng thời phải gắn luật này với các luật khác có liên quan, đặc biệt là Luật Phòng chống tham nhũng để hạn chế tiêu cực".

Đóng góp ý kiến xung quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho biết: "Đầu tư công có 2 mục tiêu là lợi nhuận và phi lợi nhuận nên dễ bị lạm dụng. Việc thẩm định cần công khai, minh bạch và được xác định ngay trong quản lý đầu tư công, tránh chung chung, khẩu hiệu". Bên cạnh đó, đại biểu Hà cũng bày tỏ: Dự thảo luật chưa thấy đề cập đến việc tạo nguồn vốn và trả nợ vốn vay dù vấn đề này có ý nghĩa quan trọng.

Đức Hiếu (Đức Hiếu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem