Dự án đầu tư tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng đang được Chính phủ xem xét triển khai. Ảnh: tư liệu
Thưa ông, được biết Bộ NNPTNT có tham gia thẩm định Dự án đầu tư tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng, vậy ý kiến của bộ về dự án này như thế nào?
- Chúng tôi có nhận được công văn của Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến thẩm định Dự án đầu tư tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng. Theo báo cáo đề xuất của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình. Đây là dự án đa mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng (đoạn Việt Trì - Lào Cai) kết hợp thủy điện theo hình thức BOO là phù hợp với chủ trưong xã hội hóa đầu tư của Nhà nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ NNPTNT, dự án phải đánh giá, làm rõ ảnh hưởng đến ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, sạt lở bờ sông, an toàn hệ thống đê điều và việc lấy nước của hệ thống công trình, thủy lợi hai bên bờ sông; đề xuất giải pháp, gửi Bộ NNPTNT thẩm định về các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ NNPTNT. Bên cạnh đó dự án phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông, quy hoạch giao thông vận tải và quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng.
Đến nay, Bộ NNPTNT đã nhận được hồ sơ về dự án này chưa, thưa ông?
- Chúng tôi chưa nhận được hồ sơ của dự án này. Hiện nay dự án này đang ở giai đoạn đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất Chính phủ cho chủ trương đầu tư. Tuy chưa có hồ sơ dự án nhưng tôi nhận thấy đây là một dự án lớn với ý tưởng mới với vốn đầu tư dự kiến là 24.510 tỷ đồng. Dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng - Việt Trì và Hà Nội - Lạch Giang; đồng thời cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỷ kWh/năm. Chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét hơn 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp 3; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp 2), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.
Theo kinh nghiệm của ông với một dự án lớn thế này, nó có gây ra nhiều tác động đến ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, an toàn hệ thống đê điều, sạt lở bờ sông Hồng ra sao?
- Chắc chắn là sẽ có ảnh hưởng tới hệ thống đê ở hạ lưu, lượng phù sa sẽ bồi lắng ở thượng lưu nới có các con đập thay vì chảy xuống hạ lưu, hạ lưu sẽ thiếu hụt một lượng cát nhất định. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng như thế nào lại còn phụ thuộc hoàn toàn vào các giải pháp mà dự án đưa ra. Như tôi đã nói hiện nay dự án này mới ở giai đoạn xin chủ trương, đây là bước đầu tiên, sau đó nếu Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương thì các bộ ngành, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực liên quan trong đó có lĩnh vực của Bộ NNPTNT sẽ tham gia đánh gia sâu, nhiều góc cạnh của dự án để phân tích xem xét các tác động, những lợi ích, tính khả thi của dự án.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.